Sau Viettel, đến lượt FPT Telecom nhảy vào thị trường truyền hình cáp

(Dân trí) - Ngày 6/8, Bộ Thông tin & Truyền thông chính thức cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cho Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom). Như vậy, sau khi Viettel được “cởi trói” thì đến lượt FPT được phép tiến vào thị trường đầy tiềm năng này.

Sau Viettel, đến lượt FPT Telecom nhảy vào thị trường truyền hình cáp


Theo giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cho FPT Telecom, công ty này được phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với phạm vi như sau: Dịch vụ truyền hình cáp tương tự: trên phạm vi toàn quốc, trừ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk; và Dịch vụ truyền hình cáp số trên phạm vi toàn quốc.

Trước đó, sau 1 năm chờ đợi, hồi đầu tháng 5, Viettel cũng đã được Bộ TT&TT cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp với phạm vi phủ sóng tương tự như FPT Telecom.

Cùng với Viettel, VNPT, tháng 5/2013, FPT Telecom đã đệ đơn xin được tham gia thị trường truyền hình cáp. Tuy nhiên, việc những ông lớn trong lĩnh vực viễn thông nhảy vào phân khéo béo bở vốn thuộc về VTV đã khiến nhà đài này không chịu “để yên”.

Nửa cuối năm 2012, VTV, SCTV, VCTV và Hiệp hội Truyền hình trả tiền đã gửi công văn đến các bộ ngành Trung Ương để “tố” Vietel, VNPT và FPT nhảy vào thị trường truyền hình cáp là đầu tư ngoài ngành, không phù hợp trong khi Nhà nước đang có chủ trương không để các Tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tư ngoài ngành.

Động thái này khiến dư luận bất bình, đặc biệt là những người trong cuộc, như FPT, Viettel.

Mới đây, đại diện Bộ TT&TT đã khẳng định sẽ khuyến khích doanh nghiệp tận dụng hạ tầng có sẵn của mình cung cấp đa dịch vụ trên đó, kể cả truyền hình cáp, vì công nghệ đã hội tụ trên hạ tầng mạng. Bởi vậy, Viettel, FPT, VNPT có thể sử dụng hạ tầng mạng đó để cung cấp nhiều dịch vụ khác chứ không riêng gì truyền hình.

Theo số liệu thống kê hiện nay, sau 9 năm phát triển, Việt Nam mới có khoảng 3 triệu thuê bao truyền hình cáp và 70% thị phần nằm trong tay của Truyền hình cáp Việt Nam. Điều này đồng nghĩa thị trường vẫn còn tiềm năng khi mới chỉ có 15% hộ gia đình của Việt Nam đang sử dụng dịch vụ này. Trong khi đó, tình trạng độc quyền của các nhà đài, như Truyền hình cáp Việt Nam, đã khiến người dùng phải chịu thiệt thòi. Chỉ trong 3 năm qua, đơn vị này đã liên tục tăng giá cước. Với 3 lần điều chỉnh, hiện nay giá dịch vụ này đã lên tới 110.000 đồng/tháng/tivi. Đây là mức giá quá cao so với mức thu nhập chung của người dùng Việt Nam, đặc biệt khi mà thời gian người dùng xem TV không còn nhiều như trước đây.

Nói về việc Hiệp hội Truyền hình trả tiền “tố” Viettel, VNPT, và FPT khi các công ty này muốn nhảy vào thị trường này, ông Mai Liên Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, cho rằng: “Bản chất việc doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ truyền hình cáp là phát huy thế mạnh hạ tầng truyền dẫn của họ. Tôi tin rằng khi các doanh nghiệp viễn thông nhảy vào thị trường này, giá dịch vụ cung cấp cho người dân sẽ giảm mạnh chứ không tăng liên tục như thời gian vừa qua.

Khôi Linh