Liệu việc iPhone được sản xuất tại Mỹ có thành sự thật?
(Dân trí) - Khôi phục hàng ngàn công việc sản xuất cho cộng đồng Rust Belt của Mỹ (Rust Belt - nền kinh tế dựa trên công nghiệp thuộc vùng Tây Bắc và Trung Tây Hoa Kỳ) là một trong những lời hứa hẹn chiến dịch lớn nhất của Tổng thống đắc cử Donald Trump, và ít nhất một công ty công nghệ lớn đang xem xét điều đó.
Các nhà sản xuất đã có động thái trong việc di dời
Theo tờ The New York Times và Nikkei Asian Review, nhà sản xuất iPhone của Apple là Foxconn đã bắt đầu xem xét khả năng chuyển việc sản xuất smartphone về nước Mỹ.
Việc này bắt nguồn từ một cuộc phỏng vấn với The New York Times, khi ông Trump kể lại cuộc trò chuyện điện thoại với Tim Cook, trong đó ông kêu gọi vị CEO này chuyển một phần dây chuyền sản xuất của Apple về Mỹ. Có thể nói, ông Trump ủng hộ việc các công ty của Mỹ sản xuất sản phẩm của họ tại Mỹ và đã đề xuất đánh thuế mạnh, có khả năng cao đến 45% lên các nhà nhập khẩu Trung Quốc.
Động thái này có thể trở nên khả thi hơn vì Foxconn, nhà cung cấp lớn nhất của Apple cho các thành phần trong thiết bị của hãng, tiết lộ họ cũng đang xem xét các lựa chọn đầu tư liên quan đến việc di chuyển sản xuất đến Mỹ.
Đại diện Foxconn đã tiết lộ: "Chúng tôi đang thảo luận sơ bộ về việc đầu tư tiềm năng, sẽ đại diện cho một sự mở rộng hoạt động tại Mỹ trong thời điểm tới của chúng tôi."
Bên cạnh đó, CEO của Softbank, Masayoshi Son, người vừa gặp Trump gần đây đã công bố một khoản đầu tư dự kiến 50 tỷ USD trong kế hoạch khởi động của mình tại Mỹ. Vị CEO này đã soạn thảo một biên bản với tên của Foxconn và Softbank, cùng với các dòng văn bản sau: "Cam kết về việc: Đầu tư 50 tỷ USD và 7 tỷ USD tại Mỹ, tạo ra 50.000 công ăn việc làm mới tại Mỹ trong 4 năm tới". Điều đó đã dẫn đến những suy đoán rằng, Foxconn sẽ đóng vai trò lớn trong việc đem lại "công ăn việc làm" cho người Mỹ.
Nhà sản xuất này cũng đã tiết lộ rằng, hiện nay phạm vi kế hoạch đầu tư tiềm năng chưa được xác định, họ sẽ công bố các chi tiết của kế hoạch sau khi hoàn thành các cuộc thảo luận trực tiếp giữa lãnh đạo và các quan chức Hoa Kỳ có liên quan.
Theo Nikkei Asian Review, trích dẫn một nguồn tin đáng tin cậy về kế hoạch của Apple, cho biết rằng công ty có trụ sở tại Cupertino, California này đã "giao nhiệm vụ" cho Foxconn và Pegatron, hai công ty công nghệ có trách nhiệm lắp ráp hơn 200 triệu iPhone của Apple hàng năm, điều tra tính khả thi của việc xây dựng nhà máy ở Mỹ .
Trump cho biết trong một bài phát biểu vào tháng Giêng: "Chúng ta sẽ yêu cầu Apple tạo ra những dòng máy tính và những thiết bị khác của họ tại đất nước này thay vì các nước khác. Làm thế nào việc đó mang lại lợi ích cho chúng ta khi họ lại làm điều đó ở Trung Quốc?"
Những khó khăn khi chuyển nhà máy về Mỹ?
Riêng công ty Pegatron lại có vẻ ngần ngại về việc trên. Mặc dù Foxconn đồng ý lập một báo cáo ngay nhưng Chủ tịch công ty Terry Gou đã cảnh báo rằng điều đó sẽ làm cho chi phí sản xuất cao hơn đáng kể. Chẳng hạn như, iPhone được sản xuất ở Mỹ có thể sẽ bán lẻ với giá 740 USD đến 1,300 USD cho một chiếc iPhone 7 32GB so với 650 USD vào thời điểm này, theo Nikkei. Bên cạnh đó, Apple trước đây cũng đã từ chối di chuyển sản xuất iPhone ở thị trường Mỹ, với lý do chi phí.
Một báo cáo toàn diện của tờ Technology Review MIT cho thấy việc di dời lắp ráp iPhone sang Mỹ sẽ tăng thêm 30 đến 40 USD đến chi phí của một chiếc iPhone: "Chi phí vận chuyển và hậu cần sẽ phát sinh từ việc vận chuyển các bộ phận" - tờ báo này cho biết.
Việc sản xuất hàng trăm linh kiện của smartphone trong nước khiến cho giá đắt hơn và cực kỳ phức tạp. Giám đốc điều hành Apple Tim Cook đã có cuộc trò chuyện với CBS kéo dài 60 phút trong tháng 12 năm 2015 rằng lực lượng lao động Mỹ thiếu các kỹ năng cần thiết để sản xuất iPhone, và CEO của Apple đã ước tính rằng phải mất đến chín tháng để tuyển dụng khoảng 8.700 kỹ sư công nghiệp giám sát dây chuyền lắp ráp Trung Quốc.
Mặt khác, Mỹ cũng gặp phải vấn đề về tài nguyên thiên nhiên. MIT Technology Review chỉ ra rằng có rất ít trong số 75 yếu tố cần thiết để sản xuất iPhone để bán tại Mỹ. Ví dụ, để sản xuất Aluminum phải yêu cầu bauxite và không có mỏ bauxite ở Mỹ. Nhưng Trung Quốc lại là nơi sản xuất 85 phần trăm kim loại đất hiếm của thế giới.
Thêm nữa, nhân tố làm phức tạp thêm vấn đề này là chuỗi cung ứng của Apple với hơn 750 công ty tại hơn 20 quốc gia. Công ty Semiconductor của Đài Loan sản xuất chip iPhone; SK Hynix của Hàn Quốc và Toshiba của Nhật Bản sản xuất module bộ nhớ của điện thoại; Japan Display và Sharp của Nhật Bản cung cấp màn hình hiển thị của iPhone. Theo một giám đốc điều hành ngành công nghiệp quen thuộc với sản xuất iPhone đã nói với tờ blog kinh tế NorthCrane: "Để tạo ra iPhone, sẽ cần phải có một cụm các nhà cung cấp ở cùng một vị trí, nhưng Hoa Kỳ lại không đáp ứng được điều kiện đó vào lúc này".
Một ví dụ cụ thể hơn, trong năm 2013, hãng Motorola đã tuyển hơn 3.800 nhân viên lắp ráp Moto X, một chiếc điện thoại Android hàng đầu, tại một nhà máy ở Fort Worth, Texas. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, hãng này đã buộc phải dừng việc sản xuất với lý do điều kiện thị trường đặc biệt khó khăn. Công ty này sau đó chuyển việc sản xuất sang Trung Quốc.
Riêng về phía Trung Quốc, phản ứng của quốc gia này có vẻ khá nghiêm trọng. Trong một bài báo đăng trên một tờ báo của nhà nước, chính phủ Trung Quốc đã cảnh báo về các biện pháp trả đũa nếu việc hạn chế thương mại có hiệu lực. Theo tờ Global Times, "một loạt các đơn đặt hàng Boeing sẽ được thay thế bằng máy bay Airbus. Doanh số bán xe hơi Mỹ và iPhone tại Trung Quốc sẽ sụt giảm và việc nhập khẩu đậu nành và bắp Mỹ sẽ bị ngưng trệ. Trung Quốc cũng có thể giới hạn số lượng các sinh viên Trung Quốc theo học tại Mỹ".
Việc di chuyển sản xuất của Apple cũng có thể đe dọa mối quan hệ của công ty với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Đầu năm nay, Books và iMovies của Apple đã tạm thời bị chặn lại trong nước. Và trong tháng Sáu, Cục sở hữu trí tuệ có trụ sở tại Bắc Kinh của Trung Quốc cho thấy iPhone 6 và iPhone 6 Plus của Apple đã xâm phạm bằng sáng chế thiết kế của công ty Trung Quốc Shenzen Baili.
Ngay cả khi Apple có chuyển khâu sản xuất iPhone sang Mỹ, cũng chưa hẳn giúp ngăn chặn thiệt hại của đất nước. Foxconn chỉ tuyển dụng khoảng 690.000 lao động ở Trung Quốc vào cuối tháng Tư, giảm nhẹ từ mức đỉnh 1,3 triệu vào năm 2012, trong khi Viện chính sách kinh tế Mỹ ước tính rằng Mỹ đã mất đến năm triệu công việc sản xuất từ năm 2000 đến năm 2014.
Khó nhưng không phải là không có ngoại lệ!
Foxconn đã từng thành lập một dây chuyền lắp ráp máy tính iMac ở Mỹ vào năm 2012. Một năm sau đó, Flextronics có trụ sở tại Singapore, nhà sản xuất máy tính Mac Pro của Apple, đã xây dựng một dây chuyền sản xuất tại Austin, Texas.
Trong tháng 10 năm 2015, Chủ tịch Sharp Tai Jeng-wu gợi ý rằng nếu Apple đã bắt đầu sản xuất smartphone ở Mỹ, có khả năng họ sẽ tiếp bước theo. Ông nói: "Chúng tôi đang xây dựng một cơ sở mới tại Nhật Bản. Chúng tôi cũng có thể sẽ mở tại Hoa Kỳ. Nếu khách hàng quan trọng của chúng tôi đòi hỏi chúng tôi sản xuất tại Hoa Kỳ, chẳng lẽ chúng tôi lại không làm như vậy?" Vị CEO của Sharp đã nhấn mạnh.
Do đó, mọi điều khó thực hiện đến mấy cũng đều có thể xảy ra, khi Trump chính thức nhậm chức và ông sẽ thực hiện các lời hứa của mình với cử tri thì chúng ta sẽ có thể sẽ thấy một chiếc iPhone hoàn toàn mới được sản xuất tại Mỹ.
Gia Hưng
Tổng hợp