Lenovo điều tra vụ laptop bốc cháy, có thể thu hồi pin
Lenovo Group là cái tên mới nhất gia nhập "bảng phong thần" pin laptop khi một cỗ máy IBM ThinkPad T43 đột nhiên bốc cháy tại Sân bay Quốc tế Los Angeles hồi đầu tháng qua.
Lenovo đứng ra mua lại bộ phận PC của IBM từ tháng 5/2005 và hiện đang sở hữu thương hiệu máy tính xách tay ThinkPad. Những kết quả điều tra ban đầu cho thấy loại pin sử dụng bên trong ThinkPad cũng là pin Lithium-ion do Sony chế tạo và cùng loại với những "thủ phạm" gây ra cháy nổ ở laptop Dell hay Apple.
Không còn sự lựa chọn
Với việc Lenovo vẫn đang tích cực điều tra vụ việc, người phát ngôn của hãng khẳng định hiện vẫn còn quá sớm nói sẽ làm gì tiếp theo. Tuy nhiên với việc Dell và Apple cực chẳng đã phải thu hồi tới gần 6 triệu cục pin laptop chỉ trong vòng 1 tháng thì giới phân tích cho rằng Lenovo không còn lại mấy cơ hội lựa chọn. Nhất là khi nguyên nhân gây ra sự vụ chỉ là một: pin lithium-ion do Sony sản xuất đã bị lỗi.
Vì thế, mặc dù vẫn nói cứng: "Những vụ pin hỏng gây ra cháy nổ kiểu này rất hiếm gặp ở notebook của Lenovo" song người phát ngôn của hãng vẫn phải "đế" thêm: "Mối bận tâm hàng đầu của chúng tôi là an toàn cho cộng đồng. Chúng tôi sẽ làm tất cả những biện pháp cần thiết để phục vụ lợi ích khách hàng và cộng đồng".
Tất cả các số liệu thực tế đều đang chống lại Lenovo. Nếu Dell có 4 triệu pin Sony xuất xưởng trong hai năm qua thì tình hình xuất xưởng của Lenovo cũng chẳng kém. Chính vì thế, Lenovo cũng "yếu đuối" và có khả năng phải thu hồi pin cao chẳng kém gì đối thủ Dell hay Apple, chuyên gia Roger Kay của Endpoint Technologies nhận định.
Cả Dell lẫn Apple đều tuyên bố họ lựa chọn giải pháp "an toàn", cẩn tắc vô áy náy khi quyết định thu hồi các gói pin do Sony sản xuất. Lấy thí dụ, Dell cho biết họ chỉ mới nhận được báo cáo về 6 trường hợp pin laptop bị trục trặc ở Mỹ và một số vụ lẻ tẻ khác ở thị trường quốc tế. Những con số này quả là chênh lệch với số lượng 4,1 triệu pin bị thu hồi.
"Thú nhận sản phẩm của bạn có trục trặc ngay trước mùa mua sắm cao điểm trong năm quả là chẳng vui vẻ chút nào. Thế nhưng đây cũng là tình thế bất khả kháng, không thể tránh được. Việc ém nhẹm đi hoặc không thu hồi là rất khó", Kay nói.
Ngay sau khi Dell thu hồi pin, cả Lenovo lẫn HP đều tuyên bố dù có sử dụng pin Sony song họ vẫn tin tưởng sẽ "tránh được vấn đề tương tự" do sử dụng một thiết kế và cơ cấu sạc khác, đi kèm với khung bảo vệ pin.
Thị trường xáo trộn
Nhưng ai dám đảm bảo 100% rằng sẽ không có vấn đề gì xảy ra. Ai dám chắc rằng sai lầm của Sony trong quy trình sản xuất pin sẽ không lặp lại ở những lô hàng khác?
Về phần người tiêu dùng, tâm lý hoang mang đang bao trùm lên họ. Trên thực tế, tỉ lệ rủi ro là rất nhỏ, nhưng thông tin tràn lan trên các phương tiện truyền thông khiến họ không thể không lo ngại. Và đây chính là một sức ép lớn buộc các hãng PC phải ra quyết định thu hồi pin để giữa uy tín cho thương hiệu.
"Hiện còn khoảng 1 triệu pin lỗi của Sony đang lưu hành trên thị trường. Với tiền đề là các hãng PC lớn có xu hướng chuộng cùng một nhà cung cấp pin, khi đó một người ngã ngựa, những người khác cũng khó lòng thoát khỏi vận hạn tương tự", nhà phân tích Richard Shim của IDC nhận định.
Song Lenovo có một điểm "may mắn": Không phải tất cả các model ThinkPad đều sử dụng pin do Sony cung cấp. Ngoài Sony, Lenovo còn huy động pin từ một số hãng khác như Sanyo (Sanyo là hãng sản xuất pin cell lớn nhất thế giới, hơn cả Sony). Chính vì thế, kể cả khi có thu hồi pin đi nữa, quy mô hành động của Lenovo cũng tương đối hạn chế.
Kể từ sau scandal "pin nổ", đời sống sinh hoạt đã có khá nhiều xáo trộn. Lấy thí dụ, nhiều hãng hàng không như Virgin Atlantic đã ra quy định hạn chế hành khách sử dụng laptop Dell hoặc Apple trên máy bay, trừ phi pin laptop phải được phi hành đoàn kiểm tra trước.
Nếu hành khách nào sử dụng những model máy nằm trong diện có pin bị thu hồi, họ sẽ chỉ được dùng trong trường hợp trên máy bay có phích cắm điện trực tiếp.
Theo Trọng Cầm
VietNamNet/eWeek, NewsFactor