Laptop sẽ nhẹ hơn, tuổi thọ cao hơn
(Dân trí) - Laptop siêu mạnh, siêu nhẹ với bộ pin kéo dài tuổi thọ có vẻ như là “giấc mơ” nhưng thực tế, chiếc máy tính xách tay như thế này sắp trở thành hiện thực nhờ công nghệ lõi kép (dual-core).
Công nghệ lõi kép ghép hai bộ vi xử lý máy tính vào cùng một lõi, tạo ra một bộ chip siêu tốc nhưng không tiêu tốn điện năng. Lợi ích quan trọng nhất của chip lõi kép là tiết kiệm không gian, do đó, máy tính sẽ trở nên nhỏ hơn, nhẹ hơn. Bộ vi xử lý dual-core sử dụng ít năng lượng hơn chip đơn, điều này đặc biệt quan trọng đối với laptop.
Chip lõi kép được xem như là chiếc cầu nối giữa khoảng cách hoạt động của máy tính xách tay và PC để bàn hiện nay. Những chiếc máy máy tính nặng nề, không có khả năng di chuyển luôn luôn là hệ thống “hùng mạnh” hơn các dòng máy tính xách tay.
Sự khác biệt chỉ thể hiện khi người dùng muốn thưởng thức những video clip, chơi game cao cấp. Trong cuộc sống sôi động hiện nay, mọi người muốn được giải trí trên các thiết bị di động, như laptop. Tuy nhiên, chơi game, nghe nhạc, xem video trên máy tính xách tay sẽ làm tiêu tốn nhiều điện năng. Người dùng trông chờ những chiếc laptop có tuổi thọ pin cao để tăng cường khả năng di động.
Gần đây, chip lõi kép đã xuất hiện trên máy tính để bàn. Và, hồi đầu tháng 1/2006, Intel đã trình làng bộ vi xử lý lõi kép dành cho laptop, dành cho máy tính chạy hệ điều hành Windows và máy MacBook Pro của Apple.
Theo Intel, chipset Centrino Duo Mobile của họ chạy nhanh hơn 58% so với dòng chip đơn, trong khi đó lại giảm 28% điện năng so với các thế hệ trước.
Trong khi đó, đối thủ chính là Intel là AMD cũng đã “ngấm ngầm” thực hiện kế hoạch nhằm thống lĩnh thị trường bộ vi xử lý dành cho máy tính. Chắc chắn trong năm nay, AMD sẽ rất quyết liệt giành thị phần trên “mặt trận” bộ vi xử lý cho máy tính xách tay: cải thiện công nghệ.
AMD cho biết: “Chúng tôi dự định đầu năm nay sẽ ra mắt dòng chip lõi kép dành cho laptop siêu mỏng, nhẹ”.
Tạp chí CNTT CNet nhận xét rằng “chip lõi kép sẽ là bước đột phá lớn dành cho máy tính xách tay và sẽ là động lực trong nền điện toán di động trong năm 2006”.
N.Hương
Theo AmeiInfo, Information Week