Laptop nội loay hoay tìm chỗ đứng trên thị trường

(Dân trí) - “Mua máy tính của nước ngoài thứ nhất vì thương hiệu nổi tiếng, thứ hai là chất lượng bảo đảm, giá cả có mắc chút cũng không sao. Còn máy tính Việt Nam lạ quá nên không quan tâm lắm, mặc dù giá khá rẻ nhưng sợ độ an toàn của nó lắm”, Anh Minh, biên tập cho một công ty quảng cáo ở Quận 5 TPHCM, nói.

Theo số liệu của Hiệp hội tin học Việt Nam trong nước hiện nay hơn 90% thị phần về máy tính xách tay thuộc về các thương hiệu của nước ngoài. Máy tính xách tay của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 5 cho đến 10%. 

 

Một con số đáng buồn nhưng lại phản ánh tình hình thực tế thị trường máy tính xách tay hiện nay ở nước ta. Máy tính xách tay của những nhãn hiệu nổi tiếng như Acer, IBM, HP, Toshiba, Dell, Sony Vaio,… đang được người dùng Việt Nam ưa chuộng hơn bởi theo họ máy tính của những hãng này sử dụng tốt hơn và chất lượng đảm bảo hơn so với những máy tính lắp ráp tại Việt Nam

 

“Mua máy tính của nước ngoài thứ nhất vì thương hiệu của nó nổi tiếng, thứ hai nữa là chất lượng bảo đảm, giá cả có mắc chút cũng không sao. Còn máy tính Việt Nam thấy lạ quá nên không quan tâm lắm, mặc dù giá khá rẻ nhưng không dám mua vì sợ độ an toàn của nó lắm, mới quá mà chưa phổ biến nên ai dám xài”. Anh Minh, biên tập cho một công ty quảng cáo ở Quận 5 TPHCM, cho biết. 

 

Phải công nhận rằng các thương hiệu máy tính hiện nay của Việt Nam đang khá lạ với người tiêu dùng, có thể nhắc đến các thương hiệu như GCC, Sputnik hoàn toàn chỉ được một số ít ỏi người biết đến. Thậm chí như V-OPEN một thương hiệu máy tính của liên minh máy tính xách tay Việt Nam một thời nổi đình nổi đám trên các tạp chí công nghệ và các báo đài thế nhưng hiện nay đã chìm vào dĩ vãng. 

 

Nhiều người còn không biết Việt Nam có sản xuất máy tính xách tay nữa: “Ủa, Việt Nam có sản xuất máy tính xách tay à, hiệu gì thế, giá cả thế nào và chất lượng có xài tốt không đó”, Hà, một sinh viên học khoa CNTT trường Đại học KHTN tỏ ra ngạc nhiên khi có người hỏi về máy tính thương hiệu Việt.

 

Còn anh Dũng làm nghề sửa laptop tại đường Tôn Thất Tùng, Quận 1, TPHCM cho biết: “Máy tính Việt không nổi được vì khả năng kết nối với công chúng kém quá. Vả lại người Việt mình hay có tâm lý thời trang nhưng phải ăn chắc mặc bền khi chọn mua laptop nên họ chọn máy tính nước ngoài những hãng đã có uy tín trên thị trường bấy lâu nay để mua. Đem đến đây sửa cũng toàn là máy của các công hãng nước ngoài như IBM, DELL, HP, SONY VAIO,…không có chiếc máy nào của các hãng Việt Nam đâu”

 

Có một điều cũng không thể không nhắc đến nữa là máy tính xách tay của Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh về giá so với các hãng của nước ngoài. Mặc dù có thể nói máy tính sản xuất trong nước có giá rất rẻ và đầy đủ các tính năng như các máy tính xách tay nước ngoài, chẳng hạn như GCC có dòng máy chỉ có 699 USD và V-OPEN dao dộng từ 599 - 1.500 USD với cấu hình cũng khá mạnh. Nhưng ngay lập tức các hãng của nước ngoài đặc biệt là Acer cũng tung ra thị trường những dòng máy có giá thành rẻ có cấu hình như trên và chức năng thậm chí còn đầy đủ hơn thế là máy tính Việt lại khó được người tiêu dùng lựa chọn.  

 

Thêm vào đó là sự cạnh tranh của các dòng máy tính xách tay cũ, hàng xách tay được các công ty bán máy tính xách tay cầm về cũng là một trở ngại vô cùng lớn đối với những nhà sản xuất ở trong nước. Những chiếc máy này cấu hình khá mạnh và được rao bán với giá khá rẻ thậm chí chỉ cần 5 đến 10 triệu đồng là có thể sở hữu một chiếc máy khá ngon rồi. Và khách hàng ở các thành phố lớn họ thích mua những mặt hàng xách tay này hơn vì cảm thấy phù hợp và tin tưởng vào chúng.

 

Mẫu mã cũng là một trở ngại đối với máy tính xách tay Việt. Thường các mẫu máy tính xách tay của Việt Nam không có đổi mới và nhìn rất thô. Trong khi đó các hãng của nước ngoài lại thi nhau thay đổi mẫu mã cho ngày càng thời trang, thuận tiện và phù hợp với người tiêu dùng hơn. Bà Ngô Thị Bích Ngọc, Phụ trách makerting FPT Elead TPHCM cũng đã từng thừa nhận, máy tính Việt do công ty này xuất xưởng bán rất chậm. "Bán khó, bán ít nên công ty cũng không được chính sách mua máy độc quyền, mẫu mã không đa dạng".

 

Nếu như với tình hình hiện nay có lẽ máy tính xách tay của Việt Nam sẽ rất lâu nữa mới tìm được chỗ đứng trên thị trường. Bởi ngay cả các công ty nước ngoài ở thời điểm hiện nay đang càng ngày càng xâm nhập nhiều vào thị trường Việt Nam. Những máy tính xách tay của họ sản xuất giá thành cũng đã được giảm xuống rất nhiều. Một bài toán khó đang cần lời giải đáp.

 

Lê Mỹ