Lãnh đạo nhóm Windows bất ngờ nói lời chia tay Microsoft

(Dân trí) - Microsoft cho biết đây là quyết định của cả hai bên. Tuy nhiên, những bất đồng giữa giám đốc sản phẩm Windows Steven Sinofsky và CEO Steve Ballmer được cho là nguyên nhân của sự ra đi đầy bất ngờ này.

Steven Sinofsky, là người đã thay đổi toàn bộ diện mạo của Windows và đã cùng với đội ngũ của mình trình làng hệ điều hành Windows 8. Tuy nhiên, hôm nay, Microsoft phát đi thông báo cho hay người được đồn đoán là vị tổng giám đốc điều hành tiếp theo của hãng phần mềm Mỹ đã nói lời chia tay. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.

Sinofsky, một nhân vật gây tranh cãi trong nội bộ công ty, và là người thường xuyên có những cách làm trái chiều, trái quan điểm với những người khác. Nội bộ Microsoft cho biết Sinofsky  thường xuyên gây chiến tranh với CEO Steve Ballmer.

Microsoft cho biết quyết định về việc Sinofsky ra đi đã được thống nhất. “Tôi đánh giá cao những đóng góp của Steven với công ty trong những năm qua”, Steve Ballmer nói.

Steven Sinofsky đã quyết định nói lời chia tay với Microsoft sau nhiều năm gắn bó
Steven Sinofsky đã quyết định nói lời chia tay với Microsoft sau nhiều năm gắn bó

Trong khi đó, Sinofsky cũng chia sẻ niềm tự hào khi được làm việc tại Microsoft "Không thể đếm được những hạnh phúc mà tôi đã có trong suốt những năm tháng làm việc tại Microsoft. Tôi thấy mình thật nhỏ bé trước trình độ và sự sáng tạo của mọi người ở đây, những người mà tôi đã rất may mắn được làm việc cùng tại công ty tuyệt vời này".

Sau khi Steven Sinofsky ra đi, Julie Larson-Gree, người đồng sự lâu năm của ông sẽ đảm nhiệm vai trò quản lý mảng phần cứng và phần mềm Windows. Tami Reller, giám đốc tài chính và giám đốc tiếp thị trong nhóm Windows sẽ gánh thêm nhiều trách nhiệm đối với mảng kinh doanh này. Cả hai giám đốc điều hành trên sẽ phải báo cáo trực tiếp cho ông Ballmer.

Giới phân tích từng cho rằng trong tương lai, Steven Sinofsky sẽ thay ông Ballmer ngồi vào chiếc ghế tổng giám đốc điều hành của Microsoft. Tuy nhiên, kể từ khi Sinofsky giành quyền phát triển Windows từ năm 2006 với một phương pháp lãnh đạo hoàn toàn khác biệt, loại bỏ hầu hết quản lý trung gian đã không được nhiều lãnh đạo khác tiếp nhận vì họ đã quá quen với những gì các vị lãnh đạo Windows trước đã từng tạo dựng. Tuy nhiên, cách thức quản lý của Sinofsky dần trở thành tiêu chuẩn trong công ty, ngay cả với những sản phẩm ông không điều hành. Do đó, các lãnh đạo khác cảm thấy bị thúc ép phải làm theo cách của Sinofsky ngay cả khi không có lệnh từ cấp trên. 

"Steven Sinofsky là một tài năng hiếm có", một giám đốc điều hành của Microsoft nói "Nhưng khi bạn nghĩ về người lãnh đạo trong tương lai, sự hợp tác sẽ rất quan trọng nhưng với Sinofsky, nó đã không bao giờ có trước đây".

Sở hữu tấm bằng thạc sĩ khoa học máy tính của Đại học Massachusetts, Amherst, Sinofsky bắt đầu làm việc cho Microsoft từ tháng 7/1989 trong vai trò một kỹ sư thiết kế phần mềm. Chỉ trong vòng 3 năm, Sinofsky đã được đề bạt làm trợ lý kỹ thuật cho nhà đồng sáng lập Microsoft, Bill Gates. Đó là công việc đáng mơ ước cho một nhân viên trẻ đầy tham vọng ở Microsoft. Năm 1999, Sinofsky trở thành phó chủ tịch cao cấp của Office, chịu trách nhiệm dẫn dắt các nỗ lực để phát hành bộ phần mềm văn phòng này. Đến năm 2006, Sinofsky đã trở thành phó chủ tịch của nhóm Windows và Windows Live. Ba năm sau, ông được thăng chức lên chủ tịch của bộ phận Windows. 

Sinofsky đã có công khôi phục lại đế chế Windows từ sự thất bại nặng nề của Windows Vista. Hệ điều hành Windows 7 là nỗ lực đầu tiên của Sinofsky và sự thành công của phần mềm này đã quét sạch bóng mây u ám mà Vista mang đến. Dưới sự lãnh đạo của Sinofsky, Microsoft vừa chính thức phát hành Windows 8. Tuy vẫn còn quá sớm để đánh giá thành công của hệ điều hành này nhưng rõ ràng Windows 8 đã sớm gây dựng được danh tiếng và làm tăng những mối lo ngại đối với giao diện người dùng được thiết kế táo bạo, một sự khởi đầu ấn tượng so với các phiên bản trước đó.

Khôi Linh - Võ Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm