Không gian mạng là "vùng lãnh thổ đặc biệt" cần phải bảo vệ chủ quyền

T.Thủy

(Dân trí) - Đại tá, TS. Nguyễn Hữu Hùng cho rằng không gian mạng là "vùng lãnh thổ đặc biệt", cần phải được bảo vệ để phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội của quốc gia.

Sáng 15/6, tại Hà Nội, Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức thành công Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề "An ninh mạng và Mật mã trong nền an ninh quốc gia".

Hội thảo nhằm làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về an ninh mạng, quản trị an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia Việt Nam và thế giới, nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển nguồn lực cho an ninh mạng…

Theo Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, với tình hình quốc tế và trong nước ngày càng diễn biến phức tạp, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ hiện nay, việc đảm bảo an ninh quốc gia là yêu cầu tối cần thiết để đảm bảo hòa bình, phát triển đất nước.

TS. Nguyễn Hữu Hùng cho rằng "không gian mạng là 'vùng lãnh thổ đặc biệt', do vậy bảo mật, an ninh mạng và an toàn thông tin sử dụng kỹ thuật mật mã sẽ ngày càng khẳng định vai trò to lớn trong bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội của quốc gia".

Đại tá, TS. Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tại hội thảo.

Đại tá, TS. Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tại hội thảo.

Trong khi đó, PGS, TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định, thời gian qua tình hình an toàn, an ninh mạng tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

PGS, TS. Giang cho biết trong năm 2022, Bộ Công an đã ghi nhận, phân tích gần 8 triệu cảnh báo, dấu hiệu hoạt động tấn công mạng; hoạt động gián điệp mạng, phá hoại của các thế lực thù địch ngày càng phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về chủ quyền, an ninh, chính trị, đối ngoại, kinh tế, xã hội.

Tại buổi hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Văn Thành - Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an đã nêu một số định hướng giải pháp nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó, xử lý các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, trọng tâm an ninh mạng.

Các giải pháp bao gồm nâng cao nhận thức về an ninh thông tin, an ninh mạng và bảo đảm an ninh thông tin, an ninh mạng; tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao ý thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; chú trọng tuyên truyền, phổ biến cho học sinh, sinh viên về các nguy cơ, các yếu tố gây mất an ninh, đe dọa gây mất an ninh thông tin.

Theo PGS, TS. Nguyễn Văn Thành, cần phải nghiên cứu xác lập chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, bảo đảm giữ vững độc lập, tự chủ, chủ quyền và lợi ích quốc gia trên không gian thông tin quốc tế; bảo vệ và khai thác có hiệu quả tài nguyên thông tin quốc gia.

Về xu hướng tấn công mạng và các giải pháp, PGS, TS. Trần Quang Anh - Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhấn mạnh đến sức mạnh của AI.

Theo ông, AI có thế mạnh trong phân tích lỗ hổng bảo mật; tự động sinh mã độc, tấn công tự động, liên tục, dai dẳng; tự thích nghi để tránh bị phát hiện… PGS,TS. Trần Quang Anh cho rằng cần chú trọng trong đào tạo đội ngũ kỹ thuật chất lượng cao và nâng cao nhận thức cho người dùng cuối để nâng cao an ninh mạng.

Sau những phiên thảo luận của các chuyên gia, Hội thảo đã đưa ra được các giải pháp tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau như: nhận thức, tư tưởng; chính sách, thể chế, hành lang pháp lý; nguồn lực con người, nguồn lực công nghệ; hợp tác quốc tế; quản trị an ninh mạng… 

Ban Tổ chức Hội thảo sẽ chắt lọc những ý kiến, báo cáo của các chuyên gia để phục vụ cho những nhiệm vụ chính trị đang đặt ra hiện nay.