Khó phân biệt TV DVB-T2 trong giai đoạn này
(Dân trí) - Nếu không nắm kỹ các thông tin về số hoá truyền hình, các TV mới bắt buộc phải có DVB-T2 thì người dùng sẽ dễ dàng mua nhầm phải những chiếc TV cũ không tích hợp đầu thu.
Khó phân biệt TV chuẩn mới
Dạo quanh các siêu thị lớn nhỏ tại TPHCM, theo ghi nhận của PV Dân trí, đứng giữa “rừng” TV đủ các kích cỡ, thương hiệu lớn nhỏ, người dùng sẽ choáng ngợp không biết mua TV nào nếu không nắm rõ thông tin về lộ trình số hoá của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT).
Tại siêu thị Điện máy Phan Khang (quận Tân Bình), khi đi vào ngành hàng TV, khách hàng sẽ không thấy một bảng quảng cáo hay thông tin về việc TV tích hợp đầu thu kỹ thuật số chuẩn mới. Chú ý kỹ mới có thể nhận thấy một số TV mới được ghi khá nhỏ trong loạt thông số kỹ thuật của TV về việc có tích hợp DVB-T2. Một số mẫu LG được gắn nhãn do DVB-T2 của thương hiệu này và không có bất cứ TV nào có logo số hoá truyền hình đúng chuẩn của Bộ TT&TT. Samsung “nhỉnh” hơn với một áp phích tương đối lớn về việc mua sắm TV theo chuẩn mới. Còn lại các thương hiệu khác không có những “dấu hiệu” rõ ràng để nhận biết.
Tuy vậy, những TV có tích hợp đầu thu mới chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, tương đối khá ít ỏi, còn lại đa số là dòng sản phẩm của năm 2013 không có tích hợp đầu thu DVB-T2 với mức giá khuyến mãi giảm từ 1 đến 2 triệu đồng.
Tiếp chúng tôi, một nhân viên tư vấn bán hàng tại đây chỉ hỏi: “Anh cần mua TV kích thước bao nhiêu inch” mà không đề cập đến vấn đề TV chuẩn mới hay cũ. Khi hỏi TV mới có chuẩn truyền hình số, cô tư vấn trên mới chỉ sang để người dùng nhận biết.
Tiếp tục dạo quanh các chuỗi bán TV nhỏ lẻ khác, theo ghi nhận, một số nơi hiện vẫn chưa có một mẫu TV hỗ trợ chuẩn DVB-T2, đa số là các TV chuẩn cũ, hoạ lắm thì có một vài cửa hàng lớn có bán TV chuẩn mới nhưng chỉ có một vài mẫu.
Khi PV Dân trí hỏi, TV mới theo chuẩn DVB-T2 thì nhân viên bán hàng tại một cửa hàng tương đối lớn tại quận Bình Thạnh tư vấn sang TV đời cũ: “TV chuẩn mới chỉ phù hợp cho các người dùng ở các tỉnh thôi. Chứ ở TPHCM, TV nào cũng xem được hết, vì xài qua cáp và chảo, không nhất thiết mua làm gì mà giá lại cao hơn.”
Nhìn chung, nếu người dùng không hỏi về chuẩn mới được tích hợp thì sẽ dễ dàng mua phải những TV của năm 2013 bởi về hình dáng không có nhiều khác biệt, hình ảnh vẫn rất đẹp mắt so với những dòng mới. Mặt khác, giá bán lại rẻ hơn, chênh lệch giữa một TV 32 inch không đầu thu so với có đầu thu vào khoảng 1 đến 1,5 triệu đồng và đi kèm quà tặng. Vì vậy, nếu không được tư vấn về chuẩn mới và chỉ quan trọng hình thức, giá cả thì người dùng sẽ dễ dàng mua phải TV đời cũ.
Nhất quyết không mua TV cũ, hỏi trước khi mua
Theo lộ trình Số hoá truyền hình (SHTT) của Bộ TT&TT, từ ngày 1/5/2014, tất cả các TV bán trên thị trường bắt buộc phải gắn logo SHTT đúng chuẩn của Bộ TT&TT cấp. Vì vậy, khi mua sắm mới, người dùng phải chú ý rõ ràng và có thể phân biệt bằng mắt thường sự khác biệt của TV chuẩn mới và TV cũ thông qua logo này.
Đặc biệt, người dùng nhất quyết không nên mua TV chuẩn cũ vì những lợi ích sau này so với TV đã có gắn chuẩn đầu thu DVB-T2. Chẳng hạn như một chiếc TV được tích hợp bộ giải mã KTS DVB-T2 sẽ tạo thuận lợi cho khách hàng được tận hưởng các chương trình phát sóng KTS không mã hóa với nhiều ưu điểm: nhiều kênh hơn, nhiều thông tin về phụ đề/thuyết minh, chất lượng hình ảnh và âm thanh vượt trội, tỉ lệ khung hình phù hợp, truyền hình độ phân giải HD, truyền hình 3D..
Ngoài ra, hiện các dòng sản phẩm TV mới theo chuẩn DVB-T2 cũng đã có mặt trên thị trường ở những mẫu 32 inch với mức giá khá tốt để người dùng lựa chọn. Rẻ nhất là LG với giá bán vào khoảng 6,5 triệu đồng, Sony cũng tung ra sản phẩm 32 inch mới giá bán 6,9 triệu đồng và Samsung cũng có mẫu 32 inch với giá 9,9 triệu đồng.
Vì vậy, trước khi mua sắm, người dùng phải hỏi rõ ràng các nhân viên tư vấn bán hàng rằng, TV này có hỗ trợ truyền hình số mặt đất DVB-T2 hay không, rồi mới quyết định mua sắm.