(Dân trí) - Hàng loạt quy định đã được đưa ra và áp dụng, nhưng vẫn tồn tại một số kẽ hở giúp cho vấn nạn SIM rác ngang nhiên tồn tại trên thị trường.
Hàng loạt quy định đã được đưa ra và áp dụng, nhưng vẫn tồn tại một số kẽ hở giúp cho vấn nạn SIM rác ngang nhiên tồn tại trên thị trường.
Ngày 31/3 vừa qua, các nhà mạng đã đồng loạt thực hiện việc khóa một chiều đối với khoảng 1,67 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin trùng khớp với Cơ sở Dữ liệu Quốc gia (CSDLQG) về dân cư. Quy định trên được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế tình trạng SIM rác tràn lan như trước đây. Tuy nhiên, một thực trạng đáng báo động là SIM rác vẫn được kinh doanh công khai trên thị trường.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí tại một số cửa hàng chuyên kinh doanh SIM ở quận 3, TPHCM, quá trình mua một chiếc SIM diễn ra rất nhanh gọn và đơn giản. Tại nhiều cửa hàng, người bán đều không yêu cầu khách hàng cung cấp bất cứ thông tin gì.
Chủ cửa hàng cho biết nhiều loại SIM từ các nhà mạng đều đã được đăng ký thông tin thuê bao từ trước. Vì thế, người mua chỉ cần lắp vào điện thoại và có thể sử dụng, không cần quan tâm đăng ký thông tin thuê bao. Dĩ nhiên, người mua cũng có thể yêu cầu chủ cửa hàng hỗ trợ đăng ký thông tin chính chủ theo đúng quy định. Tuy vậy, hầu hết người sử dụng đều không chú ý đến vấn đề trên.
Chưa dừng lại ở đó, SIM rác còn được bày bán một cách tràn lan trên các trang thương mại điện tử. Chỉ với một số từ khóa đơn giản, người dùng có thể dễ dàng tìm mua được một chiếc SIM với mức giá từ vài chục nghìn đồng. Theo đó, rất nhiều loại từ SIM thông thường cho tới SIM data trọn gói, tất cả đều có thể mua được mà không cần cung cấp hay đăng ký thông tin cá nhân.
"Tất cả SIM tại cửa hàng đều đã được kích hoạt và đăng ký sẵn thông tin. Người mua chỉ cần lắp vào điện thoại để sử dụng, không cần đăng ký", một cửa hàng trên sàn thương mại điện tử cho biết.
Theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP, cá nhân sẽ cần xuất trình giấy tờ và ký xác nhận thông tin thuê bao khi muốn đăng ký mới thuê bao di động trả trước. Đồng thời, từ ngày 1/8/2022, thuê bao mới phát sinh cũng sẽ phải thực hiện xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Gần đây, việc chuẩn hóa thông tin trùng khớp với CSDLQG về dân cư được thực hiện nhằm tiếp tục siết chặt việc quản lý thuê bao. Tuy nhiên, các đại lý từ lâu đã lách luật bằng cách sử dụng thông tin cá nhân của người thật để đăng ký và kích hoạt sẵn rất nhiều SIM rác.
Trao đổi với PV Dân trí, đại diện một nhà mạng cho biết những trường hợp người dùng sử dụng số điện thoại không phải do cá nhân đăng ký sở hữu thuê bao đó (thuê bao không chính chủ), nhưng thông tin đăng ký trùng khớp với CSDLQG thì vẫn được tính là hợp lệ. Đây chính là kẽ hở giúp cho SIM rác vẫn ngang nhiên tồn tại tràn lan trên thị trường.
Trong nhiều năm, SIM rác đã trở thành vấn nạn, gây ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội. Thậm chí, SIM rác còn được xem là tác nhân không nhỏ dẫn đến tình trạng lừa đảo qua cuộc gọi và tin nhắn. Thông thường, các thời điểm trước hoặc trong đợt nghỉ lễ lớn (như cận Tết âm lịch 2023), rất nhiều người than phiền về việc bị "tấn công" bởi hàng loạt cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo.
"Ngày nào tôi cũng nhận được khoảng 3-4 cuộc gọi rác, từ mời làm những công việc nhẹ nhàng lương cao, cho đến kêu gọi tham gia đầu tư tiền ảo, sàn giao dịch BO", anh Hoàng Anh, một nhân viên văn phòng tại quận 3, TPHCM cho biết.
Chưa dừng lại ở đó, kẻ gian còn nhiều lần mạo danh công an, cơ quan nhà nước để thực hiện hành vi lừa đảo. Giữa tháng 11/2022, nhiều người dùng phản ánh rằng họ đã nhận được một số cuộc gọi tự xưng đến từ "Cục viễn thông". Những cuộc gọi này có một điểm chung là đều đưa ra thông báo sẽ khóa SIM của người nghe.
Theo các chuyên gia tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), đây là một trong những kịch bản phổ biến được nhiều đối tượng lừa đảo sử dụng. Mục đích của các đối tượng lừa đảo nhằm đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng. Những thông tin cá nhân này sau đó có thể bị lạm dụng cho nhiều mục đích khác nhau.
Từ đầu năm 2021, các đối tượng lừa đảo cũng từng giả danh công an và thực hiện hành vi lừa đảo với kịch bản "thông báo người dùng gây tai nạn ở Đà Nẵng" hoặc "đang bị điều tra liên quan đến một vụ án nghiêm trọng". Từ đó, kẻ gian sẽ đe dọa nạn nhân và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản định sẵn để xác minh rồi chiếm đoạt.
Bên cạnh cuộc gọi, nhiều người dùng cũng liên tục bị làm phiền bởi các tin nhắn rác, bán SIM số đẹp hay mời chào cho vay. Giữa năm 2022 rộ lên hàng loạt tin nhắn lừa đảo tuyển dụng nhân viên TikTok, Telegram.
Trên thực tế, lời mời "việc nhẹ lương cao" là chiêu trò mà các đối tượng thường xuyên sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo. Điểm chung của chúng là mời làm việc để có thêm thu nhập với công việc rất đơn giản như chia sẻ nội dung trên nền tảng TikTok hoặc ấn theo dõi, thả tim các video.
Với lời hứa có thể dễ dàng kiếm được từ 200.000-400.000 đồng/ngày, các đối tượng sẽ tạo niềm tin với nạn nhân bằng cách trả lương rất đầy đủ trong thời gian đầu. Sau đó, nạn nhân cần phải nâng cấp nhiệm vụ để nâng mức lương. Từ đây, các đối tượng sẽ bắt đầu thực hiện nhiều chiêu trò dẫn dắt để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
"Việc chuẩn hóa thông tin thuê bao là công việc cần làm thường xuyên của các doanh nghiệp viễn thông. Sau đợt này, quá trình đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư của nhà mạng vẫn sẽ tiếp tục. Những thuê bao có thông tin chưa đúng quy định sẽ tiếp tục được đề nghị chuẩn hóa", ông Nguyễn Phong Nhã - Phó cục trưởng Cục Viễn thông, chia sẻ.
Ông Nhã cũng nhấn mạnh rằng việc đăng ký và sử dụng SIM có thông tin cá nhân chính xác là quyền lợi và nghĩa vụ của khách hàng. Người sử dụng thuê bao cần hiểu được sự quan trọng của việc dùng SIM điện thoại với thông tin chính xác, từ đó phối hợp với các nhà mạng để có được một môi trường dịch vụ di động văn minh, an toàn.
Mới đây nhất, trong văn bản gửi đến Ủy ban Nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết thời gian vừa qua, hoạt động mua bán SIM rác vẫn diễn ra phổ biến.
Mặc dù thuê bao điện thoại có đầy đủ thông tin cá nhân nhưng không do chính chủ sử dụng. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đứng tên đăng ký sở hữu hàng nghìn SIM nhưng không rõ mục đích sử dụng, không phù hợp với nhu cầu thực tế hoặc so với số lượng nhân viên hiện có. Điều này đã dẫn đến tình trạng bùng phát các cuộc gọi quấy rối, khủng bố đòi nợ, lừa đảo, bôi nhọ, xúc phạm gây mất trật tự, an toàn xã hội, nhiều người dân đã bị thiệt hại về tài sản.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng nêu trên, xử lý triệt để vấn đề SIM rác, Bộ TT&TT triển khai đợt thanh tra diện rộng hoạt động đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao trên phạm vi toàn quốc từ ngày 5/4/2023 - 5/6/2023.
Để đợt thanh tra được hiệu quả, Bộ TT&TT đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm phối hợp chỉ đạo triển khai đợt thanh tra, cụ thể như sau: Chỉ đạo sở TT&TT khẩn trương thành lập các đoàn thanh tra, triển khai thanh tra đồng bộ trên cả nước đối với chi nhánh của doanh nghiệp viễn thông tại địa phương, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký sử dụng SIM điện thoại với số lượng lớn, có dấu hiệu bất thường.
Bộ TT&TT cũng chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND cấp huyện, các cơ quan có liên quan phối hợp với sở TT&TT triển khai đợt thanh tra, tạo điều kiện thuận lợi để đợt thanh tra đạt kết quả tốt.
Chưa dừng lại ở đó, Bộ TT&TT cũng gửi công văn đến sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động. Theo đó, đối tượng bị kiểm tra bao gồm các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng số lượng SIM điện thoại lớn, có dấu hiệu lớn bất thường.
Bộ cũng yêu cầu thanh tra chi nhánh của các doanh nghiệp viễn thông di động tại địa phương gồm: Viettel, Vinaphone, MobiFone, Vietnamobile, mạng iTel, Reddi, Công ty cổ phần viễn thông ASIM và các điểm cung cấp dịch vụ đăng ký thông tin thuê bao lớn, có dấu hiệu vi phạm. Các trung tâm, chi nhánh viễn thông cần cung cấp dữ liệu khách hàng đăng ký SIM với số lượng lớn. Các tổ chức đăng ký từ 50 SIM trở lên, cá nhân từ 20 SIM trở lên được coi là có dấu hiệu bất thường.
Bộ TT&TT yêu cầu các Sở TT&TT mời các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký sử dụng SIM điện thoại với số lượng lớn bất thường đến làm việc, cùng với sự tham dự của đại diện doanh nghiệp viễn thông di động.
Trường hợp chủ thuê bao không làm rõ được các SIM này đang ở đâu hoặc việc sở hữu các số thuê bao, lập biên bản và yêu cầu doanh nghiệp viễn thông di động đình chỉ cung cấp dịch vụ hoặc nhắn tin thông báo cho người sử dụng thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông theo quy định nếu chủ thuê bao không thực hiện.
Bộ TT&TT cũng cho biết sẽ đề xuất xử lý người đứng đầu nhà mạng nếu để sai phạm về quản lý thuê bao trong lần thanh tra, kiểm tra này. Đây được xem là động thái mạnh mẽ của Bộ TT&TT để quyết tâm dẹp vấn nạn SIM rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội.
Thiết kế: Đỗ Diệp
Nội dung: Thế Anh