Intel muốn đưa cộng đồng startup Việt Nam ra quốc tế

(Dân trí) - Nếu biết ứng dụng công nghệ, biết khai thác tối đa sức mạnh của lĩnh vực Internet của vạn vật (Internet of Things – IoT) thì một người trẻ vừa mới ra trường vẫn có thể sở hữu khối tài sản triệu USD, và Intel hoàn toàn “mở” trong công nghệ để giúp các startups Việt vươn ra thị trường quốc tế.

Intel muốn đưa cộng đồng startup Việt Nam ra quốc tế - 1

Ông Trần Đức Trung - Tổng Giám đốc Intel Việt Nam (bìa trái) và ông Larry Cheng - Tổng Giám đốc Kinh doanh toàn cầu về lĩnh vực Giao thông vận tải của Intel.

Chia sẻ với báo giới trong khuôn khổ Hội nghị về Giải pháp Internet của vạn vật (IoT), ông Nguyễn Đức Trung, Tổng Giám Đốc Intel Việt Nam, cho rằng, IoT đã được nhắc đến từ vài năm nay, và không phải chỉ một mình Intel phát triển IoT nhưng Intel tiếp cận theo xu hướng mở. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới cũng đã nói nhiều về IoT, hay là Thành phố thông minh - Smart City, Đất nước thông minh - Smart Nation… nhưng đó là những khái niệm đóng và chỉ những các tập đoàn lớn mới làm được. “Intel phát triển các ứng dụng và những phần cứng tạo ra những nền tảng về IoT để cho các DN từ nhỏ đến lớn có thể dựa vào đó để phát triển các ứng dụng của mình, và giải pháp của mình về IoT”, ông Trung nhấn mạnh.

Đại diện Intel cũng nói rằng dù IoT đã được nhắc đến nhiều nhưng đây là một khái niệm rất là mới đối với cả thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Do đó, việc Việt Nam ứng dụng IoT là điều rất khó vì không có thể học hỏi kinh nghiệm từ nước nào cả. Tuy nhiên, có một điều mà tất cả chúng ta đều phải hiểu rằng đó là nếu ứng dụng IoT từ sớm thì chúng ta sẽ có một chỗ đứng vững chắc trong tương lai công nghệ thông tin và cả tương lai của thế giới.

“Tôi tin rằng những doanh nghiệp khởi nghiệp làm về IoT họ không chỉ có cơ hội ở Việt Nam mà có nhiều cơ hội trên toàn cầu vì IoT có thể ứng dụng được nhiều lĩnh vực trên thế giới, như có thể tiết kiệm chi phí vận chuyển, tăng năng suất cho nông nghiệp và đẩy mạnh giáo dục... “, ông Trung nói. “Một người trẻ dù mới ra trường vẫn có thể sở hữu khối tài sản triệu USD nhờ các ứng dụng IoT được ứng dụng rộng rãi trên khắp thế giới. Đó là cách tiếp cận của Intel để làm sao đưa các doanh nghiệp startup Việt Nam ra khỏi biên giới”.

Intel cũng đang cùng đối tác DTT của mình để đẩy mạnh hỗ trợ cộng đồng 12.000 doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam có thể phát triển IoT tại thị trường Việt Nam, sử dụng nền tảng của Intel để viết ứng dụng cho những ngành nghề khác nhau.

Nhìn lại thị trường công nghệ, ông Trung nhấn mạnh một điều ai cũng có thể nhận thấy. Trong 10-15 năm qua, giá của bộ vi xử lý, giá của thiết bị kết  nối càng ngày càng giảm, giảm tới 10 lần. “Đó là cơ hội để chúng ta đưa những con chip vào tất cả những gì chúng ta nhìn thấy và làm cho chúng “nói chuyện” với nhau và chúng gửi dữ liệu cho nhau lên trên đám mây. Và nhờ đó chúng ta có một cơ sở dữ liệu rất lớn của các thiết bị đó”.

Theo ông Trung, trong quá khứ, ngày xưa ai mà sở hữu mỏ vàng thì người đó sẽ giàu, nhưng trong thế kỷ 21, ai sở hữu nhiều dữ liệu nhất thì người đó là giàu nhất, ví dụ như Facebook, Google, Amazon…  Nếu Việt Nam có được một cơ sở dữ liệu lớn như thế thì đất nước của chúng ta sẽ giàu mạnh hơn.

Intel cho biết mặc dù IoT được hiểu như là một khái niệm lớn lao, vĩ mô nhưng thực tế, IoT đã hiển hiện quanh chúng ta, đó là những chiếc điện thoại có thể kết nối Internet, đó là chúng ta có thể gọi taxi qua các ứng dụng như Uber, hay mua hàng trực tuyến…

Đối với đời sống thường ngày, IoT góp 1 phần lớn giúp đời sống con người trở nên tiện ích hơn, còn trong môi trường quản lý, Intel chia sẻ, hiện tại công ty này chưa đưa nhiều IoT vào các cơ quan chính phủ Việt Nam cũng như các doanh nghiệp lớn, mà hãng mới chỉ thực hiện ở mức độ dự án và gợi ý cho chính phủ và doanh nghiệp.

“Intel muốn triển khai IoT ở những điểm nóng quản lý của chính phủ, như giao thông, nông nghiệp, y tế, giáo dục… nhưng khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai là làm sao để thuyết phục được rằng giải pháp này có ý nghĩa với chính phủ. Những người trực tiếp làm về CNTT thì họ hiểu điều đó nhưng làm sao để thuyết phục được các nhà lãnh đạo là một điều khó khăn. Hơn nữa, Intel cũng cho rằng việc tìm được mô hình IoT phù hợp với điều kiện của Việt Nam cũng là một khó khăn bởi vì chưa có một trường hợp nào tương tự để lấy làm bài học và kinh nghiệm. Tuy nhiên, ứng dụng IoT sớm sẽ mang nhiều cơ hội để đưa đất nước Việt Nam giàu mạnh hơn”.

Để tạo môi trường phát triển hệ sinh thái IoT trên toàn cầu  một cách đơn giản với khả năng kết nối cao, Intel đã sáng lập ra Liên minh Giải pháp IoT (ISA). Hiện tại Liên minh ISA đã có trên 400 thành viên và hơn 5.000 giải pháp IoT được công bố để khách hàng, đối tác IoT có thể dễ dàng tìm kiếm và lắp ghép các thành phần để xây dựng và hoàn thiện giải pháp cua mình với chi phí tối ưu và rủi ro thấp nhất.

Khôi Linh