Intel giới thiệu loạt giải pháp thực tế ảo mới tại IDF 2016
(Dân trí) - Tại diễn đàn dành cho các lập trình viên Intel 2016 (IDF – Intel Developer Forum) diễn ra ở San Francisco, Intel đã chia sẻ tầm nhìn của hãng về các công nghệ tương lai trong lĩnh vực thực tế ảo, lái xe tự động, Internet trong công nghiệp và vai trò quan trọng của các lập trình viên trong việc đưa các công nghệ tương lai này trở thành sự thật.
Tại đây, Intel đã giới thiệu Intel Project Alloy - Đây là một giải pháp thực tế ảo tất cả trong một (all-in-one virtual reality) bao gồm các thiết bị điện toán và các bộ cảm biến được tích hợp trực tiếp lên thiết bị đội đầu (Headset) mà có ứng dụng công nghệ Intel RealSense trên nó. Project Alloy sẽ được đưa ra trong một nền tảng mở cho các nhà phát triển kề từ năm 2017.
Bên cạnh đó, Intel cũng cho biết đã hợp tác cùng Microsoft để đưa thực tế ảo vào các dòng máy tính cá nhân phổ thông. Cả hai đang đưa ra các thông số tiêu chuẩn cho thực tế ảo hỗn hợp trên máy tính cá nhân và các thiết bị mũ đội đầu trình chiếu (Head Mounted Displays – HDMs).
Mục tiêu chung của hai công ty là giúp các đối tác phần cứng sản xuất nhiều loại thiết bị dành cho thị trường tiêu dùng phổ thông và thương mại. Hiện tại, Intel và Microsoft đang hợp tác với một số đối tác để cho ra bảng thông số và dự định công bố rộng rãi phiên bản đầu tiên của bảng thông số tại Hội nghị Cộng đồng Thiết kế Phần cứng Windows (Windows Hardware Engineering Community – WinHEC) diễn ra tại Thẩm Quyến vào tháng 12 tới đây.
Intel cho biết, thực tế ảo hỗn hợp đem đến các trải nghiệm về thế giới thực linh động hơn và tự nhiên hơn các công nghệ trước đây và biến những trải nghiệm không thể thực hiện được trong thế giới thực nằm trong tầm tay.
Ngoài những vấn đề liên quan đến thực tế ảo, Intel cũng cho ra mắt nền tảng Intel Joule dành cho Internet của Vạn Vật (Internet of Things). Nền tảng điện toán cao cấp mới ra mắt này có thể đem đến các trải nghiệm thật như cảm giác của con người cho một thế hệ các thiết bị thông minh mới. Intel Joule cho phép chúng ta biến một ý tưởng thành sản phẩm mẫu và đưa sản phẩm mẫu vào sản xuất hàng loạt chỉ trong thời gian cực ngắn, giúp tiết kiệm được chi phí thiết kế kiểm nghiệm sản phẩm.
Nền tảng Intel Joule là một SOM (System – on – module) có hiệu năng cao trong một thành phần nhỏ gọn và ít tiêu thụ điện năng, vì vậy nền tảng này thích hợp sử dụng cho thị giác máy tính, chế tạo robot, máy bay không người lái, IoT trong công nghiệp, VR, AR và các ứng dụng khác yêu cầu nền tảng điện toán tối tân hiện đại.
Song song đó, Intel cũng ra mắt sản phẩm Yuneec Typhoon H Drone và Euclid Developer Kit. Trong đó, Yuneec Typhoon H Drone với công nghệ Intel RealSense sử dụng khả năng dò tìm chướng ngại vật thông minh để tránh các vật thể, đồng thời vạch ra lộ trình khác để tránh các chướng ngại vật. Typhoon H cùng với Intel RealSense đã có mặt trên thị trường với giá 1.899 Đô la Mỹ.
Đối với Euclid Developer Kit - sản phẩm này dành cho các nhà nghiên cứu, các nhà sản xuất và các lập trình viên Robot. Thiết bị này tích hợp cảm ứng, điện toán và các khả năng kết nối tất cả trong một sản phẩm có kích thước bằng một thanh kẹo cho phép các lập trình viên có thể nhanh chóng và dễ dàng tạo ra các ứng dụng bằng công nghệ Intel RealSense.
Ngoài ra, Intel cũng công bố tiến trình sản xuất bộ xử lý trên dây chuyền 10nm theo kiến trúc lõi của ARM Artisan cho các khách hàng có nhu cầu cần các bộ xử lý theo tiêu chí PPA (Power, Performance, Area – Hiệu năng, Sức Mạnh, Diện tích) để sản xuất các sản phẩm như điện thoại di động, IoT và các ứng dụng người dùng khác.
Gia Hưng