1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Huawei “xuống nước”, tìm cách hạ nhiệt căng thẳng với chính phủ Mỹ

(Dân trí) - Trong bối cảnh Huawei đang chịu thiệt hại nghiêm trọng do lệnh cấm vận từ chính phủ Mỹ, mà nguyên do chính là những lo ngại về an toàn thông tin và gián điệp, Huawei đã có động thái “xuống nước” để hạ nhiệt căng thẳng với đề nghị ký một “thỏa thuận không gián điệp” với chính phủ Mỹ.

Chủ tịch Huawei Lương Hoa cho biết trong một buổi họp báo tại trụ sở công ty ở thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) rằng Huawei sẵn sàng ký với Mỹ “thỏa thuận không gián điệp” để trấn an các nhà lãnh đạo Mỹ, những người đang đưa ra lệnh trừng phạt nhằm vào Huawei vì cho rằng công nghệ của công ty này đang được sử dụng vì mục đích gián điệp.

“Chúng tôi sẵn sàng ký thỏa thuận không gián điệp với các nước”, Chủ tịch Huawei Lương Hoa cho biết. “Nhưng kể từ khi Mỹ không còn và sẽ không tiếp tục mua sản phẩm từ chúng tôi, tôi không biết liệu chúng tôi sẽ có cơ hội để ký một thỏa thuận như vậy hay không”.

Trước đó Huawei cũng đã đưa ra đề nghị để ký “thỏa thuận không gián điệp” với Anh và Đức, như một cách để trấn an hai quốc gia này khi Mỹ đang thuyết phục các đồng minh của mình ngừng sử dụng các sản phẩm và dịch vụ do Huawei cung cấp.

Huawei “xuống nước”, tìm cách hạ nhiệt căng thẳng với chính phủ Mỹ - 1

Huawei sẵn sàng làm vừa lòng chính phủ Mỹ để tránh những lệnh trừng phạt nhằm vào công ty

Chủ tịch Lương Hoa của Huawei cho rằng việc chính phủ Mỹ gây áp lực lên Huawei bằng những lệnh trừng phạt mang tính chất chính trị hơn là về vấn đề kinh tế.

“Thật không phù hợp khi sử dụng các phương tiện chính trị để phá vỡ một ngành công nghiệp”, Lương Hoa cho biết thêm.

Đề nghị ký “thỏa thuận không gián điệp” được xem là động thái xuống nước của Huawei để tìm cách hạ nhiệt với Mỹ trong bối cảnh công ty này đang chịu nhiều lệnh trừng phạt nghiêm trọng từ chính phủ Mỹ khiến Huawei lâm vào tình trạng khó khăn.

Huawei là một trong những hãng công nghệ lớn và thành công nhất tại Trung Quốc cũng như trên toàn cầu. Hiện tại Huawei là hãng smartphone lớn thứ 2 thế giới về mặt doanh số (sau Samsung) và là một trong những nhà cung cấp thiết bị viễn thông về mạng 5G lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên Huawei đã lâm vào tình cảnh khó khăn sau khi bị chính phủ Mỹ đưa vào “danh sách đen” với những lo ngại các sản phẩm của Huawei được sử dụng vì mục đích gián điệp và thu thập thông tin. Sau khi bị đưa vào “danh sách đen”, các công ty của Mỹ sẽ không được phép giao dịch và bán các sản phẩm của mình cho Huawei mà chưa được phép của chính phủ nước này. Lập tức, hàng loạt các hãng công nghệ lớn của Mỹ đã phải ngừng hợp tác với Huawei, có thể kể đến như Intel, Qualcomm, Microsoft, Broadcom...

Không dừng lại ở đó, chính phủ Mỹ hiện đang thuyết phục các quốc gia đồng minh, chủ yếu là các nước châu Âu, cấm sử dụng các sản phẩm của Huawei vì lý do an toàn thông tin.

Về phần mình, Huawei đã nhiều lần lên tiếng khẳng định các cáo buộc của chính phủ Mỹ là không có cơ sở và cho rằng Huawei chỉ là “con tốt” trong bàn cờ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Huawei thậm chí còn đệ trình một kiến nghị pháp lý lên tòa án Mỹ với cáo buộc lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Trump là vi hiến.

T.Thủy