Huawei và bài học của sự đổi mới

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Trong những năm gần đây, sự chuyển mình của Huawei trong lĩnh vực thiết bị tiêu dùng đã giúp công ty vượt qua khó khăn, đón nhận tín hiệu tích cực.

Huawei và bài học của sự đổi mới - 1

Huawei P50 Pocket là đối trọng duy nhất của Samsung Z Flip 3 tính đến thời điểm hiện nay.

Khó khăn không đánh ngã được Huawei

Vào tháng 5/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump liệt Huawei vào danh sách đen về thương mại, cấm tập đoàn này làm ăn với các công ty Mỹ nếu không có sự phê chuẩn của chính quyền Washington.

Đến tháng 9/2020, Washington tiếp tục đưa ra các lệnh cấm bổ sung, qua đó cắt đứt nguồn cung chip cho Huawei, cũng như trừng phạt sự phụ thuộc vào hệ điều hành Android của công ty này thông qua mối liên kết với Google.

Lệnh cấm được xem là cú đánh mạnh vào ngành thiết bị tiêu dùng cốt lõi của Huawei, vốn dựa nhiều vào những sản phẩm tiên tiến được tạo ra nhờ công nghệ Mỹ. Trong đó, riêng lĩnh vực smartphone vốn đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của Huawei, thậm chí được giới chuyên môn nhìn nhận là có thể lụi bại.

Thực tế cho thấy trong quý I/2021, Huawei thậm chí không còn góp mặt trong top 5 hãng smartphone lớn nhất thế giới, xếp sau những đối thủ từng là "chiếu dưới" như Xiaomi, Oppo. Còn đối thủ từng cạnh tranh ngôi vị dẫn đầu cùng Huawei là Samsung và Apple thì vẫn tăng trưởng đều đặn.

Trong lúc ai cũng nghĩ rằng lệnh cấm từ chính phủ Mỹ sẽ khiến công ty Trung Quốc sớm bỏ cuộc, nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại khi "hiện tượng" Huawei vẫn đang "sống tốt" trên thị trường công nghệ toàn cầu và có chỗ đứng trên thị trường viễn thông và di động. Những sản phẩm smartphone mới nhất của Huawei vẫn liên tục cạnh tranh với nhóm dẫn đầu về mặt thiết kế và công nghệ, dù chưa lấy lại được doanh số ấn tượng như trước đây.

Trong một bài phát biểu vào tháng 3/2022, Chủ tịch luân phiên Guo Ping của Huawei khẳng định công ty sẽ không bao giờ rút lui khỏi thị trường quốc tế vì những lệnh cấm vận của chính phủ Mỹ. Bí quyết của công ty, theo như chia sẻ của ông Guo Ping - Chủ tịch luân phiên của Huawei, đó là không giải quyết vấn đề bằng cách tiết kiệm tiền, mà thay vào đó tiếp tục tối ưu hóa các kiến trúc hệ thống, kiến trúc phần mềm.

Huawei và bài học của sự đổi mới - 2

Ông Guo Ping - Chủ tịch luân phiên của Huawei tại Sự kiện Báo cáo Tài chính 2021 (Ảnh: Huawei).

Bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc Tài chính của Huawei, từng nhấn mạnh: "Tài sản lớn nhất của Huawei là nguồn tài năng, các ý tưởng sáng tạo, phương pháp luận cũng như là các quy trình nghiệp tốt. Đó mới chính là những giá trị thật sự ẩn sau kết quả tài chính mạnh mẽ của Huawei".

"Các thiết bị đầu cuối là một phần quan trọng trong chiến lược của Huawei", Tarun Pathak, phó giám đốc phụ trách hệ sinh thái và thiết bị di động tại Counterpoint nhận định. Theo Pathak, các thiết bị đầu cuối, đặc biệt là smartphone sẽ giúp Huawei xây dựng cơ sở người dùng, từ đó tạo ra doanh thu đối với các dịch vụ của hãng. Một ví dụ điển hình cho điều này chính là hoạt động kinh doanh iPhone của Apple.

Huawei và bài học của sự đổi mới - 3
Hệ điều hành Harmony OS được sử dụng trên 220 triệu thiết bị Huawei

Lối đi nào cho Huawei?

Trong thư gửi nhân viên về giá trị cốt lõi của Huawei, nhà sáng lập Nhậm Chính Phi từng viết: "Một doanh nghiệp thiếu công nghệ tiên tiến cũng không ổn, quan điểm của Huawei là trong đổi mới kỹ thuật của sản phẩm, công nghệ phải đảm bảo vị trí đứng đầu nhưng chỉ bước trên đối thủ nửa bước".

Theo đó, thay vì đổi mới sáng tạo một cách mù quáng, Huawei chọn cách chuyển từ chiến lược định hướng công nghệ thành chiến lược định hướng nhu cầu khách hàng.

Do đó, công ty không ngừng khai phá những lĩnh vực mới, và gần đây nhất là cơ hội trong ngành xe điện và xe thông minh - vốn đóng một vai trò quan trọng trong tham vọng trung hòa carbon đến năm 2060 (đạt đỉnh trong năm 2050) tại Trung Quốc.

Đến nay, sau gần 10 năm nghiên cứu, Huawei đã phát triển trọn bộ 5 giải pháp ôtô thông minh gồm Lái xe thông minh, buồng lái thông minh, kết nối truyền thông thông minh, dịch vụ đám mây DriveOne và dịch vụ đám mây xe thông minh.

Huawei và bài học của sự đổi mới - 4

Cơ sở năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới giữa Huawei và Thủy điện Hoàng Hà tại tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc (Ảnh: Huawei)

Trong lịch sử, không thiếu tượng đài công nghệ bị sụp đổ sau khi đứng trên đỉnh thế giới, mà giờ đây vẫn còn khiến nhiều người tiếc nuối. Viễn cảnh ấy tưởng như sẽ là nỗi ám ảnh của Huawei. Thế nhưng không lâu sau khi đối mặt với những khó khăn, "gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc" cho thấy họ thực sự là những kẻ biết chèo lái trong cuộc đua này.