1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, Huawei vẫn đạt lợi nhuận ròng kỷ lục

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Huawei chính thức công bố Báo cáo Thường niên năm 2021, tiết lộ các con số kinh doanh vững mạnh và ổn định trong năm vừa qua.

Cuộc họp công bố kết quả kinh doanh năm 2021 tổ chức tại Thâm Quyến (Trung Quốc) của gã khổng lồ viễn thông Huawei đánh dấu sự trở lại của Giám đốc Tài chính - bà Mạnh Vãn Châu, người bị Canada giam lỏng 3 năm và chỉ mới được thả tự do vào tháng 9 năm ngoái. Đây là lần đầu tiên bà Mạnh xuất hiện trước công chúng sau 6 tháng trở về quê nhà.

Trong cuộc họp, bà Mạnh cho biết lợi nhuận ròng của Huawei tăng 76% lên 113,7 tỷ nhân dân tệ (17,8 tỷ USD) năm 2021, dù doanh thu giảm 29% xuống 636,8 tỷ nhân dân tệ (100 tỷ USD), do phải đối mặt các lệnh trừng phạt của Mỹ. Đây cũng là khoản lợi nhuận theo năm lớn nhất từ trước tới nay của Huawei.

Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, Huawei vẫn đạt lợi nhuận ròng kỷ lục - 1

Bà Mạnh Vãn Châu tại sự kiện công bố kết quả kinh doanh của Huawei năm 2021 (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

"Mặc dù doanh thu sụt giảm trong năm 2021, nhưng khả năng tạo ra lợi nhuận và tạo ra dòng tiền của chúng tôi đang tăng lên. Chúng tôi có nhiều khả năng đối phó với những biến động hơn", bà Mạnh cho biết. "Chúng tôi đã tồn tại trong năm 2021, và sẽ tiếp tục tồn tại trong năm 2022".

Kết quả này cho thấy "gã khổng lồ" viễn thông và điện thoại thông minh đến từ Trung Quốc đã nỗ lực cắt giảm chi phí và dựa vào linh kiện sản xuất trong nước để ứng phó với tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ. 

Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng công ty vẫn gánh chịu những hậu quả nặng nề. Với việc từng là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc, giờ đây, doanh thu mảng này của Huawei giảm một nửa, xuống còn 243,4 tỷ nhân dân tệ (38,1 tỷ USD).

Ông Guo Ping - Chủ tịch luân phiên của Huawei, thừa nhận công ty hiện "không tiếp cận được một số công nghệ tiên tiến". Tuy nhiên, ông nhận định đây là lý do công ty này càng phải tiếp tục đầu tư vào các khoản nghiên cứu, phát triển và con người.

Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, Huawei vẫn đạt lợi nhuận ròng kỷ lục - 2

Ông Guo Ping (giữa) và bà Mạnh Vãn Châu (phải) trả lời những câu hỏi từ truyền thông trong buổi công bố kết quả kinh doanh (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

"Công ty vẫn sẽ tiếp tục đầu tư vào sản phẩm", ông Ping nhấn mạnh, đồng thời nhắc lại về khả năng "tồn tại và phát triển" của Huawei phụ thuộc vào đầu tư liên tục vào sản phẩm để phát triển. "Cuộc chiến của chúng tôi để tồn tại vẫn chưa kết thúc. Bất kể điều gì xảy ra, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào sản phẩm. Đó là con đường duy nhất để bước tiếp", ông Ping nói.

Được biết, Huawei đã chi 22,4 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển (R&D) trong năm qua, chiếm 22,4% tổng doanh thu và góp phần nâng tổng chi phí R&D 10 năm qua lên hơn 132,66 tỷ USD. Tầm nhìn tương lai, Huawei cho biết sẽ tiếp tục chiến lược tăng cường đầu tư hơn nữa vào R&D.

Chia sẻ về kế hoạch tương lai, ông Ping cho biết công nghệ trên xe hơi là một trong những mảng kinh doanh quan trọng của Huawei. Ông Ping cũng khẳng định Huawei không sản xuất xe hơi, mà dùng kinh nghiệm của mình để hỗ trợ các hãng sản xuất ô tô điện, qua đó giúp "thông minh hóa" ngành ô tô.

Hiệu suất năm 2021 của Huawei được cho là phù hợp với những dự báo trước đó. Nhìn chung, hoạt động kinh doanh giải pháp hạ tầng viễn thông của Huawei duy trì ổn định, hoạt động kinh doanh giải pháp doanh nghiệp tăng trưởng và hoạt động kinh doanh thiết bị tiêu dùng nhanh chóng mở rộng sang các lĩnh vực mới. 

Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, Huawei vẫn đạt lợi nhuận ròng kỷ lục - 3

Ông Guo Ping khẳng định Huawei vẫn sẽ tiếp tục đầu tư vào sản phẩm và R&D (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Huawei, một trong những nhà cung cấp thiết bị mạng viễn thông hàng đầu thế giới và từng là 1 trong 3 nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, vẫn đang là một trong những mục tiêu của Mỹ nhằm kiềm chế nền kinh tế Trung Quốc.

Từ tháng 5/2019, sau khi "dán nhãn" công ty như một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, Washington đã áp đặt một loạt các biện pháp hạn chế và trừng phạt Huawei. Một số động thái đáng chú ý có thể kể đến như Mỹ đã cấm Huawei mua các thành phần quan trọng gồm vi mạch từ các công ty nước này, đồng thời cản trở Huawei tiếp cận hệ điều hành Android của Google.

Kế đến, nhiều hoạt động kinh doanh tiêu dùng và thiết bị 5G của Huawei cũng bị cấm khỏi một số khu vực châu Âu và châu Á. Các nhà cung cấp chip chủ chốt cho Huawei đều cắt đứt quan hệ với công ty này năm 2020.

Kể từ đó, Huawei bắt tay vào việc đại tu hoạt động kinh doanh để giảm thiểu tác động từ lệnh cấm của Mỹ. Tập đoàn này đã phát triển công nghệ xe điện, hạ tầng đám mây, cam kết đầu tư thêm vào phần mềm, giải pháp thông minh và thâm nhập vào các thị trường mới từ năng lượng mặt trời đến khai thác mỏ.