Hợp tác giữa các quốc gia, đẩy mạnh phát triển vi mạch Việt

(Dân trí) - Hội nghị quốc tế về lĩnh vực vi mạch mang tên IEEE Joint Conference ICICDT-2016 & 4S 2016 đã chính thức diễn ra tại TPHCM vào sáng nay 28/6. Đây là một trong những sự kiện quan trọng trong lĩnh vực điện tử và vi mạch tại Việt Nam trong năm 2016.

img-2488-1467085472290

Có hơn 50 giáo sư hàng đầu lĩnh vực thiết kế và chế tạo vi mạch đến từ Nhật, Mỹ, Thụy Sĩ, Hàn Quốc... với hơn 60 bài báo khoa học gửi đến hội thảo

Hội nghị lần này là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các kỹ sư và sinh viên ngành điện tử, bán dẫn và vi mạch trên toàn thế giới gặp gỡ, trao đổi cũng như chia sẻ kinh nghiệm.

Đồng thời, tại hội nghị lần này, BTC cũng kêu gọi sự tham gia của các khối trường viện và khối doanh nghiệp trên toàn quốc nhằm tạo ra một hệ sinh thái cho sự phát triển và ứng dụng của công nghệ bán dẫn - vi mạch.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Thái Hỷ, - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình phát triển Vi mạch TP.HCM nói: "Hiện nay trên thế giới ngành công nghệ điện tử viễn thông được xem như là ngành công nghệ chiến lược cho sự thúc đẩy việc phát triển kinh tế trong tương lai. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, ngành công nghiệp điện tử viễn thông của nước ta phát triển chủ yếu dựa trên việc lắp ráp các sản phẩm từ linh kiện điện tử nhập khẩu. Điều này đã làm cho ngành công nghiệp điện tử viễn thông của nước ta không tạo được nền tảng cơ bản cho sự phát triển bền vững".

"Thông qua hội thảo lần này, tôi cảm ơn các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã có những báo cáo, có những ý kiến đóng góp quý báu. Tất cả những ý kiến đóng góp dưới góc độ nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển sản phẩm ứng dụng sẽ là định hướng quan trọng cho sự phát triển ngành vi mạch tại Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng đặc biệt các các đề án của Chương trình phát triển công nghiệp Vi mạch TP. HCM". Ông Lê Thái Hỷ nhấn mạnh.

PGS TS. Huỳnh Thành Đạt - Phó Giám đốc thường trực Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết: "Đại học Quốc gia TP. HCM đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) với mục tiêu trở thành Trung tâm hàng đầu về thiết kế và đào tạo vi mạch tại Việt Nam. Trong hơn 10 năm thành lập Trung tâm ICDREC đã thiết kế: chip Sigma K3, chip VN8-01, chip VN 16-32, chip HF-RFID, chip sinh học… các chip này đã ứng dụng trên các sản phẩm: đồng hồ điện tử, khóa container, hộp đen xe hơi và xe máy… và đặc biệt Trung tâm ICDREC đã chuyển giao và thương mại hóa con chip 8 Bit đầu tiên tại Việt Nam mang thương hiệu SG8V1 do đội ngũ kỹ sư thuộc Trung tâm ICDREC-ĐHQG TP.HCM thiết kế. Qua đó, đã hình thành nên cộng đồng nghiên cứu và đào tạo về lĩnh vực vi mạch tại các trường thành viên trong ĐHQG TP.HCM".

"Với chiến lược của ĐHQG TP.HCM là tạo cầu nối, diễn đàn cho các nhà khoa học, các công ty trong nước về lĩnh vực vi mạch bán dẫn tìm kiếm những mối quan hệ hợp tác với các trường Đại học, Viện, Trung tâm nghiên cứu, các Phòng thí nghiệm, các doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, đây là dịp để các nhà khoa học trao đổi các kết quả nghiên cứu mới, tìm kiếm các cơ hội hợp tác phát triển lĩnh vực này giữa các quốc gia. Đây chính là lý do chính để hình thành hội nghị chung - Hội nghị quốc tế về công nghệ bán dẫn và vi mạch tích hợp (ICICDT-2016 &4S-2016)." PGS TS. Huỳnh Thành Đạt cho biết thêm.

Thống kê từ BTC, hội thảo lần này thu hút 200 người tham dự bao gồm đại điện bộ Khoa học và Công nghệ, UBND TP.HCM, các sở, ngành, các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực vi mạch. Đặc biệt, có hơn 50 giáo sư hàng đầu lĩnh vực thiết kế và chế tạo vi mạch đến từ Nhật, Mỹ, Thụy Sĩ, Hàn Quốc... với hơn 60 bài báo khoa học gửi đến hội thảo.

Trong hội nghị lần này, ngoài các lĩnh vực chuyên đề, các diễn giả sẽ thảo luận bốn chủ đề lớn xoay quanh xu hướng phát triển về mặt công nghệ cũng như ứng dụng của sản phẩm vi mạch trên toàn cầu, gồm: vi xử lý công suất thấp; Tăng tốc thế giới cảm biến thông qua sự phát triển của công nghệ hình ảnh; Vi xử lý: quá khứ, hiện tại và tương lai; Và cuối cùng là Xưởng cực tiểu: một nhà máy chế tạo vi mạch không cần đầu tư lớn. Hội nghị sẽ diễn ra đến hết ngày 29/6.

Được biết, hội nghị lần này được Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (IC Design Research & Education Center - ICDREC) phối hợp với Hiệp hội kỹ sư điện Hoa Kỳ (IEEE) đồng tổ chức.

Phan Tuấn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm