Honor, nhân tố mới trên thị trường smartphone sắp tới Việt Nam
Gần đây, xuất hiện khá nhiều đồn đoán trong giới công nghệ về cái tên Honor, một trong những điển hình thành công về thương mại điện tử trên thế giới dự đoán sẽ có mặt tại Việt Nam chỉ trong vài ngày tới.
Đây chính là lý do khiến cho thương hiệu smartphone dù mới chỉ hơn hai năm tuổi, nhưng đã tạo nên cơn sốt tại gần 60 quốc gia khác nhau trên thế giới. Riêng trong năm 2014, đã có hơn 20 triệu chiếc smartphone thương hiệu Honor được bán ra, khiến cho doanh thu toàn cầu của hãng này tăng gấp 24 lần so với năm trước đó.
Hãy cùng tìm hiểu xem chiếc điện thoại Honor đã “gặt hái” được thành công như thế nào và đâu là lý do khiến cho thương hiệu điện thoại này có được sức hút lớn đến vậy?
Từ thành công bước đầu tại Âu – Mỹ…
Tại Anh, Huawei công ty mẹ của Honor là tên tuổi không còn quá xa lạ, đóng vai trò là một nhà cung cấp quan trọng về cơ sở hạ tầng của thị trường di động nước này. Vào cuối năm ngoái, những chiếc điện thoại thông minh thương hiệu Honor đầu tiên đã được ra mắt cả tại Anh và Châu Âu.
Người Anh vốn nổi tiếng về tính bảo thủ, người tiêu dùng ở đây có thói quen lui tới các đại lý lớn để tìm kiếm một chiếc điện thoại mới. Tuy nhiên, điều này đã không gây cản trở gì nhiều đối với Honor.
Bằng cách trở thành đối tác của Three – nhà bán lẻ trực tuyến số một tại Anh Quốc, Honor đã tạo nên một trào lưu mới. Bước đi đầu tiên của công ty đã khá thành công, khi đã xây dựng được thương hiệu Honor trở thành một phần trong tiềm thức của cộng đồng nơi đây. Nói về chiến thắng tất nhiên là vẫn còn khá sớm, nhưng thế cũng đủ để thu hút một vài cái nhìn ghen tị từ các đối thủ truyền thống khác.
Mới đây, trong một báo cáo của Wall Street Journal, chiếc điện thoại thông minh Honor được cho là sẽ cập bến nước Mỹ trong năm nay. Tại Mỹ, phần lớn các thương hiệu smartphone được bán dựa trên các hợp đồng. Thống kê cho thấy, 90% số thiết bị bán ra tại Mỹ đi kèm với một số loại hợp đồng. Tuy nhiên, đặc điểm này lại mở ra cơ hội lớn cho Honor, trở thành kẻ thống trị trong phân khúc: bán các thiết bị không phải kí kết hợp đồng. Ông Shao Yang, Giám đốc Tiếp thị của Honor, tin tưởng rằng điện thoại không cần hợp đồng sẽ dần trở nên phổ biến hơn ở Mỹ. Ông Yang cũng thừa nhận rằng công ty không thể cạnh tranh với các chiến lược tiếp thị của gã khổng lồ trong công nghệ, thay vào đó công ty sẽ tập trung vào giá và chất lượng sản phẩm.
… đến cơn sốt tại Châu Á
Khác với Mỹ vốn là nơi tập trung tất cả các đối thủ “nặng ký” nhất, Châu Á dường như là một mảnh đất “dễ thở” hơn nhiều. Tại Ấn Độ, Honor đã tạo ra một cơn sốt thực sự trong đợt ra mắt chiếc điện thoại Honor 4x đầu tiên của mình ở thị trường này.
Trung thành với chiến lược bán hàng độc quyền online – qua trang Flipkart, ngay trong 24 giờ đầu tiên mở bán, chiếc smartphone Honor 4x đã có hơn 100.000 lượt đăng ký. Đây là một con số cực kỳ ấn tượng nếu xét trong khoảng thời gian ngắn như vậy.
Không chỉ tạo cơn sốt với mẫu điện thoại Honor 4x, chiếc smartphone thế hệ mới Honor 6 plus cũng làm được điều tương tự. Ngay trong tháng mở bán đầu tiên, doanh số trên toàn thế giới của riêng Honor 6 plus đã đạt tới hơn 300 triệu USD. Tại Trung Đông, sản phẩm này đã có mặt tại souq.com trong hơn 2 tuần và đã ngay lập tức nhận được hơn 5.000 đơn hàng đặt mua trước.
Dòng smartphone Honor hứa hẹn sẽ tạo cơn sốt tại thị trường Việt Nam qua kênh TMĐT trong tháng 7 này
Mặc dù 5.000 chiếc là một con số không phải lớn, nhưng với một thị trường khó tính như Trung Đông thì con số này cũng rất đáng khích lệ.
Vậy trong thời gian tới, khi có mặt tại Việt Nam, liệu rằng mô hình thương mại điện tử của Honor sẽ đạt được thành công như tại các thị trường khác?
Theo số liệu thống kê, thị trường TMĐT Việt Nam đang trong chu kỳ bùng nổ với doanh thu dự kiến lên đến 4 tỷ USD trong năm 2015. Đồ công nghệ là một trong hai mặt hàng bán chạy nhất – chiếm 50% doanh số, đặc biệt là phân khúc điện thoại thông minh smartphone.
Thành công của Honor tại Malaysia, một thị trường cùng khu vực Đông Nam Á, có nhiều nét tương đồng với Việt Nam sẽ là mẫu hình lý tưởng để áp dụng tại thị trường này. Chất lượng sản phẩm, giá thành, tốc độ chắc chắn sẽ là những yếu tố tiên quyết tạo nên thành công của Honor tại Việt Nam.
Cũng cần phải biết rằng, hầu hết các thị trường mà thương hiệu này từng thâm nhập vào, mô hình bán hàng độc quyền online chưa thực sự phát triển. Nó cũng cho thấy được sự dũng cảm của Honor, nhất là đối với những thị trường vốn có rất nhiều đối thủ cạnh tranh như Mỹ hay châu Âu, họ vẫn đủ tự tin để tham gia.
Liệu rằng, Honor sẽ làm nên chuyện tại thị trường Việt Nam hay không? Hãy chờ xem.
Thái Nam