Hơn 4.500 người Việt đồng loạt khởi kiện Apple
(Dân trí) - Các mẫu iPhone cũ của Apple sẽ bị giảm hiệu năng khi cập nhật hệ điều hành mới do chính Apple phát hành. Theo đại diện nguyên đơn khởi kiện Apple, hành động cố tình đó là “chiêu độc” của Apple để buộc người dùng phải thay pin mới hoặc mua máy mới.
Tính tới chiều ngày 5/2 đã có 4.548 người Việt ký tên khởi kiện Apple Inc (trụ sở tại Mỹ), có đại diện thương nhân tại Việt Nam là Công ty TNHH Apple Việt Nam (trụ sở tại phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM).
Đại diện cho nguyên đơn là luật sư Nguyễn Ngọc Hùng và Trần Mạnh Tùng (Đoàn luật sư Hà Nội). Hai luật sư này cho rằng Tập đoàn Apple cố tình làm chậm hiệu suất điện thoại iPhone của họ khi cập nhật phần mềm mới, xâm phạm đến quyền lợi người tiêu dùng.
Trong đơn gửi tòa án, các luật sư cho biết, cuối tháng 12/2017, đại diện Apple Inc đã chính thức thông báo xin lỗi người tiêu dùng trên toàn thế giới (trên website của hãng) về việc làm chậm các phiên bản điện thoại iPhone 6, iPhone 7 và iPhone SE mà không hề thông báo trước. Tuy nhiên, nhà sản xuất này không kèm theo các chính sách bồi thường thiệt hại hay giải pháp khắc phục lỗi.
Theo các luật sư, hãng Apple phát tán hệ điều hành mới, làm giảm hiệu suất của iPhone, buộc người tiêu dùng phải đứng trước sự lựa chọn "thay pin để đảm bảo hiệu suất máy, hoặc mua máy mới".
"Những vấn đề này là khuyết tật kỹ thuật của sản phẩm, do nhà sản xuất tạo ra một cách cố ý, làm giảm giá trị tài sản của người tiêu dùng, gây thiệt hại về kinh tế", đơn khởi kiện nêu.
Các nguyên đơn yêu cầu tòa án buộc Apple đưa ra các giải pháp sửa chữa, thay pin miễn phí, ngăn chặn việc gây thiệt hại cho người dùng khi cập nhật các phần mềm, hệ điều hành mới cho iPhone. Đối với những sản phẩm lỗi kỹ thuật, nhà sản xuất phải bồi thường thiệt hại.
Cùng đơn kiện, các luật sư đã gửi cho tòa hồ sơ hơn 600 trang, gồm nhiều giấy tờ, bộ tài liệu nhận lỗi của nhà sản xuất khẳng định việc làm chậm iPhone khi cập nhật phần mềm mới, DVD chứa video chứng minh hiệu suất của iPhone bị giảm khi cập nhật hệ điều hành mới.
Ngày 1/2, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng có buổi làm việc với TAND TPHCM theo giấy hẹn "trả lời về việc có hay không thụ lý vụ án". Tuy nhiên, tòa cho rằng hồ sơ vụ án khá dày, cần có thời gian nghiên cứu và hẹn sẽ trả lời luật sư trong ngày 12/2.
Tòa cũng yêu cầu luật sư bổ sung các tài liệu theo hồ sơ gồm: Đối tượng khởi kiện là Công ty Apple tại Việt Nam hay trụ sở chính tại Mỹ; chứng cứ pháp lý của Công ty Apple tại Việt Nam; các đơn khởi kiện của một số đương sự tại Mỹ mà nguyên đơn nộp kèm hồ sơ phải có nguồn gốc chứng minh; các tài liệu dịch thuật phải đóng dấu của công ty dịch thuật; các chứng cứ chứng minh quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm.
Luật sư Hùng cho biết đã làm đơn khiếu nại gửi Chánh án TAND TPHCM về việc ông đã nộp đơn kiện hơn 20 ngày nhưng tòa chưa có văn bản chính thức thụ lý vụ án, bởi đã quá thời hiệu theo quy định của pháp luật. Luật sư cũng yêu cầu phía Apple có trách nhiệm cung cấp các tài liệu, chứng cứ, giải trình liên quan đến vụ kiện.
"Đây là một vụ việc phức tạp và khó khăn, song chúng tôi sẽ theo đuổi đến cùng vì quyền lợi của khách hàng là người tiêu dùng nói chung. Thông qua việc này chúng tôi muốn mọi người nhận thức được rằng, quyền và lợi ích hợp pháp của họ đang bị xâm hại. Chính vì vậy, trong đơn kiện chúng tôi đề cập tới trách nhiệm của Apple đối với toàn bộ người tiêu dùng Việt Nam chứ không phải riêng chúng tôi", ông Hùng nói.
Cùng với việc nộp đơn khởi kiện, nguyên đơn đã lập trang web kêu gọi người tiêu dùng iPhone tại Việt Nam cùng ký tên tham gia vụ kiện. Các luật sư sẽ là những người đại diện tham gia tố tụng. Hiện đã có khoảng 4.500 người đăng ký trên trang web cùng các luật sư tham gia vụ kiện Apple.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho biết ông muốn thông qua vụ kiện này để người tiêu dùng Việt Nam biết quyền và lợi ích hợp pháp của họ đang bị xâm hại.
"Tính riêng tại Việt Nam, doanh thu của Apple mỗi năm lên tới 1 tỉ USD nhưng hàng triệu người dùng gặp vấn đề liên quan đến sản phẩm lại không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào" - luật sư Hùng cho biết.
Xuân Duy