1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Học sinh tiểu học hào hứng lắp ráp bộ lưu trữ điện

(Dân trí) - Đây là năm thứ 6 chương trình Tìm hiểu Khoa học do Sony tổ chức đã diễn ra thành công với sự tham gia của 90 em học sinh lớp 5 cùng thầy cô giáo đến từ 4 trường tiểu học Chương Dương, Kết Đoàn, Đuốc Sống và Nguyễn Huệ (Quận 1, TPHCM).

Các em học sinh tìm hiểu về bộ phát và lưu trữ điện
Các em học sinh tìm hiểu về bộ phát và lưu trữ điện

“Hướng dẫn lắp ráp bộ phát và lưu trữ điện”  là chủ đề chính của chương trình tìm hiểu khoa học năm nay, giúp các em học sinh tìm hiểu nguyên lý hoạt động, thành phần cấu tạo của bộ phát và lưu trữ điện… với sự hướng dẫn tận tình của nhóm nhân viên tình nguyện Sony. 

Sau khi đã tham khảo qua cấu tạo và nguyên lý hoạt động, các em đã từng bước lắp ráp linh kiện bao gồm bảng mạch điện, nam châm, đèn LED, tụ điện, dây đồng thành bộ phát điện hoàn chỉnh. Những khuôn mặt rạng ngời, những ánh mắt lấp lánh của các em thể hiện rằng, việc mình có thể lắp ráp nhiều linh kiện phức tạp thành một dụng cụ phát điện và lưu trữ điện hoàn chỉnh đã làm các em vô cùng vui sướng, giúp các em tự tin là mình có thể làm được nhiều thứ tuyệt vời hơn. Qua đó cũng cho thấy, trải nghiệm đầu tay thành công là điều cần thiết để khuyến khích sự tò mò khám phá của trẻ em về thế giới khoa học và công nghệ. 

Không chỉ tìm hiểu và cùng nhau lắp ráp các bộ phát điện hoàn chỉnh, các em học sinh còn nộp về BTC những bài dự thi tìm hiểu về tác hại nếu sử dụng nguồn điện, pin không hợp lý cũng như ý tưởng về một thành phố thông minh mà ở đó mọi người có thể cùng nhau tạo ra điện và sử dụng điện một cách hiệu quả.

Bài dự thi của em Nguyễn Đăng Khôi
Bài dự thi của em Nguyễn Đăng Khôi

Trong bài dự thi của em Nguyễn Đăng Khôi, học sinh lớn 5/7 trường Tiểu học Kết Đoàn gửi về BTC với chủ đề: “Tại sao phải thu gom pin cũ đã qua sử dụng?”, em cho biết: “Pin đã hết sử dụng được, hỏng hóc đa phần các bạn quăng thẳng vào thùng rác thông thường, hoặc vứt ra ngoài thiên nhiên. Trong các pin này rất nhiều các kim loại nặng độc hại. Một khi bị vứt vào thiên nhiên hoặc đốt hay chôn cùng rác thải sinh hoạt, các độc tố kim loại nặng sẽ nhiễm độc không khí, đất đai, ngấm vào nguồn nước, hút lại rau quả. Và mỗi chúng ta cùng vật nuôi lại uống nước và ăn các loại sản phẩm đã nhiễm độc kim loại nặng. Biết bao nhiêu bệnh tật đã gắn liền với các hoá chất độc hại đó, ấp ủ và lớn lên trong ta để rồi một hôm chúng ra tay kết án mỗi chúng ta…”

Em Tôn Nữ Yến Vy, học sinh lớp 5/3 trường Tiểu học Kết Đoàn cũng  lý giải ra những nguy hiểm tiềm tàng xung quanh nguồn pin cũ đang được sử dụng không hợp lý. Em viết: “Sau này ước mơ của em là thế giới sẽ sáng chế ra loại pin có thể tự phân huỷ. Vì sau khi biết 1 cục pin có thể để lại nguy hại lâu dài. Em mong ước mơ nhỏ nhoi của em sẽ thành hiện thực. Mong sẽ có nhiều người chung tay góp sức thu gom pin cũ, để giúp góp phần làm môi trường xanh - sạch - đẹp và loàm trong xanh hệ sinh thái. ”.

Được biết, chương trình Tìm hiểu Khoa học cùng Sony được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 9/12/2011. Tính đến ngày 30/8/2014, 6 buổi ngoại khóa đã được tổ chức tại TPHCM và Hà Nội với nhiều chủ đề khác nhau như: “Tự tạo kính 3D”, “Cách làm tai nghe”, “Cách lắp ráp máy ghi âm”, “Hướng dẫn lắp ráp bộ phát và lưu trữ điện”; thu hút sự tham gia của hơn 550 em học sinh lớp 5 và lớp 6 đến từ 17 trường tiểu học và THCS.


Quốc Phan