Hitachi ra mắt công nghệ nhận dạng dấu ven tay

(Dân trí) - Hãng điện tử Hitachi vừa giới thiệu công nghệ sinh trắc học nhận dạng bằng ven tay (Finger Vein Biometrics- FVB) tại thị trường Việt Nam thông qua nhà đại diện là công ty TNHH Hoàng Đạo.

FVB là giải pháp an ninh tuyệt đối cho những yêu cầu bảo mật của con người trong nhiều lĩnh vực như: Kiểm soát an ninh trong các cơ quan của Chính Phủ, trong Quân đội, Ngân hàng, Trung tâm lưu trữ dữ liệu...

 

Công nghệ sinh trắc với những đặc điểm nhận dạng như vân tay, mống mắt, giọng nói, hình dáng khuôn mặt và bàn tay... đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, mỗi công nghệ đều tồn tại những hạn chế nhất định. Mong muốn khắc phục những hạn chế đó, Hitachi đã thành công trong việc phát triển công nghệ nhận dạng ven ngón tay.

 

Nguyên lý cơ bản của hệ thống này là sử dụng các diot phát sáng để truyền các tia gần hồng ngoại (Near Infrared NIR) tới ngón tay và chúng sẽ được hấp thụ lại bởi hồng cầu trong máu. Vùng các tia bị hấp thụ trở thành vùng tối trong hình ảnh và được chụp lại bởi camera CCD. Sau đó, hình ảnh được xử lý và tạo ra mẫu ven tay. Mẫu ven tay được chuyển đổi thành tín hiệu số và là dữ liệu để nhận dạng người sử dụng chỉ trong vòng chưa đến 2 giây.

 

Công nghệ truyền ánh sáng của Hitachi cho phép ghi lại rõ nét sơ đồ ven nhờ độ tương phản cao và khả năng tương thích với mọi loại da tay, kể cả da khô, da dầu hay có vết bẩn, vết nhăn hoặc bị khiếm khuyết do tạo hoá trên bề mặt của các ngón tay. Lượng dữ liệu nhỏ đó là căn cứ cho việc nhận dạng và tạo nên một hệ thống  nhỏ gọn, an toàn, thân thiện và nhanh nhất trên thế giới.

 

Hệ thống này có thể lưu trữ từ 6.000-8.000 ngón tay trong một máy và mỗi người có thể được nhận dạng bởi 1 trong 5 ngón tay khác nhau đã đăng ký trước đó. Ưu điểm vượt trội của hệ thống này là chỉ tương tác với cơ thể sống nên việc bắt chước, giả mạo hoặc ăn cắp dữ liệu là điều hoàn toàn bất khả thi.

 

Công nghệ FVB được coi là giải pháp an ninh tuyệt đối nhất hiện nay và nó đã phát huy được thế mạnh trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Kiểm soát an ninh trong các cơ quan của Chính Phủ, trong Quân đội, Ngân hàng, Trung tâm lưu trữ dữ liệu... hoặc để kiểm soát ra vào của nhân viên tại các trung tâm thương mại, các tập đoàn, các đại sứ quán... Ngoài ra, hệ thống còn hỗ trợ đắc lực cho việc quản lý và chấm công tại các nhà máy, xí nghiệp, công ty, bảo vệ anh ninh cho mỗi gia đình hoặc cá nhân…

 

FVB ra đời hồi đầu năm 2006, đã nhanh chóng thành công tại thị trường Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc... Tại Việt Nam, Hitachi cho rằng công nghệ cũng sẽ nhanh chóng được tiếp nhận.

 

Bảo Trung