Google: Sắp giao hàng bằng máy bay không người lái

Trưởng bộ phận dự án Project Wing của Google, Dave Vos, vừa cho biết hãng tìm kiếm lớn nhất thế giới này sẽ cung cấp dịch vụ giao hàng tự động bằng máy bay không người lái từ năm 2017.

Google: Sắp giao hàng bằng máy bay không người lái - 1

Đây là khoảng thời gian khá gấp nếu biết rằng cơ quan cấp phép FAA vẫn chưa ban hành bất cứ quy định nào cho phương tiện này, chẳng hạn chúng hoạt động ra sao nhất là tại các thành phố đông dân cư. Ngoài ra, phương tiện này cũng chưa thử nghiệm công nghệ tránh va chạm để ngăn ngừa tai nạn.

Thêm nữa, cũng chưa có tiêu chuẩn nào cho phép phương tiện không người lái giao tiếp với những vật thể bay truyền thống khác. Và điều này là cực kỳ cần thiết nếu muốn giao hàng bằng máy bay không người lái bởi chúng sẽ di chuyển cùng không gian bầu trời với các phương tiện bay khác.

Gur Kimchi, người đứng đầu chương trình Prime Air của Amazon, trước đó cũng đưa ra tầm nhìn về cách thức giao hàng bằng máy bay không người lái tại hội nghị UTM của NASA. Cụ thể, trần bay đối với máy bay không người lái sẽ được áp dụng như sau: 60m dành cho cất cánh và hạ cánh hoặc bay với tốc độ thấp; từ 60m – 120m dành cho di chuyển tốc độ cao- cụ thể là chuyển hàng từ kho tới cá nhân, hộ gia đình đặt hàng.

Từ 120m – 150m sẽ là vùng cấm bay bởi các loại máy bay truyền thống và trực thăng sẽ hoạt động từ khoảng cách đó trở lên. Dĩ nhiên, các loại máy bay truyền thống sẽ bay cao hơn nhiều, và máy bay không người lái cũng không được bay gần sân bay hoặc xuyên qua các đường bay mà máy bay truyền thống cất cánh và hạ cánh.

Google cũng có những kế hoạch tương tự như Amazon mặc dù hai "ông lớn" công nghệ này sử dụng công nghệ khác nhau để kết nối giữa máy bay không người lái và trạm điều khiển bay dưới mặt đất.

Hiện tại, chỉ có duy nhất bang Virginia ở Mỹ là cho phép vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện bay không người lái. Tuy nhiên, luật có thể thay đổi nhất là khi hình thức vận chuyển này chứng minh được tính an toàn và hiệu quả.

Ngoài Mỹ ra, máy bay tự hành cũng đã được thử nghiệm tại Úc, còn Nhật Bản đã từ lâu sử dụng phương tiện này tại các công trường xây dựng.

Theo Nguyễn Minh 

VietNamNet