Google “mách nước” giúp phục hồi du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid-19
(Dân trí) - Trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát tại Việt Nam, người dân đang có nhu cầu du lịch trong nước và đây là cơ hội để ngành du lịch phục hồi. Google đã đưa ra những giải pháp để thực hiện điều này.
Kể từ đầu năm 2020, sự bùng phát của dịch bện trên toàn cầu đã khiến ngành du lịch phải lùi về phía sau, chờ cho đến khi cơn khủng hoảng qua đi. Các chuyến bay bị ngưng trệ, biên giới bị đóng cửa… ngành du lịch tạm “đóng băng” để đặt sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng lên hàng đầu.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt tại Việt Nam khi đã nhiều ngày không có ca lây nhiễm ngoài cộng đồng, bên cạnh đó các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng bắt đầu nới lỏng dần các hạn chế đối với việc di chuyển, Google đã tiến hành một cuộc khảo sát và nhận thấy nhu cầu du lịch đang có dấu hiệu phục hồi tại Việt Nam cũng như trên toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Cuộc khảo sát của Google với người dung gần đây cho thấy cứ một trong hai người ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được hỏi cho biết họ đang muốn hoặc rất muốn đi du lịch. Chỉ trong ba tháng, nhu cầu tìm kiếm về du lịch trên Google đã phục hồi khoảng 50% so với mức trước khi đại dịch bùng phát.
Tại Việt Nam, nhu cầu du lịch nội địa bắt đầu dần hồi phục sau khi vượt qua các mối lo ngại ban đầu về Covid-19, trong đó xu hướng tìm kiếm trên Google về địa điểm du lịch biển của du khách Việt trong tháng 7 tăng gấp 5 lần so với tháng 3/2020.
Theo kết quả tìm kiếm của Google, bên cạnh nhu tìm kiếm thông tin du lịch đến các thành phố lớn, du khách Việt Nam cũng đang có xu hướng chọn du lịch về với thiên nhiên như Phú Quốc hay Đà Lạt cho những kỳ nghỉ cuối năm của mình. Du khách Việt cũng đang chuyển hướng từ các tour du lịch trọn gói sang các hoạt động khám phá. Nhu cầu du lịch “phượt” tự túc phục hồi nhanh hơn các tour du lịch trọn gói tại Việt Nam, tăng gấp 2 lần so với trước đại dịch.
Các địa điểm du lịch miền núi như Đỉnh Fansipan, Bà Nà Hills đang trở thành thắng cảnh địa phương hàng đầu. Ngoài ra, địa đạo Củ Chi, Vịnh Hạ Long vẫn là các điểm thu hút du lịch với du khách Việt hậu Covid-19.
Trong bối nhu cầu du lịch nội địa đang tăng cao, Google đã đưa ra các giải pháp để giúp ngành du lịch tại Việt Nam phục hồi sau đại dịch:
- Đáp ứng mối quan tâm thời đại số: tập trung phát triển những đại lý du lịch trực tuyến để thích ứng với nhu cầu mới của du khách, khi nhiều người dung đang có xu hướng tìm kiếm thông tin các chuyến đi, đặt phòng nghỉ dưỡng… trên mạng Internet.
Các công ty du lịch có thể nắm bắt sự xu hướng này bằng cách cung cấp các dịch vụ hữu ích, chẳng hạn như truyền tải thông tin an toàn và thông tin di chuyển trên các kênh trực tuyến, cung cấp các ưu đãi đặt phòng linh hoạt và đảm bảo giá cho những du khách muốn đặt phòng sớm, đẩy mạnh tương tác và thực hiện các hoạt động tiếp thị trên mạng Internet…
- Thích nghi phù hợp với Covid-19, hãy đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu.
Theo khảo sát người tiêu dùng của Google, khách du lịch xếp mức độ sạch sẽ và vệ sinh là một trong ba yếu tố cân nhắc hàng đầu của họ, đi kèm với danh tiếng thương hiệu du lịch hoặc các chương trình ưu đãi khách hàng thân thiết.
Tại Việt Nam, yếu tố hàng đầu đối với du khách Việt khi quyết định lựa chọn các dịch vụ du lịch là uy tín thương hiệu. Điều này đồng nghĩa rằng các công ty du lịch sẽ cần phải sâu sát hơn trong việc xem xét những mối bận tâm chung của người tiêu dùng, nhằm nắm bắt những yếu tố mà khách hàng quan tâm khi đặt phòng và điều chỉnh cách tiếp cận với họ.
Để làm được điều này, các công ty du lịch cần thiết lập cơ sở hạ tầng phân tích dữ liệu tốt hơn, vận dụng các dữ liệu này trong các hoạt động tiếp thị hoặc có thể tạo ra chiến lược kinh doanh, giúp bắt kịp với sự thay đổi tâm lý và sở thích của khách du lịch.
- Phương thức kinh doanh mới: Sự cần thiết của việc tái kích cầu du lịch.
Xây dựng niềm tin cho khách hàng là chìa khóa để khơi dậy nhu cầu đối với phân khúc MICE (hội họp, hội nghị, ưu đãi và triển lãm). Trước tâm lý bất ổn của du khách công tác, các công ty du lịch nên tích cực tạo thiện cảm bằng cách nêu bật các biện pháp an toàn như thực hiện nguyên tắc cách ly xã hội đối với các sự kiện MICE.
Trong bối cảnh bất ổn của dịch COVID-19, các thông tin an toàn và chính sách về du lịch có thể thay đổi chỉ trong một đêm, câu hỏi đầu tiên của mọi du khách luôn là: "Địa điểm du lịch nào an toàn?”.
Theo nghiên cứu của Google, chính sách đặt chỗ linh hoạt cũng là yếu tố được du khách quan tâm hàng đầu, có ảnh hướng lớn đến quyết định chi tiêu du lịch trong thời điểm hiện tại, bên cạnh giá cả và đảm bảo an toàn.