Google gây ấn tượng về khả năng khử tạp âm trên công cụ họp trực tuyến Meet
(Dân trí) - Google đã áp dụng trí tuệ nhân tạo để giúp lọc và khử những tạp âm và tiếng ồn trên công cụ họp trực tuyến Meet của mình, giúp tiếng nói của những người tham gia phòng họp trở nên rõ ràng hơn.
Kể từ thời điểm dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu buộc nhiều công ty phải cho phép nhân viên làm việc tại nhà, các hãng công nghệ đã có một “cuộc đua” để cung cấp các ứng dụng, dịch vụ gọi điện video và họp trực tuyến để đáp ứng nhu cầu làm việc từ xa. Là “ông lớn công nghệ”, dĩ nhiên Google không ngồi ngoài “cuộc đua” này.
Meet là công cụ gọi điện video và họp trực tuyến, vừa được Google mở cửa miễn phí cho người dùng từ tháng 4 vừa qua. Vào thời điểm mới được ra mắt miễn phí, Google cho biết sẽ tích hợp tính năng khử và lọc tạp âm, tiếng ồn bằng trí tuệ nhân tạo vào Meet để giúp tiếng nói của những người tham gia cuộc gọi video được rõ ràng hơn.
Mới đây, Google đã bắt đầu cung cấp tính năng này đến cho người dùng, tuy nhiên, sẽ phải mất vài tháng toàn bộ người dùng của Meet mới có thể được trang bị tính năng khử tiếng ồn này.
“Dự án này giống như đứng trên vai những người khổng lồ”, Serge Lachapelle, Giám đốc quản lý sản phẩm của Google cho biết. “Nhận diện giọng nói và cải thiện chất lượng âm thanh đã được đầu tư rất nhiều tại Google trong những năm qua và phần lớn công việc này sẽ được áp dụng trong nhiều lĩnh vực”.
Lachapelle cho biết trí tuệ nhân tạo trên Meet có thể nhận biết và khử nhiều loại tiếng ồn, tạp âm như tiếng đóng cửa, tiếng chó sủa, trẻ em chơi đùa, tiếng đám đông xung quanh… nhưng vẫn đủ thông minh để nhận ra đâu là giọng nói người dùng để làm tăng âm thanh của giọng nói.
Hiện tại tính năng khử tiếng ồn mới xuất hiện cho phiên bản Meet hoạt động trên trình duyệt web, trong khi đó ứng dụng Meet trên Android và iOS vẫn sẽ cần chờ thêm một thời gian mới được trang bị.
Lachapelle cũng cho biết thêm hệ thống trí tuệ nhân tạo nhận diện giọng nói và khử tiếng ồn trên Meet có thể được áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác, chẳng hạn nhận diện một dạng âm thanh nào đó là loại bỏ âm thanh này, chỉ giữ lại những loại âm thanh quan trọng cần làm rõ.
Hiện tại, Zoom vẫn đang là ứng dụng họp trực tuyến phổ biến nhất thế giới, với lượng người dùng tăng gần 30 lần kể từ tháng 12/2019 đến tháng 4/2020, đạt 300 triệu người tham gia các cuộc họp mỗi ngày trên Zoom. Xếp thứ 2 là phần mềm Teams của Microsoft với hơn 200 triệu người dùng và Google Meet xếp ở vị trí thứ 3 với 100 triệu người dùng thường xuyên.
T.Thủy
Theo VB