Google can thiệp được tới đâu trên điện thoại của Huawei?
(Dân trí) - Nếu Google có thể làm tê liệt nhà sản xuất điện thoại lớn thứ hai thế giới chỉ bằng một quyết định đơn giản, thì rõ ràng họ là hãng không thể thay thế trên thị trường này.
Hai ngày kể từ khi Google “thẳng tay” phát lệnh hạn chế Huawei sử dụng hệ điều hành (HĐH) Android, phần đông người dùng di động trên thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng, hoặc chưa cảm nhận rõ được tính nghiêm trọng của sự việc.
Đó là vì Android là một khái niệm HĐH mã nguồn mở - nên tất cả các công ty, lập trình viên trên thế giới đều có thể truy cập và xây dựng nền tảng dựa trên nó một cách miễn phí. Vậy đối với Huawei, sự được và mất ở đây là gì, khi hãng hoàn toàn có thể tiếp tục sử dụng Android mã nguồn mở dù đã bị Google chấm dứt hợp đồng.
Nhằm giải thích cho vấn đề này, chúng ta cần hiểu rằng mặc dù HĐH Android là mã nguồn mở, song gã khổng lồ Google luôn kiểm soát hoàn toàn các ứng dụng và dịch vụ tạo nên giá trị của nó.
Động thái thu hồi giấy phép Android của Google dành cho Huawei sẽ cấm các thiết bị sau này của hãng được phép truy cập vào các ứng dụng yêu thích như YouTube, Gmail, Chrome, Google Maps, hoặc được hưởng lợi từ việc nâng cấp thường xuyên và bảo mật.
Hãy liên tưởng tới việc bạn được phép bước vào một khu công viên vui chơi giải trí, nhưng lại chẳng thể được mua hay chơi trò chơi nào cả. Thay vào đó, bạn sẽ chỉ được cấp cho một mảnh đất nhỏ, và tự lập nên những gánh xiếc rong, những trò tiêu khiển để thu hút người xem.
Xét tới việc những gánh xiếc rong của bạn có thu hút được người xem như những show diễn quá lớn và phổ biến - mà đại diện cho chúng là các ứng dụng của Google - hay không, rõ ràng là một câu chuyện khác.
Google sẽ toàn quyền kiểm soát Android, cộng với một sự thật rằng đây là hệ điều hành duy nhất cho các nhà sản xuất smartphone ngày nay, đã từ chối hợp tác với Huawei trong một động thái có thể khiến hãng điện thoại Trung Quốc không thể tiếp bước.
Trong bối cảnh phải hứng chịu nhiều đòn trừng phạt mạnh mẽ từ chính phủ Mỹ và nguy cơ bị Google ngừng hợp tác cũng như rút giấy phép sử dụng nền tảng Android, Huawei hẳn là đã có nhiều phương án đối phó.
Chỉ ít ngày sau lệnh cấm từ Google, đã có nhiều thông tin cho rằng Huawei sẽ ra mắt nền tảng di động mới để thay thế Android trong năm nay.
Đó có thể là nền tảng di động với tên gọi "HongMeng OS", vốn từng được Giám đốc điều hành bộ phận thiết bị tiêu dùng Richard Yu giới thiệu hồi tháng 3 trong việc thay thế hai hệ điều hành phổ biến là Android và Windows. Dĩ nhiên Huawei cũng sẽ xây dựng một cộng đồng các nhà phát triển ứng dụng cho nền tảng di động của riêng mình.
Nhưng như đã nêu ở phần trên của bài viết, các ứng dụng của Google là không thể thay thế. Chúng đã ăn sâu vào từng mỗi con người đang sử dụng Internet trên thế giới bằng những cách vô cùng đơn giản.
Mỗi ngày chúng ta thức dậy bằng cách mở Google Chrome để xem tin tức, kiểm tra thời tiết. Chúng ta kiểm tra thư điện tử bằng Gmail. Ở phía ngoài kia, từng đứa con trai, con gái của bạn đang đòi xem video hoạt hình mà chúng yêu thích trên YouTube.
Mỗi ngày di chuyển bằng Google Maps, kiểm tra thời tiết bằng Google Weather, rồi kết thúc một ngày bằng cách xem lại những tấm ảnh đã chụp được lưu trên Google Photos.
"Bạn có thể xây dựng một hệ điều hành khác ... nhưng người tiêu dùng sẽ làm gì để tìm kiếm, cho bản đồ, cho YouTube?" Carolina Milanesi, một chuyên gia phân tích trả lời trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
"Tất cả những thứ này đều có giải pháp thay thế, nhưng tại sao chúng ta lại phải làm vậy? Điện thoại của Huawei quả thực thật tuyệt vời, nhưng tôi chẳng thể từ bỏ tất cả các dịch vụ mà mình đã sử dụng trong nhiều năm."
Andy Rubin - nhà đồng sáng lập Android.
Nếu Huawei tiến lên phía trước theo đúng những gì tuyên bố, rằng họ sẽ tạo ra một sự thay thế cho Android, thì lịch sử rõ ràng không đứng về phía họ.
Samsung - gần đây nhất là một minh chứng điển hình cho sự thất bại được dự đoán từ trước. Họ thử sức mình trong việc tạo ra HĐH Tizen dựa trên Linux.
Trong bài đánh giá của mình, tờ Ars Technica đã viết rằng: "Tizen giống như một bản sao rỗng của Android mà không có bất kỳ ứng dụng nào."
Apple, dù tự tạo được HĐH riêng, nhưng người dùng iOS vẫn ưa chuộng Chrome hơn Safari, cài đặt Gmail dù sẵn có tính năng duyệt mail, và thậm chí sử dụng Google Photo dù đã có bộ nhớ iCloud. Một số ứng dụng khác như YouTube - là hoàn toàn không thể thay thế.
Vấn đề "không phụ thuộc vào Google" kỳ thực không hề mới, và đã được các ông lớn đi tìm câu trả lời từ rất lâu. Song, chẳng hề có kết quả tốt đẹp nào sau những nỗ lực ấy.
Nếu Google có thể làm tê liệt nhà sản xuất điện thoại lớn thứ hai thế giới chỉ bằng một quyết định đơn giản, thì rõ ràng họ là không thể thay thế.
Nguyễn Nguyễn