Google ái ngại về tương lai ngành công nghiệp di động
(Dân trí) - Trong hội nghị di động lớn nhất thế giới MWC vừa diễn ra tuần trước, Giám đốc điều hành CEO Eric Schmidt của Google thúc giục ngành công nghiệp di động nhanh chóng gia nhập lĩnh vực mobile web nếu không muốn làm đối thủ của Google.
“Giống như một phép màu. Nhờ sự hội tụ, bỗng nhiên bạn có thể làm tất cả mọi việc mà trước đây bạn không bao giờ dám nghĩ sẽ có thể làm được”, CEO của Google ví von.
Schmidt phát biểu trước các hãng viễn thông, các công ty bán lẻ và các quan sát viên của ngành công nghiệp di động vốn vẫn rất cảnh giác với Google: “Hội tụ sớm hay muộn tùy thuộc vào chúng ta, ngay bây giờ hay thậm chí là vài năm tới”.
Thời gian qua, Google đã cố đàm phán để bắt tay với các ngành công nghiệp vốn vẫn xem gã khổng lồ này như một mối đe dọa. Google đang dàn hòa với các hãng thông tấn, các nhà sách và các công ty quảng cáo để bắt tay hợp tác.
Với ngành công nghiệp viễn thông, Google càng khiến các ông lớn “cáu tiết” khi tung ra hệ điều hành miễn phí Android và bán điện thoại Nexus One trực tiếp đến người dùng nhưng không thông qua các nhà mạng. Hơn nữa, Google còn tuyên bố sẽ xây dựng một mạng lưới băng thông rộng siêu nhanh.
Những động thái này của Google không làm hài lòng một số hãng viễn thông vốn đã đầu tư nhiều tiền để nâng cấp mạng lưới của mình để đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ dữ liệu của người dùng. Các thuê bao di động đang dành nhiều thời gian sử dụng các dịch vụ mobile web trên các website của Google và các hãng khác.
Phát biểu của Schmidt khiến khán giả tham dự bất bình bởi nền kinh tế suy thoái đã khiến ngành công nghiệp viễn thông lao đao. Cùng lúc đó, người dùng đang dần chuyển sang gọi điện miễn phí từ Internet.
“Tôi cho rằng Google đang ăn trộm cước viễn thông”, một khán giả yêu cầu Schmidt giải trình về vấn đề này. Ngay lập tức, Schmidt phản pháo: “Mục tiêu của chúng tôi không phải là ăn cắp cước điện thoại”.
Sau bài phát biểu, tại buổi họp báo bàn tròn với báo giới, Schmidt giải thích tại sao Google cho rằng 2 ngành công nghiệp di động và Internet nên tương trợ lẫn nhau.
“Chúng tôi dựa vào ngành công nghiệp viễn thông để phát triển và đầu tư mạo hiểm một khối lượng tiền rất lớn, ngược lại, ngành viễn thông nhờ đến chúng tôi để nâng cấp hạ tầng mạng và phân phối điện thoại mới”.
“Chúng tôi luôn tìm cách nói “đồng ý”, không nói “không” - đó là triết lý của Google.