Google ái ngại khi Samsung thống lĩnh thị trường Android

(Dân trí) - “Cha đẻ” của hệ điều hành Android nổi tiếng cuối cùng cũng đã lên tiếng tỏ ra ái ngại khi Samsung ngày càng vững chắc ở vị trí thống lĩnh thị trường smartphone Android.

Sự bành trướng của Samsung làm Google ái ngại.

Sự bành trướng của Samsung làm Google ái ngại.

 
Andy Rubin, người đã mang lại thành công to lớn cho bộ phận Android của Google, chính là người biết được được hoạt hoạt động kinh doanh của các đối tác một cách rõ ràng nhất, giống như là người trong một nhà. Tuy vậy, chính ông đang cảm thấy lo lắng về một ngày nào đó Samsung sẽ thống lĩnh thị trường, và điều đó chính là mối đe dọa lớn đối với Google.

 

Trong một bài báo trên tờ Wall Street Journal ra mắt trùng hợp với Đại hội di động MWC 2013 đang diễn ra tại Barcelona, một nguồn tin giấu tên đã cho biết trong một sự kiện diễn ra cuối năm ngoái, ông Rubin đã từng nói ông lo ngại về một viễn cảnh rắc rối khi mà Samsung ngày càng phát triển, vượt xa các đối tác khác của Google.

 

Nguồn tin của Wall Street Journal cho rằng việc Samsung trở thành ông lớn có thể sẽ khiến hãng này đặt ra nhiều yêu cầu và đòi hỏi Google nhiều hơn các hãng khác, và điều này sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu từ các hoạt động quảng cáo trên di động của Google. Trước đó, Amazon cũng đã yêu cầu về một phiên bản Android viết riêng cho các thiết bị Kindle của hãng.

 

Có vẻ như giả thuyết của Google hoàn toàn đúng đắn. Tất cả mọi người đều thực sự sốc trước sự phát triển mạnh mẽ của Samsung. Việc Samsung trở thành hãng di động lớn nhất thế giới được xem là một bài học kinh doanh đáng ngưỡng mộ trong giới công nghệ. Hãng di động Hàn Quốc đã mất không quá lâu để biến mình từ một công ty OEM cung cấp linh kiện cho đối tác trở thành hãng điện thoại Android lớn nhất thế giới.

 

Bài báo nhấn mạnh, chính sự ái ngại về đối tác Samsung chính là nguyên nhân vì sao Google đã mua lại bộ phận di động Motorola Mobility như “một hình thức bảo hiểm” khi mà Samsung hay bất kỳ hãng nào chiếm giữ một “miếng bánh” quá lớn trong cộng đồng Android.

 

Đây là lần đầu tiên Google tỏ rõ quan điểm này, mặc dù trước đó nhiều nguồn tin cho rằng hãng Internet lớn nhất thế giới đã mua lại Motorola nhằm kìm hãm sức bành trướng của Samsung trên thị trường Android.

Theo Wall Street Journal, tại MWC 2013, các giám đốc điều hành của Google đang nhóm họp cùng với các đối tác nhằm giúp các sản phẩm của HTC, Sony, HP đủ sức cạnh tranh với Samsung. Tuy nhiên, Google không bình luận về thông tin này.

Mặc dù hiện tại Google chưa tung ra được một sản phẩm nào dưới danh nghĩa hợp tác giữa hãng và Motorola, nhưng Google cũng đã từng bước thâm nhập thị trường bằng các sản phẩm Nexus mang thương hiệu của hãng. Giới công nghệ cho rằng, để tạo thế cân bằng trước “ông lớn” Samsung, Google cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn bên cạnh các điện thoại và máy tính bảng Nexus. Đặc biệt, thiết bị bí mật mang tên X Phone đang được chờ đợi như là một lời giải với Google.
 
Samsung hiện đang chiếm giữ 39,6% thị phần trên thị trường smartphone, trong đó các sản phẩm chạy hệ điều hành Android chiếm phần lớn. Doanh số bán hàng của Samsung trong năm 2012 đạt tới hơn 215,8 triệu máy Android, nhiều hơn đến 200 triệu điện thoại so với một nhà sản xuất điện thoại Android lớn thứ 2 trên thế giới. Con số này có thể cho thấy, hiện tại và trong tương lai gần, Google và Samsung vẫn phải là đối tác của nhau bởi đối thủ chung của họ đó chính là Apple.

 

Khôi Linh