Giới trẻ TPHCM tiếc nuối không thể ngắm "Mặt trăng máu"

(Dân trí) - Mặc dù đã chuẩn bị kỹ càng mọi thứ và đến từ rất sớm nhưng một nhóm các bạn trẻ trong hội thiên văn học tại TPHCM không thể chiêm ngưỡng được mặt trăng máu vào chiều tối qua, đành ngậm ngùi ra về.

Hiện tượng trăng máu sẽ diễn ra từ chiều 8/10

Như Dân trí đã đưa tin vào chiều tối ngày 08/10 khi Mặt trăng mọc dần lên ở chân trời đông sẽ xuất hiện hiện tượng nguyệt thực toàn phần, hay còn gọi là mặt trăng máu (Blood Moon). Đây là lần thứ hai trong năm nay, hiện tượng này xuất hiện, lần đầu là ngày 15/4, nhưng Việt Nam không quan sát được. 

Trong lần thứ 2 này, theo chia sẻ trước đó của Đặng Tuấn Duy - chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TPHCM (HAAC): “Hiện chúng ta đang ở trong mùa mưa, chân trời nhiều mây, mặt trăng lúc kết thúc nguyệt thực toàn phần cũng chỉ ở cao hơn chân trời có 10 độ. Cho nên, khả năng ở Việt Nam sẽ khó quan sát được giai đoạn toàn phần. ” 

Tuy vậy, anh Duy cũng hi vọng rằng, trời trong, sẽ có thể quan sát được giai đoạn một phần.

Vào chiều qua, đúng 17h 15ph, hầu hết các thành viên đăng kí tham gia quan sát nguyệt thực lần này của CLB Thiên văn nghiệp dư TPHCM đã có mặt đầy đủ với nhiều trang thiết bị hỗ trợ.

Tại thời điểm đó, mây kéo về khá nhiều, che lắp mặt trăng và khu vực TPHCM hoàn toàn không thể xem được các giai đoạn của nguyệt thực toàn phần. Mặc dù vậy, các thành viên trẻ tuổi của CLB Thiên văn nghiệp dư TPHCM vẫn mong chờ một điều kì diệu xảy ra, dù chỉ xem được một phần giai đoạn. Tuy nhiên, điều đó không xảy ra, gây thất vọng cho nhiều bạn trẻ có mặt tại đây. 

Đến 18h, dù trời rất nhiều mây song tất cả vẫn mang hi vọng và nhẫn nại chờ đợi bầu trời sẽ trở nên quang hơn khi Mặt trăng dần lên cao và có thể quan sát được nguyệt thực một phần. Đến khoảng 19h, khi mặt trăng đã thật sự lên cao thì mây càng dầy hơn. Mặc dù tới 19h34 mới kết thúc hiện tượng “nguyệt thực một phần” (bởi nguyệt thực nửa tối thì không nên quan sát vì Mặt trăng hầu như không có nhiều khác biệt) nhưng ngay lúc này, tất cả gần như phải chấp nhận buổi quan sát thiên văn đã không thành công. 

Bạn Hoàng Anh, một thành viên của CLB HAAC cho biết: "Với hầu hết các thành viên tham gia quan sát, đây là một điều thất vọng. Đây là lần đầu bạn tham gia quan sát tập trung nên việc không thế quan sát được Mặt trăng là một điều thất vọng lớn. Bạn đã xem rất nhiều hình ảnh Mặt trăng có màu đỏ nhưng thực tế trải nghiệm là một điều hoàn toàn khác."

Với bạn Hồng Dương, thành viên khác của CLB HAAC: “Dù CLB đã có dự báo về thời tiết và chuẩn bị sẵn tinh thần, tuy vậy việc tập trung đông đủ quan sát cho thấy các thành viên vẫn hy vọng có thể quan sát được một phần hiện tượng này. Do đó, các thành viên đành hài lòng với việc hẹn quan sát nguyệt thực vào tháng 4 năm sau.” 

Lý giải cho sự việc trên, anh Đặng Tuấn Duy cho biết: "Theo đúng như các bản tin dự báo thời tiết và quan sát ảnh mây vệ tinh, thời tiết ở các vùng miền có sự đối lập lớn. Tại Hà Nội thời tiết tốt, trời ít mây nên đã quan sát tốt nguyệt thực toàn phần, còn tại HCM, khu vực Nam bộ và một số khu vực miền Trung trời nhiều mây, nên hầu hết không thể quan sát được Mặt trăng khi diễn ra nguyệt thực hoặc chỉ quan sát một phần khi Mặt trăng ló dạng.” 

"Tuy vậy, như đã thông báo do lần nguyệt thực toàn phần lần này, Mặt trăng ở rất sát chân trời cho tới khi kết thúc pha toàn phần lúc 18h24, với thực tế chân trời luôn nhiều mây nên hầu hết khi Mặt trăng xuất hiện (tại Hà Nội theo thông báo là khoảng 18h30) lúc này đã kết thúc pha toàn phần, người quan sát vẫn quan sát được Mặt trăng màu đỏ đặc trưng.”

"Đây có lẽ là hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất với người dân Việt Nam năm nay, bởi các trận mưa sao băng đều có cực điểm vào ngày mà Mặt trăng sẽ ảnh hưởng tới khả năng quan sát. Do vậy việc không quan sát được là một điều thất vọng, nhất là khi so sánh với lần quan sát nguyệt thực toàn phần trước đó vào T12/2011. Tuy vậy, việc theo dõi bản tin thời tiết và ảnh mây vệ tinh sớm nên CLB đã thông báo trước về khả năng quan sát được là thấp và thông báo tới các thành viên và những ai yêu thiên văn, khi thời tiết không thuận lợi việc quan sát nên dừng lại.” Anh Duy cho biết thêm. 
 
Ngoài ra, trong năm 2014 tại Việt Nam chỉ còn một sự kiện đáng chú ý đó là mưa sao băng Geminids, trận mưa sao băng lớn hàng năm . Tuy vậy năm nay ánh sáng trăng cũng gây ảnh hưởng tới việc quan sát trận mưa sao rất đáng chú ý này. Cực điểm theo dự báo của trận mưa sao này là khoảng ngày 13-14/12 với tần suất trong điều kiện tối ưu có thể đạt 100 vệt sao/h.
 
Dân trí sẽ tiếp tục mang đến thông tin xoay quay hiện tượng mưa sao băng Geminids. 

Một số hình ảnh chiều qua tại TPHCM
Vào chiều qua, 5h 30ph, đã có khá đông các thành viên tụ tập để chuẩn bị các thiết bị ngắm trăng
Vào chiều qua, 5h 30ph, đã có khá đông các thành viên tụ tập để chuẩn bị các thiết bị ngắm trăng
Một thành viên đang điều chỉnh máy
Một thành viên đang điều chỉnh máy
Đây là kính thiên văn phản xạ 150mm của CLB HAAC
Đây là kính thiên văn phản xạ 150mm của CLB HAAC
Đây là máy tự chế của hội thiên văn nghiệp dư TPHCM với chi phí khoảng 2,5 triệu đồng
Đây là máy tự chế của hội thiên văn nghiệp dư TPHCM với chi phí khoảng 2,5 triệu đồng
Đến hơn 18h, nhưng trăng vẫn không xuất hiện
Đến hơn 18h, nhưng trăng vẫn không "xuất hiện"
Các thành viên kiểm tra hiện trăng đang ở vị trí nào
Các thành viên kiểm tra hiện trăng đang ở vị trí nào

Quốc Phan