Giáo sư Ý trên sân khấu Nhân tài Đất Việt: Các giải pháp sẽ mang lại lợi ích cho xã hội
(Dân trí) - Giáo sư Ý Gustavo Belforte, đồng Giám đốc Quốc tế của Trung tâm NAVIS, đơn vị vừa đoạt giải nhất Công nghệ thông tin của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2015, cho biết mục tiêu của Trung tâm là đưa những giải pháp đã phát triển vào cuộc sống, mang lại lợi ích cho xã hội.
Giáo sư Gustavo Belforte hiện là đồng Giám đốc trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS), Đại học Bách Khoa Hà Nội. Bộ giải pháp định vị GPS/GNSS ứng dụng trong định vị độ chính xác cao và nâng cao độ an toàn/an ninh trong định vị vệ tinh (NAVISTAR) của NAVIS đã giành Giải Nhất Công nghệ thông tin Triển vọng của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2015.
Tôi được biết Giáo sư là đồng giám đốc Trung tâm NAVIS. Xin hỏi cơ duyên nào đã đưa ông tới Việt Nam?
Vào năm 1997, tôi có chuyến đi lần đầu tiên tới Việt Nam để làm việc với Đại học Bách Khoa Hà Nội (ĐHBKHN). Từ năm 2002 tới năm 2005, tôi tham gia giảng dạy ở Hà Nội một vài khóa học liên quan đến chuyên môn chính của tôi về cơ điện tử (mechatronics) tại Viện Công nghệ Châu Á (AIT), trong khuôn khổ một dự án tài trợ của Liên minh Châu Âu EU mà tôi là người đứng đầu. Kể từ đó tôi thường xuyên đến Việt Nam, đất nước mà tôi luôn yêu mến và ngưỡng mộ, như một số người thuộc thế hệ của tôi.
Vào năm 2005, khi các hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS) đang rất được quan tâm ở Châu Âu với dự án xây dựng hệ thống Galileo, hệ thống GNSS của Châu Âu, tôi phụ trách một dự án “đào tạo chuyên gia” trong lĩnh vực GNSS. Và chính dự án này là khởi đầu cho mối hợp tác với ĐHBKHN trong lĩnh vực đầy triển vọng này.
Ngay sau đó, kế hoạch đưa các sinh viên Việt Nam sang Châu Âu đào tạo được triển khai và Trung tâm NAVIS cũng được thành lập. Cuối năm 2011, Hiệu trưởng trường ĐHBKHN đã ký một thỏa thuận với Đại học Bách Khoa Torino, thiết lập cơ chế Đồng Giám đốc với một Giám đốc người Việt Nam (PGS.TS. Tạ Hải Tùng, một trong bốn sinh viên Việt Nam đầu tiên được đào tạo ở Châu Âu, quản lý các vấn đề cụ thể liên quan đến nghiên cứu trong lĩnh vực GNSS), và một Đồng Giám đốc quốc tế (tôi, với kinh nghiệm quản lý dự án và hợp tác quốc tế).
Kể từ đó, có thêm nhiều cơ hội cho sinh viên và nhân viên của ĐHBKHN được đào tạo tại Châu Âu. Đến nay qua hợp tác với các đối tác Châu Âu, chúng tôi đã cử được 12 thạc sỹ và 4 nghiên cứu sinh theo học các chương trình đào tạo chuyên ngành trong lĩnh vực tại các viện nghiên cứu tiên tiến. Điều này đã giúp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho trung tâm NAVIS, giúp trung tâm có thể phát triển các sản phẩm nghiên cứu cũng như các giải pháp kỹ thuật một cách độc lập và dần trở thành một đối tác tin cậy trong hợp tác quốc tế.
Bộ giải pháp định vị GPS/GNSS ứng dụng trong định vị độ chính xác cao và nâng cao độ an toàn/an ninh trong định vị vệ tinh (NAVISTAR) đã đạt Giải Nhất Công nghệ thông tin Triển vọng Nhân tài Đất Việt 2015. Ông có thể giới thiệu về các ứng dụng thực tế của nó?
Hệ thống GPS của Mỹ là hệ thống GNSS phổ biến nhất hiện nay do đây là hệ thống đầu tiên được sử dụng rộng rãi. Cùng với GPS, GLONASS (Nga), Galileo (Liên minh Châu Âu), Beidou (Trung Quốc), và các hệ thống định vị cấp vùng QZSS (Nhật Bản), IRNSS (Ấn Độ) sẽ tạo nên một môi trường định vị đa hệ thống. Ở Việt Nam, tại mọi thời điểm có thể sẽ nhìn thấy ít nhất 30 vệ tinh định vị từ các hệ thống khác nhau. Các hệ thống này có thể được sử dụng riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau để tính toán được thông tin về vị trí, vận tốc và thời gian (PVT).
GNSS là một công nghệ xuyên suốt và là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển bền vững. Các thông tin PVT đang ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong các giải pháp hiệu quả và các cơ sở hạ tầng tiên tiến trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống hiện đại. Từ hệ thống giao thông (hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển) và hậu cần tới quản lý thiên tai; từ nông nghiệp đến giám sát môi trường, khai thác tài nguyên thiên nhiên, quản lý cơ sở hạ tầng, an ninh, và rất nhiều các lĩnh vực khác.
Một số ví dụ cụ thể về ứng dụng của GNSS có thể kể đến như:
• Các thiết bị giám sát hành trình được trang bị trên các xe ô tô để giám sát vị trí và tốc độ nhằm đảm bảo các phương tiện này lưu thông đúng luật (Việt Nam), hoặc để giảm phí bảo hiểm (Châu Âu).
• Trong lĩnh vực hàng hải, công nghệ GNSS cung cấp vị trính chính xác để hướng dẫn tàu, xác định xem một con tàu đang hằm trong hải phận trong nước hay hải phận quốc tế,... Vị trí của các giàn khoan dầu cũng được kiểm soát bởi các bộ thu GNSS.
• Trong lĩnh vực đường sắt, một quy trình mới cho việc truyền tín hiệu và cảnh báo đang được thiết kế. Quy trình này sử dụng công nghệ GNSS và có khả năng giảm đáng kể chi phí về mặt cơ sở hạ tầng.
• Sạt lở đất, lũ lụt, sóng thần,... có thể được giám sát nhờ các bộ thu GNSS, tương tự như vậy với vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, động vật hoang dã, ...
• Thông tin thời gian GNSS được sử dụng để đồng bộ hóa các nhà máy điện và đánh dấu thời gian của các giao dịch thương mại trong thị trường chứng khoán.
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt có ý nghĩa như thế nào đối với nhóm của ông?
Giải thưởng này là một thành tích tuyệt vời dựa trên thực lực của nhóm các nhà khoa học Việt Nam. Cả nhóm đã làm việc chăm chỉ và nỗ lực hết mình, luôn hướng đến chuẩn chất lượng quốc tế.
Kết quả này cho thấy Trung tâm NAVIS đã sẵn sàng trở thành một cầu nối giữa Châu Âu và khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực GNSS, như đã nêu trong sứ mệnh của mình khi được thành lập (với nguồn tài trợ từ một dự án của EU và một dự án song phương giữa Việt Nam và Ý).
Vì vậy, một mặt giải thưởng này là một thành tích tuyệt vời, chứng tỏ nỗ lực từ trước đến nay của trung tâm, nhưng mặt khác cũng đánh dấu một sự khởi đầu mới, vì chúng tôi cần đưa những giải pháp đã phát triển vào cuộc sống, mang lại lợi ích cho xã hội. Điều này đòi hỏi chúng tôi phải nỗ lực hơn nữa, vì sự đổi mới và phát triển không ngừng.
Nhóm tác giả đoạt giải Nhất Công nghệ thông tin Triển vọng trong Lễ trao giải Nhân tài Đất Việt 2015.
Ông có thời gian dài làm việc với các đồng nghiệp trẻ và sinh viên Việt Nam. Ông có nhận xét gì về họ?
Các nghiên cứu viên ở Trung tâm NAVIS luôn rất nỗ lực trong nghiên cứu và trong các công việc khác ở trung tâm. Chính sách của NAVIS luôn hướng đến việc nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp và hỗ trợ nhiều nhất có thể các nghiên cứu viên tài năng, những người cam kết đồng hành cùng NAVIS. Chúng tôi luôn cố gắng mang đến cho họ những cơ hội để nâng cao năng lực cá nhân và tiếp cận với các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế thông qua việc giúp họ được đào tạo ở những viện nghiên cứu hàng đầu Châu Âu. Bên cạnh việc xem xét năng lực và thâm niên, chúng tôi cùng chia sẻ lợi ích trong toàn nhóm, do chúng tôi quan tâm đến sự hài lòng của mỗi thành viên trong nhóm. Giải thưởng vừa nhận được chính là một minh chứng cho tính hiệu quả của chính sách đôi bên cùng có lợi, trong đó, mỗi cá nhân đều hiểu rằng họ sẽ nhận được phần thưởng tương xứng với những nỗ lực mà mình đã bỏ ra.
Ông có lời khuyên gì cho các sinh viên Việt Nam về lĩnh vực nghiên cứu khoa học, cũng như các bạn trẻ có mong muốn tham gia giải thưởng Nhân tài Đất Việt những năm tới?
Các bạn trẻ cần phải bắt đầu làm việc chỉ với mục tiêu là kết quả khoa học chất lượng, đừng nghĩ về những cuộc thi hay giải thưởng. Làm việc chăm chỉ, luôn biết rằng sẽ có nhiều thăng trầm trong công việc. Bất cứ khi nào có thể, hãy làm việc nhóm với những đồng nghiệp đáng tin cậy và chăm chỉ. Điều này không chỉ tạo động lực cho một vài cá nhân mà còn cải thiện khả năng của mỗi thành viên trong nhóm nhờ những gợi ý và nhận xét mang tính xây dựng từ các thành viên khác.
Một khi bạn đã nắm chắc vấn đề khoa học trong lĩnh vực của mình, bạn có thể biến chúng thành những ứng dụng công nghệ thực tế. Và khi bắt đầu làm điều đó, bạn sẽ thấy rằng từ hiểu biết khoa học đến triển khai công nghệ vẫn còn một con đường rất dài.
Chỉ khi nào đã có định hình về việc triển khai công nghệ đó, bạn hãy bắt đầu nghĩ về các cuộc thi và giải thưởng.
An Bình
(Thực hiện)