Thủ lĩnh quán quân Nhân tài Đất Việt 2016:

Giải thưởng Nhân tài Đất Việt là đòn bẩy cho những ai muốn Startup

(Dân trí) - Bên lề chương trình workshop: “Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội nào cho Startup?” diễn ra tại UP Bách khoa TP.HCM tối 28/8, anh Lê Công Thành- Thủ lĩnh nhóm InfoRe đạt giải nhất Công nghệ thông tin hệ thống triển vọng Giải Nhân tài Đất Việt 2016 đã chia sẻ những kinh nghiệm trên con đường khởi nghiệp sáng tạo với độc giả Dân trí.

Thủ lĩnh quán quân Nhân tài Đất Việt 2016 Lê Công Thành tranh thủ làm việc trước khi chương trình workshop: “Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội nào cho Startup?” bắt đầu
Thủ lĩnh quán quân Nhân tài Đất Việt 2016 Lê Công Thành tranh thủ làm việc trước khi chương trình workshop: “Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội nào cho Startup?” bắt đầu

Lê Công Thành không phải là cái tên xa lạ trong “giới startup” Việt. Tháng 11/2016, nhóm của Lê Công Thành Giải nhất Công nghệ thông tin (CNTT) hệ thống Triển vọng trị giá 100 triệu đồng đã thuộc về nhóm tác giả Công ty CP Công nghệ chọn lọc thông tin (InfoRe) với sản phẩm Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội (SMCC). Từ thành quả này, nhóm tác giả này đã có nhiều bước tiến xa hơn trên con đường sáng tạo khởi nghiệp của mình.

Giải thưởng Nhân tài Đất Việt là đòn bẩy cho những ai muốn Startup

Thưa anh, kể từ khi thành công ở Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2016, nhóm của anh đã có những bước tiến gì trong gần một năm qua?

- Dự định ban đầu của nhóm là làm thế nào để áp dụng trí tuệ nhân tạo ngày càng sâu rộng hơn trong xã hội cũng như giải quyết được việc theo đuổi cái mình yêu thích là trí tuệ nhân tạo, phân tích các dữ liệu. Từ khi đoạt giải thì nhóm gặp được rất nhiều cơ hội để theo mục tiêu mà nhóm đang theo đuổi và chúng tôi cảm thấy hài lòng với điều đó.

Bởi trong lĩnh vực công nghệ thông tin này sự phát triển lúc nào cũng nhanh, các doanh nghiệp dễ bị lạc hậu nên đó cũng là động lực để chúng tôi luôn thay đổi công nghệ liên tục để theo kịp thay đổi của thế giới. Con đường đang diễn ra theo đúng lộ trình mà chúng tôi đặt ra và hiện tại cũng không đặt ra đến lúc nào sẽ dừng lại bởi trong lĩnh vực công nghệ thông tin mình theo đuổi càng lâu và đóng góp càng nhiều cho xã hội thì càng tốt. Dù công ty của chúng tôi chưa đóng góp được nhiều cho xã hội nhưng hiện tại đã xây dựng được nên nền tảng tốt cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên xã hội.

Anh Lê Công Thành dành những chia sẻ về Startup cho giới trẻ
Anh Lê Công Thành dành những chia sẻ về Startup cho giới trẻ

Bản thân doanh nghiệp của mình đang khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo và sản phẩm Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội (SMCC) là một phần trong đó. Đặc biệt từ khi đạt giải Nhân tài Đất Việt như là một bệ đỡ cho nhóm chúng tôi, từ đó đến nay mở ra cho chúng tôi nhiều cơ hội và chúng tôi mở ra thêm 20 dòng sản phẩm khác nhau từ ứng dụng của trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu mà Việt Nam ít có.

Thưa anh, hiện tại có rất nhiều bạn trẻ có đam mê khởi nghiệp nhưng vẫn còn những rào cản nào đó. Anh có thể dành cho các bạn ấy những lời khuyên nào để giúp họ nuôi dưỡng niềm đam mê đó?

- Startup không phải là một phong trào, chặn đường đi của nó nhiều lúc cũng rất gian khó và hoàn toàn không phải là màu hồng để bất cứ ai cũng theo đuổi. Bản chất của startup là tinh gọn hóa quy trình kinh doanh những sản phẩm của mình, dù là một doanh nghiệp nhỏ nhưng tất cả các thành viên đều nhiệt huyết và cần nhiều kinh nghiệm khác nhau.

Bản thân công ty chúng tôi trong hành trình của mình cũng va vấp rất nhiều, có lúc tưởng chừng không đủ sức để tiếp tục do đó khi Startup thì phải suy nghĩ thật kỹ và học hỏi kinh nghiệm của người đi trước. Con đường Startup không phải là màu hồng và rất dễ dẫn đến thất bại nên đòi hỏi ý chí bền vững vượt qua, nếu thất bại thì phải làm lại.

Theo anh Lê Công Thành: Startup không phải là một phong trào, chặn đường đi của nó nhiều lúc cũng rất gian khó và hoàn toàn không phải là màu hồng để bất cứ ai cũng theo đuổi
Theo anh Lê Công Thành: "Startup không phải là một phong trào, chặn đường đi của nó nhiều lúc cũng rất gian khó và hoàn toàn không phải là màu hồng để bất cứ ai cũng theo đuổi"

Theo quan điểm của tôi, đam mê là một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong theo đuổi Startup nhưng không phải là tất cả. Ngoài đam mê, đòi hỏi rất nhiều điều kiện khác như kinh nghiệm, hướng đi sắc bén, khả năng kinh doanh thật tốt và có cả thêm một chút may mắn.

Bên cạnh đó cũng cần các đòn bẩy chẳng hạn Giải thưởng Nhân tài Đất Việt chính là một đòn bẩy rất tốt để các doanh nghiệp start-up trở nên nổi tiếng trên thị trường. Nếu các doanh nghiệp dù hội tụ đầy đủ những yếu tố kia nhưng thiếu một đòn bẩy thì cũng sẽ rất khó khăn. Lời khuyên của tôi cho các bạn trẻ chỉ là nếu bạn đã có sẵn đam mê rồi thì cần hội tụ những người bạn khác có cùng đam mê, như những mảnh ghép khác vá lại cho mình để gộp với nhau lại thành một nhóm đủ sức làm start-up.

Đến thời điểm này, được xem là một người khởi nghiệp thành công, anh nhận thấy môi trường của Việt Nam hiện nay để các bạn trẻ, sinh viên Start-up đã thuận lợi chưa?

- Các nhóm khởi nghiệp thành công trên thế giới hiện giờ đều xuất phát từ những gara ô tô và họ không có những điều kiện gì đặc biệt hơn cả nhưng họ vẫn làm được. Đòi hỏi có môi trường đẹp đẽ như UP Bách khoa TP.HCM này thì chắc nước ta không quá nhiều và cũng không nên quá quan trọng môi trường như vậy bù lại Việt Nam đang có một phong trào Start-up mạnh mẽ được nhiều người hưởng ứng đồng thời nhà nước cũng quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp.

Đấy là những lợi thế nhất định cho giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên nói chung điều quyết định chính vẫn là ở bản thân của tự mỗi nhóm start-up chứ không nên mong chờ xã hội tạo cho mình quá nhiều điều kiện để mình phát triển. Nếu tất cả ai cũng có đầy đủ điều kiện thì ai sẽ thành công, nó đồng nghĩa sẽ dẫn đến chuyện cạnh tranh và cuối cùng chỉ những nhóm tốt nhất, có ý chí nhất, kinh nghiệm nhất, có sản phẩm đặc thù nhất, có giải pháp tốt nhất cho xã hội mới có thể tồn tại.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh.

Lê Phương

Ảnh, Video: Phạm Nguyễn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm