Giải pháp nào trước “nạn” thông tin xấu trên mạng khiến DN "đứng ngồi không yên"?
(Dân trí) - Thông tin xấu ảnh hưởng tới an toàn thương hiệu của các doanh nghiệp, bảo vệ thương hiệu trên môi trường mạng hiện đang là chủ đề nóng được quan tâm không chỉ tại Việt Nam mà còn diễn ra trên toàn thế giới.
YouTube và Facebook hiện là những kênh quảng cáo lớn nhất trên thế giới. Tính riêng tại Việt Nam, 2 kênh này đã chiếm gần 80% thị phần quảng cáo, và vẫn tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh báo giấy sụt giảm, loại hình quảng cáo như truyền hình thì vẫn quá đắt đỏ.
Theo thống kê trong năm 2017, mỗi phút có trung bình 400 giờ video được đăng tải trên mạng YouTube, đến từ hơn 350 triệu kênh YouTube trên toàn cầu, và chỉ riêng Việt Nam đã có tới 78.000 kênh.
Rõ ràng, việc quảng cáo trên YouTube, Facebook đang trực tiếp giúp các doanh nghiệp đưa sản phẩm của họ tới gần hơn với khách hàng, cũng như gia tăng đáng kể nhu cầu của người mua.
Tuy nhiên vấn đề về thông tin xấu độc, các mặt hàng cấm, vi phạm pháp luật,… xuất hiện tràn lan trên các nền tảng này mà không bị kiểm duyệt đang khiến không chỉ chỉnh phủ, doanh nghiệp tại Việt Nam mà nhiều quốc gia khác trên thế giới phải “đau đầu”.
Theo chia sẻ của ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin Điện tử thuộc Bộ TT&TT, vào tháng 5/2017, Cục phát thanh có một hoạt động thu hút sự chú ý của các bên đó là cảnh báo doanh nghiệp, nhãn hàng, đại lý trong nước về việc những sản phẩm thương hiệu của họ bị gắn vào các video xấu độc được lan truyền trên mạng xã hội. (thông tin xuyên tạc, sai sự thật, vi phạm).
Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin Điện tử thuộc Bộ TT&TT chia sẻ quan điểm tại Toạ đàm Cafe ICT do Câu lạc bộ Nhà báo CNTT tổ chức.
Đây được cho là một động thái tích cực nhằm đánh giá và bình ổn lại thị trường quảng cáo vốn đang ẩn chứa nhiều mối đe doạ tiềm ẩn. Tuy nhiên, điều bất ngờ là cả 3 bên tham gia bao gồm doanh nghiệp, đại lý quảng cáo và những nhà cung cấp nền tảng như Google, Facebook, đều liên tục xảy ra những tranh cãi và không tìm được hướng giải quyết.
Cũng trong thời điểm này, các nước trên thế giới như Anh, Mỹ,… cũng gặp phải tình trạng tương tự, cho thấy đây là một tình trạng toàn cầu chứ không chỉ xảy ra tại một thị trường nhất định. Thí dụ như tại Anh, rất nhiều chiến dịch quảng cáo của chính phủ liên quan đến bảo vệ người nhập cư, bảo vệ trẻ em, thì đều bị gắn vào trong các clip độc hại của IS.
Tại Mỹ, các nhãn hàng lớn như Coca Cola, Pepsi, AT&T cũng đồng loạt ngừng quảng cáo trên YouTube vì nhận thấy vấn đề quảng cáo có thể ảnh hưởng đến an toàn thương hiệu. Điều này đã dẫn đến một khủng hoảng lớn cho Google, khiến họ sụt giảm doanh thu lên đến 750 triệu USD trong năm 2017.
Tại Việt Nam, Vinamilk, FPT, Ford, VNAirlines cũng chấp nhận không quảng cáo cho tới khi Google tìm được cách khắc phục tình trạng này.
Tuy nhiên theo ông Tự Do, tính đến thời điểm 1/2018, Google vẫn chưa tìm ra giải pháp triệt để mặc dù đã “loay hoay” trong suốt 1 năm qua. Lý do là bởi trí tuệ nhân tạo của Google vẫn dễ dàng bị qua mặt bởi những thủ đoạn đánh lừa từ các kẻ xấu.
Trước bối cảnh như vậy, ông Lê Quang Tự Do hé lộ về một giải pháp sẽ được đưa ra triển khai từ tháng 3/2018, đó là lập ra một danh sách “sạch”, hay còn gọi là “white list” nhằm lọc ra các doanh nghiệp, nhà cung cấp uy tín, được đăng kiểm và quản lý chặt chẽ và thông tin xác thực. Từ đó từng bước giúp thị trường trong sạch và đảm bảo an toàn thương hiệu trước các thông tin xấu độc.
Được biết, trước đây chỉ có một danh sách gồm các đơn vị vi phạm tạm gọi là “black list”. Tuy nhiên danh sách xấu độc này theo ông Lê Quang Tự Do là “không thể kiểm soát được”, bởi số lượng gia tăng liên tục và nằm ngoài tầm kiểm soát của các đơn vị chức năng.
Theo ông Niall Hogan, hiện là Giám đốc IAS của thị trường châu Á - công ty thực hiện chứng nhận 7 tỉ lần xuất hiện quảng cáo mỗi ngày, chất lượng quảng cáo tổng quan tại Việt Nam hiện đang thấp hơn tiêu chuẩn trung bình.
Đây là thông số được đưa ra dựa trên kết quả xác thực 1 tỉ lần hiển thị quảng cáo của IAS. Cụ thể, tỷ lệ hiển thị cho người xem tại Việt Nam là 53,2% (thấp hơn mức trung bình 59,3%), và tỷ lệ an toàn đạt 89,5% (mức trung bình 95,85%).
Đối với chất lượng quảng cáo bằng video thì tỷ lệ người thật xem cao hơn với 59%, nhưng tỉ lệ an toàn lại thấp hơn, chỉ có 76,8%.
Ông Hogan cũng nhận định rằng chỉ với số lần hiển thị quảng cáo cực kỳ ít ỏi trên một môi trường không an toàn cũng có thể làm giảm uy tín thương hiệu của bạn. Chính bởi lý do này mà theo ông, ngày càng có nhiều doanh nghiệp không tin tưởng để quảng cáo trên YouTube nữa.
Nguyễn Nguyễn