Giải pháp đưa mạng xã hội hoạt động đúng luật tại Việt Nam
Thực tế, hành vi sử dụng mạng xã hội đang là xu hướng tất yếu và sẽ không ngừng gia tăng trong các năm tới. Điều này có nhiều mặt tích cực, nhưng cũng tiềm ẩn yếu tố tiêu cực. Các cơ quan quản lý và chính doanh nghiệp đang cùng nỗ lực đưa mạng xã hội đi vào khuôn khổ pháp luật Việt Nam.
Thực trạng của mạng xã hội
Theo Facebook, hiện nước ta đã có đến 30 triệu người dùng và trung bình lướt Facebook 150 phút/ngày, gấp đôi thời gian xem tivi và hầu hết đều được thực hiện qua di động.
Bên cạnh Facebook đang giữ vị trí quán quân trên bảng xếp hạng, hiện một số mạng xã hội chuyên biệt như: Youtube, Zalo, Bigo Live… cũng đã thu hút được lượng người dùng khá lớn.
Xét về mặt tích cực, mạng xã hội giúp kết bạn với nhiều người dù ở bất cứ nơi đâu, thời gian nào, dễ dàng cập nhật thông tin và duy trì mối liên hệ với bạn bè,…Đối với doanh nghiệp, sự hiện diện của mạng xã hội không chỉ mang lại nguồn lợi doanh thu, mà quan trọng hơn còn tạo dựng được uy tín cũng như thương hiệu sản phẩm thông qua sức lan truyền rộng lớn và nhanh chóng.
Tuy nhiên, mạng xã hội vẫn tồn tại những yếu tố tiêu cực khiến các nhà quản lí đau đầu tìm giải pháp. Sẽ chẳng lạ lùng hay khó hiểu nếu một ngày nào đó, bạn thấy được một tấm hình hay đoạn video sex có trên Facebook hay Youtube. Ngoài ra, vấn đề bảo mật cũng hết sức đáng lo…
Đưa vào khuôn khổ pháp luật
Nắm bắt được nhu cầu tất yếu của người dân trong việc sử dụng mạng xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước đã chủ động trong công tác quản lý từ rất sớm. Ngoài việc ban hành các văn bản pháp luật, công tác thanh tra giám sát được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc nhằm phát hiện và kịp thời chấn chỉnh sai phạm, đưa hoạt động của mạng xã hội đi vào khuôn khổ pháp luật Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông, Việt Nam không cấm mạng xã hội, nhưng mạng xã hội bộc lộ nhiều mặt trái của nó mà chúng ta cần phải hạn chế. Đó là các vấn đề vi phạm bản quyền, phỉ báng gây tổn hại danh dự cá nhân, xâm phạm đời tư, quảng cáo trá hình, ngụy tạo hình ảnh, siêu liên kết với các mạng ngoài...Một thực trạng khác là do tính chất xuyên biên giới nên hiện nay Nhà nước mất một nguồn thu lớn từ các mạng xã hội nước ngoài.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng khẳng định, Việt Nam chỉ điều chỉnh những hạn chế và mặt trái của mạng xã hội như nhiều quốc gia khác. Quản lý không phải là ngăn cấm. Đối với những mạng xã hội nước ngoài, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ đàm phán và yêu cầu hoạt động theo đúng khuôn khổ của luật pháp Việt Nam.
Hướng tới một nền tảng mạng xã hội lành mạnh
Nắm bắt sự chỉ đạo của Bộ Thông tin & Truyền thông, hiện một số mạng xã hội nước ngoài cũng đã cử người đại diện hay lập văn phòng tại Việt Nam để kịp thời điều chỉnh hoạt động theo đúng quy định pháp luật của nước sở tại.
Cụ thể, mạng xã hội BIGO đã tiên phong lên kế hoạch xây dựng hướng tới một mạng xã hội lành mạnh và đa dạng hóa. Phát biểu về vấn đề này, đại diện BIGO tại Singapore: “Bigo Live là một sản phẩm toàn cầu, chúng tôi cam kết hoạt động theo pháp luật, có đạo đức, và có tính xây dựng cuộc sống cao,.. ở bất kỳ đất nước nào nơi chúng tôi tiến hành hoạt động kinh doanh. Và ở Việt Nam không là một ngoại lệ. Hiện tại đối với Việt Nam, Bigo Live vẫn là một sản phẩm được cung cấp theo hình thức xuyên biên giới, nghĩa là, đến thời điểm này chúng tôi chưa có bất kỳ pháp nhân nào tại Việt Nam. Tuy nhiên, như chúng tôi đã nói, với mục đích kinh doanh bền vững và đặt Việt Nam là một trong những thị trường kinh doanh trọng điểm, chúng tôi đang làm việc với một số hãng luật quốc tế để tìm hiểu các qui định quốc tế cũng như qui định của nước sở tại về lĩnh vực cũng như sản phẩm mà chúng tôi đang kinh doanh. Chúng tôi sẽ sớm chọn ra một hình thức hiện diện pháp nhân phù hợp nhất với nhu cầu của mình tại Việt Nam, và sẽ thực hiện trách nhiệm pháp lý của mình một cách đúng đắn, công khai, minh bạch.
Bigo Live không phải là ứng dụng Live stream đầu tiên, và chắc chắn không phải là ứng dụng cuối cùng. Hiện nay, có khoảng 3 – 4 sản phẩm live stream tại Việt Nam, và dự tính có thêm khoảng 2 – 3 sản phẩm nữa đang được thử nghiệm và sẽ ra mắt trong thời gian tới. Chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý chuyên ngành, giới truyền thông, đối tác, khách hàng,… có những hướng dẫn, hỗ trợ tích cực nhằm giúp các công ty nước ngoài như chúng tôi thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ kinh doanh của mình, cũng như để cùng đóng góp vào sự phát triển của ngành dịch vụ này”.
Với việc sở hữu những thế mạnh về công nghệ, BIGO sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền hướng dẫn người dùng, đưa lên nhiều nội dung lành mạnh, đồng thời hợp tác với các kênh giáo dục, y tế để đưa đến một nền tảng mạng xã hội văn minh và lành mạnh cho giới trẻ.
PV