“Giải mã” Web 2.0 trước thềm năm mới

Internet trước đây đóng vai trò như một nguồn thông tin khổng lồ. Còn trong năm 2007, World Wide Web trở thành một hệ điều hành, một nền tảng tương tác rộng lớn mà trên đó các ứng dụng hoạt động ngay trong trình duyệt, hỗ trợ người sử dụng hợp tác với nhau theo thời gian thực.

MySpace.com, ThinkFree.com và Digg.com là những đại diện tiêu biểu của Web 2.0 bởi chúng biết tận dụng mô hình tương tác mới mẻ. Web ngày nay tạo điều kiện cho mọi người chia sẻ thông tin dễ dàng, dù đó chỉ là việc họ ăn gì trong bữa tối hay quan điểm của họ về một cuốn sách trên Amazon.com.

Chương trình đóng gói, được phân phối qua đĩa CD để cài trên từng hệ thống, đang có nguy cơ trở thành "di sản" của thế kỷ 20. Trong thế giới Internet tiến hóa, phần mềm không phải một bộ sản phẩm mà phải trở thành một dịch vụ, giống như người ta mua vé máy bay chứ không cần thiết sở hữu cả một chiếc máy bay cồng kềnh và tốn kém.

 

Thế giới trực tuyến trong tương lai gần về cơ bản sẽ thay đổi quan niệm của mọi người về Internet từ một công cụ thông tin và thương mại 2 chiều thành một cộng đồng ảo toàn cầu và thịnh vượng. Để hiểu nơi mà Web sẽ hướng đến, việc nhìn nhận lại quá khứ và xem xét ý định của những người tạo ra nó là một bước đi hợp lý.

 

Nội dung là trung tâm

 

Những "trụ cột" của Web 2.0 (gồm mạng xã hội, các nội dung do người dùng tự tạo và phần mềm như một dịch vụ SaaS) đang phản ánh lại giá trị của Web thời kỳ đầu. "Trong giai đoạn đầu tiên, Web và Internet là một nền tảng chia sẻ và hợp tác giữa các nhà nghiên cứu”, Phillip Evans, Phó chủ tịch công ty tư vấn Boston (BCG), cho hay.

 

Hiện tượng bùng nổ công nghệ trong thập niên 90 được ví với vụ nổ Big Bang. Vốn đầu tư mạo hiểm được rót xuống như mưa rào mùa hạ và các website mọc lên nhiều như nấm. Thế giới Internet dành cho giới nghiên cứu khoa học bỗng chốc thành nơi phục vụ những lợi ích rất bình dân như giải trí, thương mại điện tử và kết bạn online.

 

Mỗi website là một thành trì bao quanh bởi các bức tường và người sử dụng chuyển từ cổng này sang cổng khác để ngắm nghía và chọn lựa những gì họ muốn. Tuy nhiên, giống như một quả bóng căng bị xì hơi, cuộc khủng hoảng dotcom diễn ra khiến Web như bị bỏ hoang với nhiều khoảng không trống rỗng. Nhưng rồi những "ngôi sao" mới lại bắt đầu tỏa sáng với sự ra đời của xu hướng Web 2.0.

 

Mô hình kinh doanh mới ra đời

 

Dale Dougherty, một trong nhà tiên phong trong lĩnh vực Internet, là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ Web 2.0 khi bàn về mô hình kinh doanh và công nghệ tương tác người dùng kiểu mới, mở đường là những website như eBay và Amazon.com.

Nhờ những công nghệ như RSS và Atom (tương tự RSS), bất cứ ai cũng có thể đăng thông tin lên web. Blog và các ứng dụng wiki đang trở thành những cuốn sách điện tử để người sử dụng bày tỏ bản thân thuận tiện hơn bao giờ hết.

 

Dưới quan điểm kinh doanh, nội dung do người dùng cung cấp có hai lợi thế lớn: Chi phí phát triển và thay đổi thông tin trên website được giảm xuống mức tối thiểu còn người sử dụng thành trung gian quảng bá cho trang web. "Muốn thành công, không nhất thiết bạn phải có nhiều vốn với đội ngũ nhân viên hùng hậu. Craigslist chiếm thị phần lớn trên thị trường rao vặt, nhưng họ chỉ có 17 nhân viên", Evans nói.

 

Việc chia sẻ và phân loại nội dung trên Internet đã có từ lâu, nhưng tại sao các website khuyến khích sự tham gia của người sử dụng đến bây giờ mới thành công? Câu trả lời chính là băng thông Internet. "Những site như YouTube trước đây không thể hoạt động được. Mạng chia sẻ ngang hàng, podcast... cũng tồn tại lay lắt vì thiếu dịch vụ băng rộng", Evans giải thích. Tổ chức nghiên cứu Pew của Mỹ cho hay năm 2001, chỉ 5% người dân nước này có cơ hội kết nối Internet tốc độ cao, còn tỷ lệ này giờ đã tăng lên 42%.

 

Một số đại diện tiêu biểu

 

ThinkFree

 

Jonathan Crow, Giám đốc kinh doanh của ThinkFree.com, cho biết băng thông là chìa khóa thành công của họ. ThinkFree ra đời từ năm 1999 nhưng phải đến 2005 mới hấp dẫn người dùng. Trang web này cung cấp ứng dụng văn phòng giống Microsoft Office: tải file để làm ngay trên trình duyệt rồi lưu trên web hoặc download về máy tính và tương thích với Office.

 

"Chúng tôi ra phiên bản đầu tiên năm 2000 nhưng không khả thi, hay gặp trục trặc khi nhiều người cùng sử dụng một lúc. Người ta chỉ mất 30 giây để tải ứng dụng Java nếu kết nối băng thông rộng DSL, còn với đường quay số thì tốc độ chậm không thể tin nổi", Crow nhớ lại.

 

Bên cạnh vấn đề đường truyền, công nghệ cũng là yếu tố quan trọng của ThinkFree. Giống như nhiều website 2.0 khác, ThinkFree được phát triển trên tổ hợp công nghệ AJAX, giúp nâng cao tính tương tác giữa ứng dụng web và người sử dụng.

 

SalesForce

 

Cũng được thành lập năm 1999, Salesforce.com là một trong những công ty lâu năm nhất hoạt động trong lĩnh vực cho thuê ứng dụng. Nền tảng AppExchange của họ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ đăng ký sử dụng hàng trăm ứng dụng mà nếu mua trọn gói sẽ rất đắt đỏ. Hiện Salesforce đã thu hút khoảng 444.000 khách hàng.

 

Ứng dụng kết hợp

 

Một xu hướng Web 2.0 phổ biến hiện nay là mash-up, tức mọi người kết hợp các bộ dữ liệu khác nhau để tạo nên một dịch vụ hoặc sản phẩm mới. Nói đơn giản, mash-up tương tự việc người ta tách bài hát trong các album của các nghệ sỹ ở từng thời kỳ... để chọn ra những ca khúc mà họ hài lòng nhất.

 

Google Maps là nền tảng yêu thích của giới tạo mash-up, như xây dựng bản đồ chứa thông tin về tội phạm, về các hộ dân cư hoặc bản đồ thuế....

 

Web 3.0 và tương lai của Internet

 

Ngay khi xuất hiện Web 2.0, nhiều chuyên gia đã muốn tiến xa hơn để dự đoán về tương lai và sự tiến hóa của mạng toàn cầu. "Thế giới web luôn phát triển không có điểm dừng. Internet sẽ được hỗ trợ với mạng cảm ứng, các thiết bị di động phân vùng, chip dò tìm, nội dung chuyên biệt", chuyên gia phân tích David Cearley của hãng nghiên cứu Gartner nhận định.

 

Theo T.N.

VnExpress