"Giấc mơ Huawei" của Xiaomi

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Những gì từng thuộc về Huawei dường như đang mở ra với Xiaomi. Họ đứng trước cơ hội trở thành một trong những nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới.

Giấc mơ Huawei của Xiaomi - 1

Smartphone là một cuộc đua đầy khốc liệt và không khoan nhượng.

Nếu là một người am hiểu về công nghệ, ắt hẳn bạn từng chứng kiến những "ông lớn" như BlackBerry, HTC, Sony, LG,... lần lượt "vấp ngã", đánh rơi thị phần, và không thể gượng dậy.

Chúng ta cũng từng kỳ vọng rằng Huawei sẽ trở thành một đối trọng "cân tài cân sức" với Apple và Samsung, từ đó tạo ra cuộc đua "tam mã" đầy thú vị trong làng smartphone nói riêng, và cuộc đua trong lĩnh vực công nghệ nói chung.

Nhưng cuối cùng, Huawei cũng không thể làm nên điều kỳ diệu, khi phải đón nhận lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ chính phủ Mỹ.

Giờ đây, hơn bao giờ hết, Xiaomi mới là cái tên đứng trước cơ hội thực hiện "giấc mơ Huawei" của người Trung Quốc sau hơn 10 năm tăng trưởng ổn định, và lần đầu tiên dám bước lên phân khúc cao cấp, để cạnh tranh với những "gã khổng lồ" công nghệ hàng đầu.

Mi 11 Ultra là bước ngoặt của Xiaomi

Giấc mơ Huawei của Xiaomi - 2

Từ trước tới nay, có một thứ mà Xiaomi chưa hề động đến được, đó chính là phân khúc smartphone cao cấp.

Trên thực tế, thương hiệu Xiaomi vẫn luôn thành công nhất là khi gắn với loạt sản phẩm giá rẻ - tầm trung, với điểm nổi trội là cấu hình mạnh hơn so với các đối thủ.

Có vẻ như Xiaomi cũng khá hài lòng với vị trí này. Việc có được một tập người dùng lớn giúp họ không chỉ bán sản phẩm tốt hơn, mà còn có thể mở rộng hệ sinh thái sang các lĩnh vực khác như Smart Home, IoT, 5G,....

Tuy nhiên, một cơ hội lớn bất ngờ mở ra trước mắt Xiaomi.

Tháng 5/2019, Huawei bị Mỹ liệt vào danh sách thực thể. Một loạt những lệnh cấm, dẫn tới hệ lụy là "cái lắc đầu" từ đối tác đã khiến "gã khổng lồ" Huawei gặp khó khăn, và mất dần thứ hạng toàn cầu trong lĩnh vực smartphone.

Theo nhận định của các chuyên gia phân tích, thị phần của Huawei sẽ còn tiếp tục giảm trong tương lai. Và điều hiển nhiên là khi một người suy yếu, thì cơ hội sẽ thuộc về kẻ thứ 2.

Giấc mơ Huawei của Xiaomi - 3

Bằng cách ra mắt dòng flag-ship Mi 11 Ultra cao cấp cực kỳ ấn tượng mới đây, Xiaomi dường như muốn chiếm lấy tất cả "ánh hào quang" từng thuộc về đồng hương.

Không còn là những smartphone thuộc P series, Mate series nổi tiếng của Huawei, người dùng nay nhắc đến Mi 11 Ultra như là một trong những thiết bị có cấu hình mạnh mẽ nhất, nhiều tính năng nhất, chụp ảnh đẹp nhất. Đó là một sự thay thế không thể chối bỏ, như một quy luật khắc nghiệt của cuộc sống: Sự cạnh tranh.

Quan trọng hơn, Mi 11 Ultra có thể sẽ là "át chủ bài" giúp Xiaomi được đặt cùng mâm với Apple hay Samsung - vị trí mà trước đây chỉ có Huawei là nhà sản xuất smartphone Trung Quốc duy nhất có thể.

Triết lý "lợn bay"

Cách đây 10 năm, ít ai có thể tưởng tượng rằng Xiaomi sẽ có ngày trở thành một thương hiệu thành công. Đặc biệt khi trong triết lý của công ty, họ dường như quá nhún nhường, và không muốn tự nhận mình là "lớn" (xiaomi có nghĩa là "hạt gạo nhỏ").

Thế rồi qua thời gian, công ty công nghệ này của Trung Quốc "đập tan" mọi định kiến. Họ đã đi từ hai bàn tay trắng, cho tới danh hiệu startup công nghệ tư nhân có giá trị lớn nhất trên thế giới vào năm 2016.

Trong suốt nhiều năm, Xiaomi cũng đã tự xây dựng một cộng đồng lớn mạnh, có đóng góp không nhỏ trong doanh số bán hàng của công ty - thường được gọi là các "Mi Fan" (hay "tín đồ Xiaomi").

Giấc mơ Huawei của Xiaomi - 4

Vào ngày 24/3, Xiaomi công bố báo cáo tài chính năm 2020 với lợi nhuận cao kỷ lục. Trong đó, đáng chú ý là mức tăng doanh số bán hàng cực cao tại thị trường châu Âu - nơi mà Huawei từng là thương hiệu smartphone Trung Quốc được người dùng lựa chọn nhiều nhất.

Theo dữ liệu của IDC, thị phần của Xiaomi trên thị trường smartphone toàn cầu đã tăng lên 11,2% trong quý IV/2020, với tổng số smartphone xuất xưởng đạt 43,4 triệu chiếc. Những con số này giúp Xiaomi giữ vững vị trí thứ 3, chỉ sau Apple và Samsung.

Hiện Xiaomi đã có hơn 3.000 cửa hàng bán lẻ tại Trung Quốc, trong 3 tháng tính đến tháng 12. Con số này tăng hơn 1.000 cửa hàng so với quý trước đó.

Giải thích cho sự tăng trưởng chóng mặt của Xiaomi tại Trung Quốc nói riêng, và thị trường toàn cầu nói chung, CEO Lei Jun từng có một câu nói rất nổi tiếng:

"Ngay cả một con lợn cũng có thể bay nếu nó đứng ở trung tâm của một cơn lốc".

Câu nói hàm ý rằng nếu ở đúng nơi và đúng thời điểm, bạn có thể làm bất cứ điều gì.

Quả thực, Xiaomi đã dần chứng minh cho chúng ta thấy rằng triết lý của họ là đúng đắn; họ chính là những "con lợn bay", biết xuất hiện ở đúng chỗ và đúng thời điểm.

Trong một buổi phỏng vấn, CEO Lei Jun cũng tự hào nhắc lại câu nói yêu thích của mình - "The Buddha views a grain of rice with as much significance as Mount Meru" (Đức Phật xem một hạt gạo lớn như ngọn núi Meru), với ẩn ý rằng "hạt gạo" Xiaomi rồi cũng tới lúc chứng minh được năng lực và giá trị của bản thân.

Giấc mơ Huawei của Xiaomi - 5

Thành - bại vẫn còn là ẩn số

Nắm cơ hội trong tay, nhưng Xiaomi vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm cả rủi ro chính trị giống như Huawei. Trên thực tế, công ty đã bị liệt vào danh sách đen thương mại của chính phủ Mỹ vào tháng 1/2021.

Sự hiện diện của Xiaomi trong danh sách này sẽ ngăn cản các nhà đầu tư có trụ sở tại Mỹ đầu tư vào Xiaomi.

Tuy nhiên, điều may mắn là tính đến nay, nó chưa ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của Xiaomi, và không ngăn cản các công ty có trụ sở tại Mỹ bán thiết bị và vật liệu cho Xiaomi.

Đây được xem là một cơ sở đáng để Xiaomi kỳ vọng, rằng họ sẽ tránh được số phận tương tự như của Huawei, và sẽ có được một vị trí tốt hơn.