Game online tìm doanh thu từ “chơi miễn phí”

Theo các nhà cung cấp, không tính tiền giờ chơi và kinh doanh những dịch vụ giá trị gia tăng (GTGT) cho game online là biện pháp nhằm thích ứng với sự cạnh tranh ngày càng tăng của thị trường. Đây cũng là xu hướng chung của các nhà phát hành trên thế giới.

Nguồn thu cho nhà cung cấp game online có thể đến từ nhiều cách. Hầu hết các game online đầu tiên đều tiến hành cách thu phí theo thời gian chơi. Ngoài ra còn có nhiều kiểu khác như miễn phí giờ chơi để bán đồ trong game (Gunbound), bán bộ cài đặt client của game và không thu phí (Guild War) hoặc kết hợp các hình thức với nhau. Tuỳ theo thiết kế của game và thị trường nhắm tới mà nhà phát hành game lựa chọn hình thức phù hợp với mình. Ở Việt Nam, hai hình thức thu phí theo thời gian chơi và “miễn phí, bán đồ” là phổ biến nhất.

 

Năm 2005, hầu hết các game online tại Việt Nam thu phí người chơi khi chính thức thương mại hoá. Chỉ có Gunbound không thu phí thời gian chơi của game thủ mà dựa vào tiền thu được từ bán đồ vật. Một năm sau, hai game mới gia nhập làng game Việt Nam là Hiệp khách giang hồ và Con đường tơ lụa (Silkroad Online) tuyên bố sẽ “miễn phí mãi mãi”. PTV - Giành lại miền đất hứa cũng ngừng thu phí người chơi sau nửa năm chính thức thương mại hoá, đồng thời mở rộng thêm Siêu thị PTV để bán các mặt hàng là đồ vật trong game này. Mặc dù chưa có công bố chính thức, nhưng các game thủ cũng dự đoán trò chơi Audition mới ra mắt của VTC cũng sẽ đi theo xu hướng này. Số lượng game online miễn phí và thu phí có mặt trên thị trường hiện nay đã gần bằng nhau.

 

“Thị trường đang có sự chuyển dịch theo chiều hướng khó khăn hơn. Lượng game thủ gia tăng có hạn trong khi số lượng game được phát hành ngày càng nhiều”, ông Phạm Như Đức, Trưởng phòng marketing công ty Asiasoft, nhà cung cấp game miễn phí đầu tiên Gunbound tại Việt Nam, nói. “Kinh doanh nội dung trong game đang là xu hướng của các nhà phát hành game trên thế giới”.

 

Ông Đức cho biết có đến 90% trò chơi đang được cung cấp tại các thị trường lớn như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Singapore... đều không thu phí giờ của người chơi. Thay vào đó là họ kinh doanh những “mặt hàng” phục vụ cho quá trình chơi của game thủ. Hầu hết các món đồ được chia làm 3 loại. Thứ nhất là loại bổ trợ cho cuộc chiến, thường có chất lượng vượt trội hơn so với những đồ vật có tính năng tương tự trong game như sức công phá, độ phòng thủ hoặc tăng cường các kỹ năng đặc biệt khác. Thứ hai là những món đồ thời trang giúp nhân vật trông nghộ nghĩnh, đáng yêu, chủ yếu mang tính giải trí. Loại thứ ba có đặc tính được gộp lại từ 2 loại trên.

 

Điểm mạnh của phương pháp “chơi miễn phí” là tạo điều kiện phát triển rộng rãi cộng đồng gamer, yếu tố sống còn trên thị trường của game online. “Kinh doanh vật phẩm trong game giúp xoá bỏ rào cản về các phương thức tiếp cận và thu hút người chơi mới, dễ dàng xây dựng cộng đồng”, ông Trần Vinh, Giám đốc sản phẩm PTV, công ty FPT Telecom, nói. Từ khi PTV tuyên bố bỏ thu phí giờ chơi, lượng game thủ thường xuyên online trong game tăng lên đáng kể.

 

Theo ông Nguyễn Vĩnh Cường, Trưởng phòng game online công ty Quang Minh DEC đang tham gia phát hành game RYL II - Con đường đế vương tại Việt Nam, điều tra nghiên cứu của công ty tại thị trường Trung Quốc cho thấy việc bỏ phí giờ chơi giúp số người chơi mỗi game tăng lên từ 3 đến 5 lần. Cá biệt có trường hợp tăng lên đến 10 lần so với khi thu phí. Tuy vậy, Quang Minh DEC chưa chuyển đổi cách tính phí của RYL vì chưa hoàn thiện được chế độ bảo hộ cho game thủ. Đồng thời hệ thống tính phí của trò chơi này khá phức tạp, nếu chuyển hướng kinh doanh sẽ mất khá nhiều thời gian, tiền bạc, đồng thời ảnh hưởng đến các game thủ đang chơi.

 

“Nếu phát hành thêm một game mới, chúng tôi sẽ lựa chọn hình thức kinh doanh bán đồ trong game. Game thủ sẽ được chơi miễn phí và họ chỉ phải trả tiền khi nào họ muốn”, ông Cường nói.

 

Game thủ được lợi

 

Sự cạnh tranh trên thị trường khiến game thủ được lợi, có nhiều quyền chủ động cho việc giải trí của mình. Điều dễ thấy nhất là mỗi game được đưa vào thị trường là một sự lựa chọn mới cho người chơi. Ngay cả việc trả tiền cho cuộc chơi của mình cũng được chủ động hơn.

 

“Việc thu phí theo thời gian chơi chỉ phù hợp với những game thủ ổn định về kinh tế và thời gian”, ông Vũ Xuân Bách, cán bộ phụ trách marketing game Con đường tơ lụa, công ty VDC-Net2E, nói. Trong khi đó, phần lớn game thủ Việt Nam là học sinh, sinh viên, những người chưa thể chủ động về thu nhập của mình. Mặt khác, quỹ thời gian của họ lại bị chia cắt thành những khoảng thời gian dài vì học tập, thi cử...

 

Ngay khi được tin PTV bỏ tính phí thời gian chơi, nhiều gamer đã quay trở lại. Trên diễn đàn GameVN, game thủ có nick tuanha1310 tuyên bố sẽ rủ cả 30 đứa bạn cùng lớp tiếp tục chơi PTV khi game này miễn phí. Trước đây, cả nhóm đã lập một clan (bang hội trong game) nhưng vì bận thi cử, lại thêm tiền đóng phí không phải đều đặn được nên tan rã mất.

 

Đa phần ý kiến trao đổi về chủ đề thu phí trên Diễn đàn Game Thủ đều nghiêng về hình thức bán đồ. Ngoài việc dễ dàng tham gia trò chơi mới, hình thức thu phí như vậy cũng cho phép người chơi dừng lại bất cứ lúc nào mình muốn.

 

Mặc dù vậy, doanh thu từ những game miễn phí thường không cao hơn và không ổn định bằng game thu phí tháng. Nguyên nhân bởi số lượng người chơi thực sự không quyết định đến doanh thu. Hai yếu tố quyết định thành công của việc bán đồ trong game chính là tính hấp dẫn của trò chơi và những đồ vật đó tiện ích cho người chơi như thế nào khiến họ bỏ tiền ra mua.

 

Về mặt lý thuyết, bất cứ trò chơi trực tuyến nào cũng có thể chuyển sang dạng chơi “miễn phí, bán đồ”. Trên thực tế, trò chơi phải được thiết kế với mục tiêu ngay từ đầu là sẽ thu phí theo hình thức kinh doanh đồ ảo để xây dựng các tính năng của trò chơi phụ thuộc nhiều nhất vào việc mua các món đồ này. Game càng gần gũi, dễ chơi cành thiên về kiểu thu tiền qua bán đồ trong game. Trò chơi phải có sức thu hút một số lượng đông đảo người chơi để từ đó có thể có nhiều hơn các khách hàng tiềm năng sẵn sàng bỏ tiền mua các vật phẩm phụ trợ. Điều đó không có nghĩa là những game “chơi miễn phí” không hay bằng game thu phí. Hiện 3 game “miễn phí” tại Việt Nam là Hiệp khách giang hồ, PTVCon đường tơ lụa đều là những game có đồ hoạ 3D đẹp, nội dung hay và được ưa chuộng tại hầu khắp các nước châu Á. Các vật phẩm được bán phải đảm bảo game thủ đang thực sự cần và mong muốn có cho cuộc chơi của mình. Điều này đòi hỏi sự nhạy bén thị trường của đội ngũ marketing của nhà cung cấp, liên tục cập nhật món đồ được bán hấp dẫn game thủ.

 

Vấn đề pháp lý trong kinh doanh tài sản game

 

Cho đến nay, các cơ quan chức năng chưa có văn bản chính thức nào quản lý về vấn đề tài sản trong game. Tuy nhiên, theo quan điểm từ các nhà cung cấp thì khả năng có va chạm về pháp lý sẽ không lớn. Ông Trần Vinh cho biết, dựa trên tinh thần pháp luật Việt Nam, công dân có quyền làm những điều pháp luật không cấm. Hiện cũng không có điều nào cấm các công ty kinh doanh các vật phẩm trong game cả. Vì vậy không thể nói là việc kinh doanh các đồ vật này là không đúng về mặt pháp lý.

 

“Việc các nhà phát hành game bán đồ vật trong game cũng giống như các ISP bán địa chỉ e-mail cho người sử dụng. Tất cả đều được đo đếm thành byte và bit cả”, ông Vĩnh Cường, người đại diện đơn vị cung cấp RYL tại Việt Nam, khẳng định.

 

Chia sẻ quan điểm với các nhà cung cấp, luật sư Nguyễn Hoàn Thành, Văn phòng Luật sư Phạm & Liên danh, cho rằng vấn đề về luật pháp sẽ rất đơn giản nếu không coi những đồ vật trong game là tài sản.

 

“Những đồ vật trong game có thể coi là những thoả thuận điều kiện cung cấp dịch vụ giữa nhà cung cấp dịch vụ và game thủ. Những tranh chấp khi giao dịch có thể giải quyết dựa trên cơ sở quan hệ dân sự bình thường”, luật sư Thành nói.

 

Theo ông Thành, vấn đề này vẫn còn đang được các cơ quan quản lý xem xét, nghiên cứu nên chưa thể kết luận vội vàng. Ông cũng nhấn mạnh vào những đặc thù của loại đồ vật này, theo đó các nhà cung cấp phải niêm yết cụ thể các điều kiện sử dụng. Đồng thời, cần phân định rõ việc bán đồ trong game kiếm tiền khác hoàn toàn với cố tình tạo các đồ vật được game thủ ưa chuộng trong game để bán kiếm lời. Những hành vi trục lợi như vậy đã bị nghiêm cấm trong quy định của Thông tư liên tịch quản lý trò chơi trực tuyến mới ban hành.

 

Theo Game Thủ.net