Game nhập vai đắt khách, game thi đấu... “chợ chiều”?

Trước cơn lốc Võ lâm truyền kỳ, MU online..., hệ thống game thi đấu vốn có bề dày phát triển trên thế giới, được coi là một môn thể thao điện tử (e-sport) vô tình lại khá nhạt nhòa ở Việt Nam.

Nhắc đến game online, nhiều người sẽ dẫn ngay ra hàng loạt game trực tuyến thuộc thể loại nhập vai nhiều người chơi (MMORPG) mà quên đi còn rất nhiều thể loại khác như game chiến thuật, game hành động, game thể thao, game phiêu lưu, kinh dị...

Hâm nóng game thi đấu bằng các giải đấu 

Sức hấp dẫn của game thi đấu chính là tính đối kháng và trình độ tổ chức cuộc chơi, chứ không phải cứ bỏ nhiều thơi gian “cày level” để lên đẳng cấp như game nhập vai trực tuyến.

 

Sức hút và tính hấp dẫn của game thi đấu thì khó ai có thể bàn cãi khi nó đã được phổ biến trên toàn thế giới, nhiều game đã trở thành “ngôn ngữ trò chơi” chung trên toàn cầu, trong khi game nhập vài hầu như chỉ phổ biến theo từng khu vực. Tất nhiên, game thi đấu cũng kén người chơi hơn so với game nhập vai trực tuyến. Và có lẽ đây là một trong những lý do khiến lâu nay game thi đấu không quá ồn ào trong thị trường giải trí điện tử ở Việt Nam.

 

Hiện nay, những người gắn bó, am hiểu game thi đấu đang muốn tìm kiếm chỗ đứng xứng đáng của thể loại này tại Việt Nam, cho dù những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng với Võ lâm truyền kỳ, MU, PTV, Risk your life.. còn chưa hết “sốt” . Không ít game thủ lạc quan dự báo, khi “cơn bão” game nhập vai qua đi thì sẽ là sự “lên ngôi” của game thi đấu.

 

Các hoạt động của game thi đấu mang nghĩa là những giải đấu thể thao trên máy tính đang được tổ chức ngày càng nhiều, với quy mô lớn được coi như đòn bẩy để nâng lên vị trí của game thi đấu tại Việt Nam. Các sân chơi này tuy chưa nhiều nhưng đã được tổ chức khá công phu mà với game nhập vai trực tuyến có mơ cũng không thấy.

 

Ngoài World Cyber Games (WCG), WEG (World e-Sports Games) là sàn thi đấu đã được biết tới tại Việt Nam từ nhiều năm nay, có quy mô trên toàn quốc, nằm trong hệ thống giải đấu toàn cầu thì từ năm 2006 đã xuất hiện thêm giải đấu ESWC Việt Nam 2006 (Electronic Sports World Cup - Cúp thể thao điện tử toàn cầu) để lựa chọn cao thủ tham gia vòng chung kết ESWC thế giới tại Bercy - Pháp vào cuối tháng 6/2006, đầu tháng 7.

 

ESWC được tổ chức thường niên mỗi năm một lần, thu hút khoảng 400 ngàn game thủ của 50 quốc gia tham gia. ESWC 2006 có game thủ của 54 nước tham gia với tổng giải thưởng 400 ngàn USD cho 7 game thi đấu chính thức. Giải đấu đầu tiên đã diễn ra tại Việt Nam và chọn được game thủ đi thi đấu tại Paris tại Lễ trao giải VietGames 2006. Hai game Warcraft III mà các game thủ thi đấu là The Frozen Throne và Pro Evolution Soccer 5.

 

Rõ ràng không phải ngẫu nhiên mà ZION - một công ty tư nhân lại đứng ra tổ chức giải đấu ESWC tại VN. Và tới đây, NetChùa sẽ là công ty tiếp theo nhắm đến game thi đấu với giải GameCup. Giải đấu này của NetChùa sẽ khởi động vào 28 và 29/6 tới để hưởng ứng World Cup 2006, với game thi đấu là phiên bản mới nhất của game FIFA 2006. 32 đội chơi là tên 32 đội bóng lọt vào World Cup năm nay. Theo thông tin từ Công ty này, một giải đấu chính thức với quy mô toàn quốc sẽ diễn ra vào 20/8 tới với sự tham gia của nhiều đối tác lớn và các game thủ thi đấu trên ba game: FIFA, StarCraft và WarCraft.

 

Theo ông Bùi Minh Phương, Giám đốc Công ty ZION, nếu như WCG xuất phát từ Hàn Quốc và là giải đấu chủ yếu của các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, thì ESWC là giải đấu do các game thủ khối EU thống trị.

 

Trong thời gian này, giải đấu World Cyber Game 2006 đang hâm nóng nhiều diễn đàn game. Vòng chung kết quốc gia của WCG năm nay dự kiến sẽ diễn ra tại TPHCM vào đầu tháng 8 tới, chung kết toàn cầu vào giữa tháng 10 tại F1 Autodromo, Monza, Italy. Để hưởng ứng cho giải đấu này thì trong dịp hè đang tới, để khích lệ phong cách chơi game lành mạnh, chuyên nghiệp của game thủ, hệ thống giải đấu Vietstarcraft Star League (Viết tắt là VSL) tổ chức giải đấu VSL Summer 2006 vào tháng 6 này. Theo BTC, sau 2 giải đấu là VSL X-Mas Cup, VSL Spring Cup và Showmatch VSL King Of Viet, đây là giải đấu thứ 3 trong hệ thống VSL và sẽ là “giải đấu đánh dấu sự phát triển vượt bậc của Starcraft Việt Nam trong 2 năm qua”.

 

Game thủ sẽ quyết định sự vươn lên của game thi đấu

 

Hiện tại ở Việt Nam game thi đấu chưa thực sự được coi trọng như một môn thể thao điện tử, thị trường này lâu này vẫn bị bỏ ngỏ. Cộng đồng chơi game này chỉ bằng khoảng 1/3 so với những người chơi đang cần mẫn “cày cuốc” với MMORPG.

 

Việc các đơn vị tư nhân bắt đầu nhảy vào khai thác lãnh địa này đang là một dấu hiệu của việc muốn đưa thể loại game này nở rộ trên thị trường giải trí trực tuyến. Con số các doanh nghiệp nhòm ngó thị trường này dự báo sẽ không chỉ dừng lại ở NetChùa hay ZION...

 

Nói về thị trường và loại hình game thi đấu, ông chủ của hệ thống CyberGame NetChùa Nguyễn Duy Cường, cho biết: “Khoảng 2 năm trở lại đây, game online được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam, nhưng nhắc đến game thì đó lại là MU, là Võ lâm truyền kỳ... mà nhiều người quên mất game thi đấu đã vào Việt Nam trước đó rất lâu.

 

Theo khảo sát của chúng tôi, có khoảng 30% người chơi game hiện nay không muốn phụ thuộc vào game, chỉ có nhu cầu chơi game 1, 2 tiếng mỗi ngày. Họ muốn qua game để nâng cao kỹ năng chứ không phải để luyện level. Giải đấu chúng tôi tổ chức chính là để thúc đẩy sự phát triển game thi đấu tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu chơi game nâng cao kỹ năng và game thủ Việt có thêm nhiều cơ hội cọ sát trước khi đến với các sân chơi mang tính quốc tế”.

 

Trên thế giới, game thi đấu đã có chỗ đứng vững chắc, đặc biệt là có các giải đấu chuyên nghiệp tôn vinh các game thủ trên sân chơi e-sport, còn tại Việt Nam, sức phát triển của loại hình này chưa cao do nguyên nhân chính được đưa ra là chúng ta chưa có cộng đồng game thi đấu thực sự mạnh. 

 

Ông Bùi Minh Phương nhận định: “Xếp hạng của VN trong các giải đấu game quốc tế còn rất thấp. Điều này không hoàn toàn nằm ở trình độ. Game thủ VN có kỹ thuật chơi khá tốt, nhất là ở một số game như Starcraft, Warcraft... nhưng còn thiếu tính chiến thuật và sự chuyên nghiệp trong thi đấu. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta thiếu tính chuyên nghiệp trong tập luyện. Quan trọng hơn, các game thủ thiếu sự cọ xát cần thiết qua các giải đấu quốc tế”.

 

Thực tế là tại Đại hội thể thao điện tử WCG 2005 tại Singapore, đoàn Việt Nam gồm 8 game thủ, tham gia tranh tài 3 game: FIFA Soccer 2005, WarCraft III và StarCraft, thành tích cao nhất chỉ là lọt vào vòng 1/16 với game FIFA Soccer 2005.

 

Như vậy, phải có sự hưởng ứng của game thủ mới mong loại hình thể thao này có động lực, nền móng để tiến tới xây dựng được đội hình mạnh. Chính nhu cầu đến với các loại hình giải trí điện tử đang gia tăng mạnh như hiện nay sẽ thúc đẩy việc hình thành cộng đồng người chơi game thi đấu chuyên nghiệp, am hiểu hơn, chứ không phải để game thi đấu tại Việt Nam rơi vào cảnh “chợ chiều”. 

 

Một số người quan sát thị trường game tại Việt Nam đã đưa ra nhận định đáng lưu ý: những năm tới, game trực tuyến nhập vai có thể chưa bão hòa khi vẫn tiếp tục có nhiều game hay được nhập khẩu vào Việt Nam; nhưng nhắc đến game thì hẳn sẽ không thể thiếu sự phổ biến của game thi đấu, game trên điện thoại di động...

 

Theo B.D

VietNamNet