Game di động: Khó khăn vẫn còn đó!

(Dân trí) - Mặc dù ngành công nghiệp game di động đã được dự báo sẽ tạo nên một cuộc cách mạng với hơn 1 tỷ điện thoại di động trên khắp thế giới đều có thể chơi game. Thế nhưng, thực tế, game di động vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức.

Chris Deering - Cựu GĐ Sony châu Âu - từng đánh giá ngành công nghiệp game di động giống như một “con rồng lớn”. Các công ty khảo sát trên thị trường cũng từng nhận định, thị trường béo bở này sẽ sớm đạt mức 18 tỷ USD. Tuy nhiên, một báo cáo mới đây của công ty Informa Telecoms and Media cho rằng, doanh thu của game di động sẽ chỉ tăng hơn 5 tỷ USD-7 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.

 

Mặc dù, giới phân tích tỏ ra lạc quan và dự báo một tương lai sáng sủa cho ngành công nghiệp game cho ĐTDĐ nhưng thực tế, các nhà phát triển trò chơi đang phải chật vật với những bài toán khó trên thiết bị liên lạc cầm tay.

 

Robert Tercek, một diễn giả tại Diễn đàn các nhà phát triển game (GDC) tổ chức ở San Francisco, Mỹ, tuần trước, đã nói, việc phát hành các nội dung game di động đang rơi vào tình trạng bế tắc.

 

Theo ông, các đầu game console có tuổi thọ trung bình lên tới 5-6 năm, các nhà phát triển game có nhiều thời gian để sản xuất thêm các trò chơi mới. Trong khi đó, kiểu dáng và công nghệ di động lại liên tục phát triển, khiến các công ty gặp nhiều áp lực trong việc viết chương trình game cho thị trường thay đổi không ngừng này.

 

Mặc dù đã có hàng nghìn game dành riêng cho ĐTDĐ nhưng chưa có trò chơi nào tương thích với tất cả các mẫu máy. Điều này làm hạn chế sự lựa chọn của các game thủ. Đây cũng chính là vấn đề gây đau đầu cho các nhà phát triển, bởi các trò chơi đều phải có thể chạy trên hàng trăm điện thoại khác nhau vốn sử dụng rất nhiều nền tảng, từ Java cho đến Windows Mobile, Brew và Symbian S60.

 

Thor Gunnarsson, Phó chủ tịch của công ty phát triển game di động Ideaworks 3D, cho biết, trước đây, ngành công nghiệp này đã từng thực hiện một “chiến lược táo bạo” để khắc phục khó khăn trên. Nhưng không đạt được hiệu quả và không mang lại nhiều lợi nhuận.

 

Trước những khó khăn trên, các nhà phát triển game đang tính đến phương án khắc phục bằng cách sản xuất các trò chơi “lai”, vừa kết hợp thế giới ảo và tương tác của game 3D cao cấp với trò chơi có cơ chế đơn giản, dễ kiểm soát. Phiên bản Final Fantasy VII dành cho mobile của Ideaworks3D được thiết kế tương tự như game PlayStation 2 (PS2) với tính đồ họa cao và khả năng hoạt động tốt, đồng thời cũng được trang bị thêm các phím điều khiển cho phép người chơi thực hiện bằng một tay.

 

Khó khăn là vậy nhưng, game di động vẫn chờ đợi sự xuất hiện của một trò chơi “hủy diệt” để có thể khẳng định một chỗ đứng cho mobile game. Game dành cho nhiều người chơi được dự báo sẽ phát triển trong tương lai.

 

“Trong tương lai, chúng ta sẽ được chứng kiến các cộng đồng di động kết nối, giống như với thế giới console. Chỉ có điều, thế giới game di động sẽ được bổ trợ thêm bằng những chiếc điện thoại có camera và microphone tích hợp”, Chris White, GĐ khu vực châu Âu của Glu Mobile, nhấn mạnh.

 

Một số nhà phát triển còn tìm cách cải tiến cho game di động bằng cách tạo ra những trò chơi đa nền tảng (cross-platform) với hai phiên bản di động và trực tuyến. Nhờ đó, các game thủ chơi game trực tuyến có thể chơi cùng với các đối thủ chơi trên ĐTDĐ. Tuy nhiên, vấn đề thách thức là về giá cước.

 

Theo giới phân tích, để đạt được doanh thu như mức dự đoán, các nhà cung cấp dịch vụ và các công ty phát triển phải cùng bắt tay để mở rộng nguồn thu. Hiện tại, Nhật Bản, thị trường game di động sôi động nhất trên thế giới, đang triển khai hình thức thu phí dịch vụ theo thuê bao.

 

Dù thu phí theo cách nào đi nữa, ngành công nghiệp game di động sẽ cần phải tìm cách phát triển để mở rộng đối tượng người chơi nhằm đạt được doanh thu dự báo.

 

S.H.

Theo BBC