FPT Retail gia nhập cuộc đua mạng di động ảo

Thế Anh

(Dân trí) - Ngày 11/1, FPT Retail đã công bố cung cấp mạng di động ảo FPT (MVNO) trên phạm vi toàn quốc với đầu số 0775.

FPT Retail cho biết đơn vị này đã được cấp phép để cung cấp dịch vụ viễn thông trên toàn quốc vào ngày 30/05/2023. Khác với các nhà mạng truyền thống, mạng di động ảo FPT không sở hữu hạ tầng mạng vô tuyến mà sẽ hợp tác sử dụng hạ tầng của nhà mạng MobiFone để cung cấp các dịch vụ.

FPT Retail gia nhập cuộc đua mạng di động ảo - 1

Mạng di động ảo FPT không sở hữu hạ tầng mạng vô tuyến mà sẽ hợp tác sử dụng hạ tầng của nhà mạng MobiFone (Ảnh: FPT Reteil).

Thông thường, thời gian triển khai hệ thống kỹ thuật cho một nhà mạng MVNO mới sẽ mất 12-15 tháng. Tuy vậy, FPT Retail cho biết chỉ trong vòng 6 tháng kể từ khi được cấp phép chính thức, đơn vị này đã hoàn tất quá trình đầu tư hệ thống phần cứng cũng như phần mềm để triển khai dịch vụ.

Với sự xuất hiện của mạng di động FPT, FPT Retail kỳ vọng sẽ kết hợp được lợi thế của các đơn vị trong cùng tập đoàn để có được hiệu quả cộng hưởng như phát triển nhóm khách hàng doanh nghiệp, khách hàng hộ gia đình (kết hợp Internet, truyền hình), khách hàng sử dụng các dịch vụ IoT, M2M.

Việc triển khai dịch vụ viễn thông sẽ góp phần tăng thêm tiện ích cho khách hàng, là một kênh duy trì kết nối giữa FPT Retail và khách hàng, từ đó tăng tỷ lệ khách hàng quay lại. Điều này cũng giúp hỗ trợ hiệu quả trong chuỗi giá trị của toàn hệ thống.

"Chúng tôi sẽ tích hợp các dịch vụ, tiện ích, nội dung trong hệ sinh thái FPT và các đối tác để khách hàng sử dụng thuận lợi các dịch vụ và khai thác hiệu quả các gói cước đã lựa chọn", ông Hoàng Trung Kiên, Tổng Giám đốc FPT Retail, chia sẻ.

Nằm trong quy mô và định hướng phát triển toàn diện, FPT Retail cho biết dịch vụ viễn thông do đơn vị triển khai sẽ là một mảnh ghép giúp hoàn thiện hệ sinh thái số của tập đoàn FPT, hướng tới ứng dụng các công nghệ mới như 5G, IoT,…

FPT Retail gia nhập cuộc đua mạng di động ảo - 2

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, chia sẻ về mạng di động ảo tại họp báo ngày 8/8 (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Đến thời điểm hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã cấp phép cho 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng di động ảo tại Việt Nam, bao gồm Đông Dương Telecom, Mobicast, ASIM, VNSky và FPT Retail.

Số liệu của Cục Viễn thông cho biết, tính đến tháng 4/2023, chỉ có khoảng 2,65 triệu thuê bao thuộc về các MVNO tại Việt Nam, chiếm 2,1% tổng số thuê bao toàn thị trường di động. Con số này là rất khiêm tốn nếu nhìn ra quy mô thị trường mạng ảo trên thế giới.

Theo số liệu của Global Market Insights, tổng doanh thu của thị trường viễn thông ảo trên toàn thế giới đang ở mức 65 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng lên đến 9%/năm.

Tại cuộc họp diễn ra vào đầu tháng 8, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), cho biết để thúc đẩy phát triển, nhà mạng ảo nên hướng đến thị trường ngách mà nhà mạng lớn không thể chạm đến, từ đó tìm một dịch vụ thực sự mang lại lợi ích cho người dùng.