Flappy Bird và một số sai lầm của Hà Đông

(Dân trí) - Chiếm tối thiểu thời gian của người chơi, đồ họa đơn giản, lối chơi dễ tiếp cận và nhưng lại đầy thách thức của Flappy Bird khiến cho người ta bực bội vì phải vất vả chinh phục cái tưởng chừng như dễ ăn, nhưng chính sự bực bội đấy lại khiến nhiều người không thể nào rời bỏ nó.

Flappy Bird và một số sai lầm của Hà Đông

Flappy Bird đã chính thức bị gỡ bỏ khỏi các gian hàng App Store và Google Play, liệu đây có phải là sai lầm của Nguyễn Hà Đông?

 
Sự phối hợp hoàn hảo một cách không tình cờ này cho thấy Flappy Bird là một thành công không chỉ đến từ may mắn của Nguyễn Hà Đông, anh ta đã thật sự thể hiện được mình có vài kỹ năng làm game.

 

Tuy vậy, trong bài viết này tôi muốn tập trung vào một số sai lầm của Hà Đông trong việc tận dụng cơ hội trời cho này.

 

1. Lảng tránh sự nổi tiếng

 

Một khi game đã lên top 1 các store của Apple và Android thì chẳng còn cách nào để lảng tránh sự nổi tiếng, và một khi đã chính thức trả lời phỏng vấn của Techcrunch, The Verge... thì chẳng còn cách nào để tránh được cho câu chuyện Flappy Bird trở thành tâm điểm khai thác của truyền thông, cũng như sự để ý của xã hội. Những lời khen ngợi, tung hô, tâng bốc tất nhiên sẽ đến ồ ạt và với thành công của mình Hà Đông hoàn toàn có quyền sung sướng và tự hào. Nhưng như một câu ngạn ngữ đã nói "nhấc một đầu gậy lên thì đầu kia cũng được nhấc lên", khi thành công đến thì không chỉ có hoa hồng, đến với nó còn là sự nghi kỵ (liệu Hà Đông có thật sự giỏi không, hay chỉ là ăn may?), chê bai (game này ăn cắp những gì ở đâu?), soi mói (đóng thuế chưa hay là trốn thuế?), ghen tức (Rồi sẽ bị Nitendo kiện bản quyền, cho chết).

 

Dù Hà Đông có cố gắng tới đâu, cũng không có cách nào để tránh được những điều khó chịu đến cùng với thành công. Ở trong tâm điểm chú ý của báo chí và xã hội mà cành tránh đối diện với các nghi vấn bản quyền, đóng thuế, trình độ thì càng tạo ra các lời đồn đại và hồ nghi. Càng hạn chế trả lời báo chí lại càng tạo điều kiện cho họ giật tít bậy bạ kiểu "trả trăm triệu tôi cũng không bán" từ đó tạo ra các ác cảm không đáng có trong xã hội. Bằng việc lảng tránh Hà Đông đã không chỉ bỏ mất việc gửi ra các hình ảnh tốt của mình cho xã hội mà còn tự tước đi vũ khí của mình trong việc hoặc phá hủy các ác cảm bằng việc bác bỏ và cải chính các tin đồn bậy bạ.

 

Có lẽ điều tốt nhất mà Hà Đông nên làm là đối diện với sự nổi tiếng đó, thể hiện sự sung sướng và tự hào của mình với các thành quả đạt được, lắng nghe các lời bình phẩm, chỉ trích và phản hồi nó để xóa tan đi các nghi ngờ, tìm cách biến những người hồ nghi thành người ủng hộ. Làm được điều này không dễ, thậm chí có thể nói là cực khó với một người chưa nhiều kinh nghiệm như Hà Đông, trong một xã hội đầy rẫy người thích ném đá, mở miệng không cẩn thận là sẽ bị moi mãi và tìm cách dìm hàng, nhưng tôi tin rằng bằng thái độ chân thành, thẳng thắn, tiếp thu, bằng sức trẻ nhiệt tình (chứ không phải dùng mưu mẹo, chiêu trò) thì Hà Đông sẽ chinh phục được cả những người khó tính nhất

 

2. Không phản hồi vụ bản quyền và đóng thuế

 

Việc không trả lời các bàn tán về thuế thu nhập và bản quyền của Nitendo sẽ làm nẩy sinh các nghi ngờ và tạo ra cơ sở cho các bình phẩm dạng như "chắc phải có gì đen tối nên mới không dám trả lời đàng hoàng". Cách tốt để dẹp đi các ổ phục kích kiểu đó là trả lời thẳng thắn, đàng hoàng.

 

Với việc thuế thu nhập, Hà Đông có thể nói "tôi sẽ khai thuế và đóng thuế theo đúng luật định, do hiểu biết của tôi về thuế còn non nớt nên tôi sẽ nhờ các chuyên gia của cục thuế, hoặc các chuyên gia bên ngoài để đóng thuế ở mức có lợi nhất", bằng cách đó Hà Đông đã gửi ra ngoài 3 thông điệp (1) tôi là một công dân tốt, tôi sẵn sàng đóng thuế đàng hoàng, (2) tôi không hiểu biết gì về thuế, tôi cần sự giúp đỡ, nếu có gì sai, tôi cần được thông cảm, (3) như một người bình thường, tôi muốn số tiền phải đóng có lợi nhất. Với các thông điệp thẳng thắn này Hà Đông có thể đạt được sự tin cậy, thiện cảm và đồng cảm của xã hội, thậm chí sẽ tạo ra những người giúp đỡ và ủng hộ nếu gặp khó khăn gì.

 

Trong vụ bản quyền Nitendo, Hà Đông có thể nói "hiện tôi chưa nhận được ý kiến nào của Nitendo, nhưng nếu Nitendo liên hệ về bản quyền, tôi tin rằng hai bên sẽ đạt được các thỏa thuận hợp lý về bản quyền", bằng cách này Hà Đông sẽ gửi ra ngoài 3 thông điệp (1) việc bản quyền là việc giữa cá nhân tôi và Nitendo, khi họ hoặc tôi chưa có ý kiến thì các bạn cũng chưa nên có ý kiến gì,  (2) thời điểm này Nitendo chưa liên hệ, có nghĩa là chắc gì họ đã quan tâm đòi bản quyền, (3) nếu Nitendo liên hệ, tôi sẵn sàng giải quyết câu chuyện một cách văn minh. Ba thông điệp này sẽ khiến mọi người nhìn nhận Hà Đông như một người nghiêm túc và có ứng xử văn minh. Và khi Hà Đông đã hành động một cách văn minh thì Nitendo chẳng có cách nào ngoài cách ứng xử văn minh, điều lớn nhất họ có thể làm được là đòi Hà Đông một khoản tiền, mà khoản đó lại quá nhỏ để một công ty như vậy tự làm xấu mặt mình bằng một vụ kiện với Hà Đông.

 

3. Quyết định gỡ bỏ game

 

Trong lĩnh vực làm game, để lặp lại một thành công thường rất khó, ít ai có được nhiều game thành công. Với các game đơn giản như Flappy Bird, điều này lại càng khó hơn, vì để tìm ra một chỗ đứng mới với một khác biệt rõ ràng mà vẫn duy trì được hấp dẫn cũ là điều quá khó. Nói như vậy có nghĩa là nếu Hà Đông dự định phát triển tiếp được một game khác thì để nó thành công được như Flappy Bird là điều cực kỳ khó khăn. Việc sử dụng thương hiệu cá nhân, thương hiệu game cũ cũng không hề đơn giản, Internet dễ nổi nhưng cũng chóng quên, ngày hôm nay ai cũng nói về bạn, ngày mai đã chẳng còn ai nhớ tới bạn. Duy trì và tận dụng thành công của Flappy Bird để phát triển vẫn là điều dễ dàng và tự nhiên hơn.

 

Việc đóng Flappy Bird cùng với thông tin gửi ra khá mù mờ khiến cho Hà Đông được nhắc tới lần nữa, nhưng cùng với cảm giác "khó đoán trước", thậm chí phải đối mặt với chỉ trích là "kém tin cậy, hành động tùy tiện", điều này chắc chắn bất lợi cho Hà Đông trong việc sử dụng tên tuổi, thương hiệu của mình trong việc phát triển game tiếp theo. Và nếu Hà Đông vượt qua được sức ép, nhận thấy việc đóng game là chưa hợp lý, muốn mở lại game hoặc nâng cấp lên phiên bản mới thì việc này sẽ khó thực hiện và kém hiệu quả hơn. Vì khi bạn đã tuyên bố đóng rồi lại mở lại thì cảm giác kém tin cậy lại càng được củng cố thêm, nhiều nghi ngờ về chiêu trò marketing sẽ khiến sự ủng hộ giảm sút.

 

Thật là tiếc vì Hà Đông đã không vượt qua được sức ép để tiếp tục duy trì Flappy Bird. Quyết định gỡ bỏ game có vẻ được đưa ra hơi vội vàng và khiến cho các bước đi tiếp theo của Hà Đông bị hạn chế hơn rất nhiều.

 

4. Có thể Hà Đông đã hoàn toàn hợp lý

 

Những gì tôi viết với một giả định là Hà Đông muốn tiếp tục phát triển thành công của mình thành cái gì đó lớn hơn như mở một game khác, thành lập công ty, v.v.., tôi cũng viết bằng một suy nghĩ của một người từng trải, luôn sẵn sàng chiến đấu và đối mặt, luôn muốn tận dụng một thành công để làm tiếp thứ lớn hơn. Tuy nhiên, Hà Đông có thể chỉ là một cậu bé, chưa sẵn sàng đối mặt với dư luận, hoặc là một con người không muốn cuộc sống tươi đẹp bình dị của mình bị phá vỡ bởi sự nổi tiếng, bởi áp lực, bởi tiền bạc thì tất cả các lập luận của tôi tự dưng trở nên sai, bởi những điều Hà Đông đã làm là hoàn toàn hợp lý và phù hợp với con người cậu ta :)

 

Nguyễn Thế Tân