1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Facebook bắt đầu tính chuyện “kiếm tiền” trên Messenger

(Dân trí) - Hôm nay mạng xã hội lớn nhất hành tinh đã bắt đầu thử nghiệm tích hợp quảng cáo trên ứng dụng nhắn tin di động Messenger của mình.


Phần quảng cáo trên Messenger chắc hẳn sẽ không làm nhiều người hài lòng.

Phần quảng cáo trên Messenger chắc hẳn sẽ không làm nhiều người hài lòng.

Facebook cho biết hãng sẽ thực hiện thử nghiệm ở một nhóm nhỏ người dùng ở Úc và Thái Lan. Dịch vụ kiếm tiền trên Messenger sẽ cho phép các doanh nghiệp đặt quảng cáo trên màn hình chính của Messenger. Quảng cáo được kính kèm hình ảnh thu nhỏ cùng với nội dung và một đường link. Những đoạn quảng cáo này xuất hiện ở dưới phần các đoạn chat mới đây, Facebook cho hay.

Theo trang Techcrunch, hiện tại phần quảng cáo chiếm một phần lớn không gian trên màn hình chính của Messenger, ở phía dưới của mục Yêu thích (Favorites) và trên phần Đang hoạt động (Active Now). Với phần quảng cáo này, người dùng sẽ phải cuộn qua đoạn banner quảng cáo khá lớn để sử dụng các tính năng khác trên Messenger.

Tuy nhiên, Facebook hứa sẽ không cho xuất hiện quảng cáo trên phần hội thoại nếu người dùng không click vào quảng cáo hay chat cùng với doanh nghiệp.

“Các doanh nghiệp từ lâu đã nói với chúng tôi rằng họ rất hài lòng với tiềm năng trên Messenger để tiếp cận với người tiêu dùng và giúp họ tăng doanh số, tăng nhận thức về thương hiệu và tăng sự hài lòng của khách hàng”, Eddie Zhang, Giám đốc sản phẩm của Facebook, chia sẻ trong tuyên bố thực hiện thử nghiệm quảng cáo mới.

Facebook đang khai thác hiệu quả hoạt động quảng cáo trên giao diện News Feed của mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Hãng này cho biết mỗi tháng có tới 1 tỷ tin nhắn người dùng gửi tới các doanh nghiệp bán hàng trên Facebook. Tuy nhiên điều này không có nghĩa người dùng muốn đưa quảng cáo lên Messenger. Messenger hiện tại là ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất với hơn 1 tỷ người dùng hàng tháng thì việc khai thác quảng cáo trong dịch vụ này sẽ giúp hãng này thu về bộn tiền trong thời gian tới.

Khôi Linh

Theo TechCrunch