Elon Musk tiếp tục bị nhân viên cũ khởi kiện vì lý do khó ngờ

T.Thủy

(Dân trí) - Không lâu sau khi bị 8 nhân viên cũ khởi kiện với cáo buộc lạm dụng tình dục, tỷ phú công nghệ Elon Musk tiếp tục gặp rắc rối về mặt pháp lý với một nhân viên cũ khác.

Lindsay Short, cựu nhân viên làm việc tại công ty khởi nghiệp Neuralink do Elon Musk thành lập, đã gửi đơn lên tòa án bang California để khởi kiện ông chủ và công ty cũ, với cáo buộc "Elon Musk trả thù cá nhân, sa thải nhân viên sai quy định và phân biệt đối xử dựa trên giới tính của nhân viên".

Theo nội dung đơn kiện, Lindsay Short bắt đầu làm việc tại Neuralink vào tháng 8/2022 trong vai trò chuyên gia chăm sóc động vật.

Khi Short được chuyển đến văn phòng của Neuralink tại thành phố Fremont, bang California, cô đã phải làm việc trong "môi trường đầy rẫy sự thù địch, các nhân viên bị xúc phạm, sỉ nhục nếu không thể hoàn thành công việc đúng thời hạn".

Elon Musk tiếp tục bị nhân viên cũ khởi kiện vì lý do khó ngờ - 1

Khỉ trong phòng thí nghiệm của Neuralink sau khi đã được cấy ghép chip não (Ảnh: Neuralink).

Short cho biết tại công ty, cô đã phải làm việc với những con khỉ, là mẫu vật để thử nghiệm cấy ghép chip não của Neuralink. Tuy nhiên, Short không được cung cấp các thiết bị bảo hộ phù hợp để làm việc với những con khỉ này.

Trong đơn kiện, Short tố mình đã bị bắt buộc làm những công việc không quen thuộc và không phù hợp với chuyên môn, dẫn đến sự cố cô bị một con khỉ cào vào mặt. Short sau đó gặp một sự cố khác trong lúc đang làm việc với những con khỉ, khi cô bị một con khỉ cào chảy máu tay.

Khi Short yêu cầu được chăm sóc y tế, quản lý của Short đã không đáp ứng yêu cầu, mà còn đe dọa Short rằng cô sẽ phải chịu "hậu quả nghiêm trọng" nếu để sự cố xảy ra thêm một lần nữa.

Đáng chú ý, những con khỉ tấn công Short được xác định mang virus Herpes B, là loại virus gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh của linh trưởng, bao gồm cả con người.

Virus Herpes B lây truyền qua tiếp xúc với nước bọt hoặc dịch cơ thể của động vật bị nhiễm bệnh, thường xảy ra do bị động vật nhiễm bệnh cào, cắn… Nhiễm virus Herpes B ở người có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Trong đơn kiện gửi lên tòa án, Short cũng cáo buộc Neuralink không tôn trọng lời hứa về thời gian làm việc linh hoạt để cô có thời gian chăm sóc gia đình.

Đỉnh điểm của mâu thuẫn giữa Short và công ty cũ bị đẩy lên cao vào tháng 6/2023, khi cô thông báo với bộ phận nhân sự rằng mình đã mang thai và ngay ngày hôm sau, Short bị sa thải với lý do "không đảm bảo hiệu suất công việc".

Short khẳng định rằng việc cô bị sa thải chỉ một ngày sau khi thông báo có thai cho thấy đây là hành vi trả đũa cá nhân của lãnh đạo công ty và không liên quan đến vấn đề chuyên môn.

Ngoài Neuralink, Short cũng khởi kiện Elon Musk với cáo buộc vị tỷ phú này đã dung dưỡng môi trường làm việc độc hại, phân biệt giới tính… mà không có biện pháp cụ thể để xử lý, dù Musk biết rõ những vấn đề đang tồn tại trong công ty.

Hiện Neuralink chưa đưa ra bình luận gì về đơn kiện của nhân viên cũ.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Elon Musk đã liên tục bị các nhân viên cũ khởi kiện.

Vào tuần trước, 8 cựu nhân viên làm việc tại công ty hàng không vũ trụ SpaceX cũng đã nộp đơn kiện cáo buộc Elon Musk "điều hành công ty như trong thời kỳ đen tối, coi phụ nữ như những đối tượng tình dục để đánh giá dựa trên kích cỡ ngực, sử dụng những lời lẽ khiếm nhã về tình dục và hạ thấp phái nữ"...

Áp lực từ Elon Musk khiến Neuralink có hành vi ngược đãi động vật

Năm 2016, Elon Musk đã thành lập một công ty có tên gọi Neuralink, với mục tiêu đầy tham vọng đó là tạo ra một máy tính có thể cấy ghép vào bên trong bộ não của con người.

Mục tiêu ban đầu của Neuralink đó là sẽ giúp những người bị bại liệt, để cho phép họ có thể điều khiển máy tính hoặc smartphone bằng trí não, tiếp theo đó là để giúp điều trị cho những người bị mất trí nhớ hoặc các chứng bệnh liên quan đến thần kinh khác.

Trong quá trình thử nghiệm, Neuralink đã thường xuyên cấy ghép chip lên não của nhiều loài động vật khác nhau để kiểm tra phản ứng của những con vật bị mang ra thí nghiệm. Tuy nhiên, các nguồn tin từ những nhân viên cũ và vẫn đang làm việc tại Neuralink cho biết áp lực từ Elon Musk đã khiến quá trình thử nghiệm thường xuyên dẫn đến sai sót.

Elon Musk tiếp tục bị nhân viên cũ khởi kiện vì lý do khó ngờ - 2

Neuralink bị cáo buộc lạm dụng và ngược đãi động vật nghiêm trọng trong quá trình thử nghiệm sản phẩm (Ảnh minh họa: Getty).

"Áp lực của Musk khi muốn đẩy nhanh quá trình phát triển chip cấy não đã dẫn đến nhiều thí nghiệm thất bại. Đó thực sự là một hành động ngược đãi động vật nghiêm trọng", một nhân viên giấu tên của Neuralink trả lời tờ báo New York Post.

Theo chia sẻ, các thử nghiệm thất bại đã làm tăng số lượng động vật bị chết. Tổng cộng hơn 1.500 con vật bị chết trong các thử nghiệm thất bại của Neuralink, bao gồm cừu, lợn và phần lớn là khỉ. Đáng nói là số lượng động vật bị chết do thí nghiệm thất bại chỉ là ước tính sơ bộ vì công ty không lưu trữ hồ sơ chính xác về số lượng động vật bị chết khi mang ra thí nghiệm.

Đầu năm nay, sau một thời gian dài nghiên cứu và phát triển, Neuralink đã lần đầu tiên cấy ghép con chip do mình phát triển vào não của Nolan Arbaugh, 29 tuổi. Arbaugh bị liệt toàn thân sau một tai nạn nghiêm trọng cách đây 8 năm và hiện chỉ có thể cử động được phần đầu, cổ.

Sau khi được cấy ghép chip não, Arbaugh đã có thể điều khiển máy tính, chơi game trên máy tính hoặc sử dụng mạng xã hội… chỉ bằng ý nghĩ của mình.

Tuy nhiên, vào hồi tháng 5 vừa qua, Neuralink thừa nhận con chip cấy vào não Arbaugh gặp vấn đề khiến họ phải ngắt một số kết nối của chip với bộ não, nhưng về cơ bản con chip vẫn hỗ trợ rất nhiều cho cuộc sống của Arbaugh.

Theo SCMP/New York Post