Elon Musk chi 250.000 USD mua vé bay vào vũ trụ
(Dân trí) - Dù đang sở hữu một công ty hàng đầu về hàng không vũ trụ, Elon Musk lại chi ra 250.000 USD cho tấm vé bay vào không gian trên chiếc tàu vũ trụ của một công ty khác.
Virgin Galactic, công ty hàng không vũ trụ do tỷ phú Richard Branson sáng lập, đã thực hiện chuyến bay thương mại đưa người lên rìa vũ trụ đầu tiên vào ngày 11/7 vừa qua (theo giờ Mỹ). Tàu vũ trụ mang tên VSS Unity của công ty Virgin Galactic đã được phóng lên bầu trời bang New Mexico (Mỹ), với hai phi công cùng vị tỷ phú sáng lập và 3 nhân viên của công ty.
Tàu VSS Unity, sau khi được tàu sân bay "mẹ" mang tên VMS Eve phóng đi ở độ cao hơn 12km, đã kích hoạt động cơ tên lửa đẩy và tăng tốc lên gấp 3 lần tốc độ âm thanh để bay ra rìa không gian ở độ cao 86km trong ít phút, sau đó quay trở lại trái đất và hạ cánh an toàn.
Chuyến bay thành công của tàu VSS Unity đánh dấu cột mốc quan trọng trong cuộc đua đưa người du lịch vào không gian. Ngoài Virgin Galactic, hai công ty hàng không vũ trụ khác được thành lập bởi các tỷ phú là SpaceX (của Elon Musk) và Blue Origin (của Jeff Bezos) cũng đang đẩy nhanh quá trình phát triển để sớm thực hiện chuyến bay thương mại đưa du khách tham quan không gian.
Sau tỷ phú Richard Branson, đến lượt tỷ phú Jeff Bezos cũng sẽ bay lên không gian bằng tên lửa đẩy New Shepard do Blue Origin phát triển vào ngày 20/7 tới đây. Tên lửa đẩy New Shepard dự kiến sẽ đưa một tàu vũ trụ bay lên độ cao 100 km so với mực nước biển (độ cao của đường Karman, là ranh giới giữa khí quyển Trái đất và khoảng không vũ trụ). Các hành khách trong tàu vũ trụ sẽ ở trên độ cao 100 km trong khoảng 10 phút, giúp họ có được trải nghiệm không trọng lực và ngắm nhìn trái đất từ trên không gian, trước khi quay trở về mặt đất.
Tỷ phú Elon Musk cũng không chịu thua các "đối thủ" khi sớm bay lên không gian. Tuy nhiên, thay vì được đưa lên vũ trụ bằng chính tên lửa đẩy SpaceX, công ty do Elon Musk sáng lập, thì vị tỷ phú này sẽ được đưa lên không gian bằng tàu vũ trụ của Virgin Galactic.
Theo đó, ngay sau chuyến bay đầu tiên của nhà sáng lập Richard Branson, đại diện Virgin Galactic xác nhận rằng Elon Musk đã chi ra số tiền 250.000 USD để mua tấm vé du hành không gian bằng tàu vũ trụ của công ty. Tuy nhiên, chưa rõ chuyến bay tiếp theo của Virgin Galactic sẽ được diễn ra vào thời điểm nào.
Richard Branson và Elon Musk là bạn thân với nhau và có vẻ như Musk đang thể hiện sự ủng hộ với người bạn của mình bằng một tấm vé du hành vào không gian. Ngược lại, Elon Musk và Jeff Bezos được xem là "kẻ thù không đội trời chung" và Musk đã từng nhiều lần gọi Bezos là "kẻ sao chép" vì Musk cho rằng ý tưởng đưa người lên du lịch vũ trụ của Bezos là "ăn cắp" của mình.
Bản thân công ty SpaceX của Elon Musk cũng đang rất muốn sớm đưa người đi du lịch vào không gian, tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, SpaceX đang có một sứ mệnh lớn hơn, bao gồm việc hợp tác với NASA để đưa các phi hành gia lên Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) và dự án Starlink, phủ sóng Internet toàn cầu bằng vệ tinh.
Trong khi Virgin Galactic của Richard Branson và SpaceX của Elon Musk thể hiện thiện chí và hỗ trợ lẫn nhau trong các nỗ lực chinh phục không gian, Blue Origin của Jeff Bezos lại có động thái "đá đểu" chuyến bay của Virgin Galactic khi cho rằng độ cao 86 km mà tàu vũ trụ của công ty này đạt được chưa phải là "rìa không gian" như Virgin Galactic tuyên bố.
"Ngay từ đầu, New Shepard đã được thiết kế để bay lên độ cao của đường Karman. Với 96% dân số thế giới, không gian bắt đầu từ đường Karman và được quốc tế công nhận", Blue Origin viết trên trang Twitter chính thức của công ty, với hàm ý "châm biếm" chuyến bay của Virgin Galactic. Độ cao của đường Karman, ở độ cao 100 km so với mực nước biển, được công nhận là ranh giới giữa khí quyển Trái đất và khoảng không vũ trụ.