1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Dùng smartphone vào đêm khuya có thể dẫn đến trầm cảm

(Dân trí) - Những ai có thói quen sử dụng smartphone vào đêm khuya, đặc biệt là khoảng thời gian sau 10 giờ tối, có thể gặp các vấn đề về chất lượng giấc ngủ và ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, thậm chí là mắc chứng trầm cảm.

Các nhà khoa học của Trường đại học Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh) đã tiến hành nghiên cứu trên hơn 91.000 người tự nguyện trên khắp nước Anh về tầm quan trọng của nhịp sinh hoạt bình thường của con người đối với sức khỏe và sự rối loạn tâm trạng.

Dùng smartphone vào đêm muộn có thể dẫn đến trầm cảm và nhiều vấn đề về sức khỏe khác (Ảnh minh họa)
Dùng smartphone vào đêm muộn có thể dẫn đến trầm cảm và nhiều vấn đề về sức khỏe khác (Ảnh minh họa)

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng những người có nhịp sinh học không bình thường, hoạt động theo chu kỳ ngủ thức trong 24 giờ mỗi ngày không điều đó hoặc những người thường hoạt động nhiều hơn vào ban đêm sẽ có nguy cơ dẫn đến trầm cảm, rối loạn lưỡng cực và tâm trạng thường không được tốt.

“Một nhịp sinh học lành mạnh là hoạt động tích cực vào ban ngày và hoạt động ít lại vào ban đêm”, Daniel Smith, Giáo sư tâm thần học tại trường Đại học Glasgow cho biết. “Đây là một nghiêm cứu quan trọng để chứng minh mối liên hệ chặt chẽ giữa nhịp sinh học và tâm trạng của con người”.

Nghiên cứu cho thấy những ai không tuân theo nhịp sinh học bình thường của con người, bao gồm việc hoạt động vào ban ngày và nghỉ ngơi vào ban đêm theo thời gian phù hợp, thường gặp các chứng rối loạn về tâm thần, bao gồm trầm cảm và rối loạn lưỡng cực. Những người này cũng thường xuyên cảm thấy đơn độc và ít hạnh phúc hơn.

Giáo sư Smith cũng khuyến cáo rằng mọi người không nên sử dụng smartphone vào đêm muộn, đặc biệt trước giờ đi ngủ, vì ánh sáng phát ra từ màn hình smartphone sẽ khiến não bộ nhầm tưởng rằng đó vẫn là ban ngày, điều này sẽ làm thay đổi nhịp sinh học bình thường của con người.

Theo các nhà khoa học, cơ thể của chúng ta hoạt động tuân theo đồng hồ sinh học. Chẳng hạn như việc tỉnh giấc khi có ánh mặt trời và chìm vào giấc ngủ để phục hồi năng lượng lúc màn đêm buông xuống. Do đó, việc sử dụng điện thoại vào ban đêm, vốn là một nguồn sáng mạnh, sẽ khiến bộ não của chúng ta bị nhầm lẫn giữa đêm và ngày. Điều này dẫn đến việc não bộ truyền tín hiệu ngưng tiết melatonin, vốn là một hormone giúp cơ thể dễ đi vào giấc ngủ. Việc thiếu hụt lượng hormone melatonin có thể dẫn đến những triệu chứng tiêu cực về sức khỏe.

Các nhà khoa học cũng khuyến cáo rằng những người thức khuya hoặc thường xuyên làm việc vào đêm muộn trong một thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư, bệnh tim và béo phì.

Cuộc nghiên cứu được tiến hành trên hơn 91.105 người tình nguyện tham gia tại Anh trong độ tuổi từ 37 đến 73 và là cuộc nghiên cứu có số người tham gia lớn nhất liên quan đến nhịp sinh học.

T.Thủy