1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Dữ liệu mở là "trái tim" của nền kinh tế số

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Kinh tế dữ liệu, hay dữ liệu mở đóng vai trò là "trái tim" của nền kinh tế số, đem lại nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội cho các quốc gia, người dân và doanh nghiệp trên thế giới.

Dữ liệu mở là trái tim của nền kinh tế số - 1

Dữ liệu mở được coi là "trái tim" của nền kinh tế số.

Hội nghị Dữ liệu mở châu Á năm 2021 đã khai mạc sáng 16/11 theo hình thức trực tuyến. Đây là sự kiện được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, chủ trì bởi Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA).

Hội nghị nhằm chia sẻ những thành tựu, thách thức trong công cuộc chuyển đổi số, hợp tác cùng nhau thúc đẩy dữ liệu mở - nguồn tài nguyên quan trọng cho phát triển công nghệ số.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam nhấn mạnh đại dịch Covid-19 bùng phát gần 2 năm qua đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam nói riêng, và trên thế giới nói chung.

Theo đó, đại dịch vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để nhìn nhận lại về tầm quan trọng của dữ liệu. "Các quốc gia không chỉ tham gia ứng phó trực tiếp chống dịch mà còn trong vận hành và đảm bảo sự liền mạch của đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu trong 2 năm vừa qua", ông Hồng cho biết.

Dữ liệu mở là trái tim của nền kinh tế số - 2

Ông Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

"Dữ liệu đang trở thành phương thức phát triển mới, giúp tối ưu hóa các nguồn lực, phát triển bền vững, góp phần quan trọng đem lại an toàn, tiện ích hơn cho người dân và phát triển kinh tế xã hội phồn vinh, thịnh vượng".

Kinh tế dữ liệu nói chung, hay dữ liệu mở nói riêng đang đóng vai trò là "trái tim" của nền kinh tế số, đem lại nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội cho các quốc gia, người dân và doanh nghiệp trên thế giới.

Theo báo cáo của Cổng Dữ liệu châu Âu, một sáng kiến của Ủy ban châu Âu, trong năm 2019, quy mô thị trường của Dữ liệu mở là 184,45 tỉ Euro và dự kiến có thể đạt khoảng 199,51 - 334,20 tỉ Euro vào năm 2025.

Tại Việt Nam, Chủ tịch Hội Truyền thông số cho biết giá trị kinh tế mà các luồng dữ liệu tạo ra thông qua áp dụng các công nghệ kỹ thuật số trong thương mại đạt 81 nghìn tỉ đồng vào năm 2017.

Con số này có thể đạt tới 953 nghìn tỉ đồng vào năm 2030. Theo Dự thảo chiến lược dữ liệu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu của Việt Nam là kinh tế dữ liệu đóng góp 5% GDP. Để thực hiện được mục tiêu đó, kết nối, chia sẻ dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu mở, chính là chìa khóa.

Trong Nghị quyết số 52-NQ/TW do Bộ Chính trị ban hành cũng có nhấn mạnh sự cấp thiết "Hoàn thiện pháp luật, chính sách về dữ liệu, quản trị dữ liệu, tạo thuận lợi cho việc tạo dựng kết nối, chia sẻ, và khai thác dữ liệu bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong nước, tiến tới kết nối với khu vực ASEAN và quốc tế.".

Tại Hội nghị, các chuyên gia đều cho rằng dựa trên kinh nghiệm quốc tế, để phát triển dữ liệu mở, nhất thiết cần sự hợp tác liên ngành, liên quốc gia.

Trong đó, mỗi quốc gia cần có các chính sách và hành lang pháp lý phù hợp để tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của dữ liệu mở, tập trung vào sự tham gia của các bên và nhu cầu sử dụng dữ liệu của họ.

Ở cấp độ khu vực, hợp tác dữ liệu mở chính phủ, đổi mới sáng tạo công nghệ dựa trên dữ liệu cũng như quản trị đạo đức công nghệ số (AI, IoT, Blockchain) đang nhận được nhiều sự quan tâm trên các diễn đàn thảo luận đa phương. Xu thế này thể hiện ở các đối thoại khu vực như APEC và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Quan trọng hơn, hợp tác liên quốc gia về phát triển dữ liệu mở chính phủ cũng chính là đối thoại về tiêu chuẩn, giải pháp kỹ thuật và khung pháp lý sao cho vừa bảo đảm tự do lưu thông dòng chảy dữ liệu xuyên quốc gia, vừa bảo đảm an toàn, an ninh, và bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu cá nhân.

Cùng với đó, nhiều chính phủ trên thế giới cũng đang sử dụng dữ liệu mở để triển khai các giải pháp nhằm cải thiện hoạt động của chính phủ, nâng cao quyền của người dân, tạo ra các cơ hội phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.