ĐTDĐ và Web 2.0 - xu hướng của tương lai

(Dân trí) - Các phương tiện di động đang phát triển như vũ bão, với những bước đi không ngờ tới. Điện thoại giờ đây không chỉ là “chiếc máy nói” cổ lỗ như ngày mới ra đời. "Tự chế" nội dung trên nền tảng Web 2.0 của người dùng mobile đang nổi lên như một trào lưu mới.

Web 2.0 là thế hệ tiếp theo của mạng internet hiện tại, đặt trọng tâm phát triển vào các nội dung do người dùng tự xây dựng, nhấn mạnh vào sự tương tác giữa người sử dụng mạng với nhau. Đại diện cho Web 2.0 là các mạng xã hội như MySpace, là bách khoa toàn thư mở Wikipedia và vô số hình thái khác.

 

Sự bùng nổ của các thiết bị đa phương tiện - điện thoại được trang bị chức năng ghi âm và chụp ảnh cao cấp cho phép mọi người chụp ảnh, ghi âm và upload lên trang chủ của mình. Mặc dù viết blog qua ĐTDĐ hiện giờ vẫn chưa trở nên phổ biến nhưng một số nước đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội, một dạng site blog tổng hợp được xây dựng như một xã hội ảo, nơi các thành viên tương tác với nhau như ngoài xã hội thực, với những cái tên nổi tiếng như Myspace của Mỹ hoặc Cyworld của Hàn Quốc.

 

Tất nhiên “phong trào mạng xã hội” sẽ là cơ hội mà các hãng sản xuất thiết bị di động, nhà cung cấp dịch vụ  và các công ty dịch vụ Internet lớn không thể bỏ qua. Các dịch vụ mới kết nối chặt chẽ con người hơn với nội dung ảo của mình trên mạng liên tục nở rộ.

Dịch vụ internet di động của Yahoo mới đây đã cho phép người dùng kết nối tới site chia sẻ ảnh Flickr của hãng. Người sử dụng điện thoại của Vodafone giờ đây cũng “liên thông” được với cả MySpace lẫn YouTube (site chia sẻ video của Google), và có thể truy cập, sửa chữa, tải video từ YouTube lên MySpace ngay từ điện thoại của mình.

 

Newbay, một nhà cung cấp dịch vụ mạng  khác hài lòng nhận thấy tần suất sử dụng mạng tăng gấp 3 lần trong năm vừa qua sau khi họ đưa ra dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho việc up ảnh và video qua điện thoại. Paddy Holahan, giám đốc điều hành công ty giải thích: “Viết blog qua di động và blog trên máy tính là 2 vấn đề khác nhau. Một người sử dụng thiết bị di động có xu hướng chụp ảnh và up lên mạng ngay lập tức, vì anh ta đang có sẵn máy ảnh trong tay. Một blogger viết bằng PC sẽ có xu hướng dùng ngôn từ biểu đạt, vì anh ta đang có cái bàn phím trước mặt. Bạn ấn nút gửi ảnh với điện thoại của mình, thể hiện phong cách sống của mình, trong khi với máy tính, bạn có xu hướng bày tỏ chính kiến, quan điểm chính trị hơn.

 

Di động Web 2.0: Thách thức còn đó…

 

Mặc dù tương lai của cuộc “hôn phối” mobile và internet tỏ ra rất sáng lạn nhưng vẫn còn nhiều thứ trước mắt cần giải quyết. Một trong những vấn đề lớn nhất là dung lượng băng thông của ĐTDĐ. Các công đoạn tải lên một bức ảnh từ điện thoại lên mạng phức tạp hơn nhiều so với từ PC lên internet, và mạng di động 3G mới nhất cũng chỉ có tốc độ upload tối đa là 384 kbps (54KBps), tức là ngang với mạng dial-up thông thường.

“Băng thông liên quan đến chất lượng ảnh và tốc độ load ảnh. Giải quyết được vấn đề này cũng như đơn giản hoá việc tải lên và tải xuống sẽ đẩy mạnh hơn nữa phong trào “di động với Web 2.0”, Holahan nhấn mạnh.

 

ĐTDĐ: Cầu nối giữa thế giới thực-ảo

 

Một số cá nhân và tổ chức đang tìm cách xóa nhòa ranh giới giữa thực và ảo. Trong game online SecondLife - một trò chơi đang trở nên ngày càng phổ biến vì thế giới ảo “như thật” của mình, tập đoàn máy tính IBM có hẳn một khu đất riêng. Ngoài việc để dành xây những toà nhà đẹp như mơ giống như những khu đất khác trong game, đây còn là nơi IBM thể nghiệm những ý tưởng độc đáo về việc kết nối thế giới thật và thế giới ảo của Second Life bằng ĐTDĐ.

 

Zygmunt Lozinski, trưởng bộ phận phát minh của IBM cho biết mục đích cuối cùng của dự án không phải là kết nối vào game bằng ĐTDĐ, mà là sử dụng ĐTDĐ làm cầu nối giữa 2 thế giới thực và ảo đó.

 

“Bạn có một nhóm người quen biết qua thế giới ảo của SecondLife, và giao tiếp với họ bằng công cụ gửi tin nhắn. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu những người bạn ảo đó có thể từ trong thế giới ảo giao tiếp với bằng các phương tiện thông tin liên lạc của đời thực? Thử tưởng tượng, bạn “đến nhà” một cư dân ảo trong game, nhân vật của bạn “rung chuông cửa”, và “nói” với người đó rằng “có người muốn nói chuyện với anh”. Qua điện thoại, bạn trao đổi với người đang “sống” trong thế giới ảo đó như thể anh ta là con người thật ở đầu dây bên kia. Như thế, người ta có thể giao tiếp với nhau bất luận đang ở trong thế giới thực hay thế giới ảo” - Zygmunt Lozinski giải thích rõ hơn.

 

Các phương tiện di động đang phát triển như vũ bão, với những bước đi không ngờ tới. Điện thoại giờ đây không chỉ là “chiếc máy nói” cổ lỗ như ngày mới ra đời. Nó đã, đang và sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong đời sống con người, và từ từ kéo 2 thế giới thực và thế giới ảo Internet lại gần nhau hơn.

 

Hoàng Hải

Theo BBC