ĐTDĐ tầm trung “mất khách”

(Dân trí) - Trong khi thị trường di động toàn cầu đang bùng nổ thì ĐTDĐ tầm trung đang đối mặt với việc doanh số giảm mạnh trong vài năm tới.

Đứng chờ xe buýt ở New York, Brooke Hunter, một nhà phân tích tài chính tại Ngân hàng Mỹ, vẫn luôn tay “chọc chọc, ngoáy ngoáy” trên chiếc điện thoại Motorola Q. Trước đây cô Hunter rất thích dùng điện thoại thời trang kiểu trượt của Samsung nhưng gần đây cô lại mua một chiếc điện thoại thông minh hơn để dễ dàng kiểm tra e-mail. Khi xe buýt đến, Hunter bước lên xe – trên đó cũng có 4 người khác đang chăm chú nhìn vào điện thoại BlackBerry.

 

Đấy là bức tranh tương lai của thời đại thông tin di động. Hunter và người dùng điện thoại đang dần chuyển sang sử dụng các điện thoại nâng cao hơn, còn gọi là “smartphone” - có thể soạn thảo e-mail, lướt web… Trong khi đó, doanh số điện thoại bình dân, giá rẻ cũng đang bùng nổ, Nokia và hãng sản xuất điện thoại đang thâm nhập các thị trường mới nổi.

 

Nhu cầu nghiêng về điện thoại cao cấp - giá rẻ

 

Điều ngạc nhiên từ bức tranh tương lai này là sự hờ hững của người dùng với các điện thoại tầm trung, số phận buồn đang chờ đợi thị trường này. Mặc dù thị trường di động vẫn đạt tốc độ tăng trưởng mạnh, doanh số của điện thoại tầm trung được dự báo sẽ rớt không phanh trong vòng 5 năm tới, theo công ty nghiên cứu thị trường ABI Research. ABI ước tính sẽ chỉ có khoảng 441 triệu mobile tầm trung được xuất xưởng trong năm 2013, giảm từ 854 triệu chiếc của năm 2007.

 

ĐTDĐ tầm trung “mất khách” - 1

  Motorola RAZR V3 không còn là sự lựa chọn của người dùng

 

Thị trường di động đang bước sang một giai đoạn mới. Điện thoại tầm trung là điện thoại “nâng cao” với một vài tính năng khác ngoài khả năng gọi, nhưng chúng không có nhiều chức năng như smartphone. Điện thoại “nâng cao”, như Motorola RARZ 2 và LG Voyager sử dụng hệ điều hành “đóng” nên người dùng không thể cài thêm phần mềm mới cho máy. Trong khi đó, smartphone dùng HDH mở, như Windows Mobile hoặc Symbian, vì thế người dùng có thể tải thêm các phần mềm mới để sử dụng trên máy.

 

Người dùng ngày nay có thể dùng điện thoại để xem video, theo dõi kết quả các trận đấu bóng đá hay viết blog ở bất cứ đâu.

 

“Điện thoại tầm trung - hiện là phân đoạn thị trường lớn nhất - sẽ bị thu hẹp trong vòng 5-6 năm tới”, Kevin Burden, GD bộ phận di động của ABI, khẳng định. Năm 2007, thị trường điện thoại này chiếm 74% trong tổng số điện thoại bán ra, trong khi đó điện thoại giá rẻ chỉ chiếm 16%, và smartphone chiếm 10%. Đến năm 2013, thị trường di động sẽ được chứng kiến một sự thay đổi chóng mặt: Điện thoại tầm trung chỉ còn chiếm 23% doanh số, trong khi đó, điện thoại giá rẻ giữ 46% và smartphone 13%.

 

Smartphone ngày càng rẻ và càng “thông minh”

 

Burden tin chắc smartphone sẽ nhanh chóng phổ biến vì giá bán ngày càng rẻ. Tương lai sán lạn của smartphone đang đến gần khi các hãng lớn, như Nokia và Google, đang phát triển hệ điều hành miễn phí cho mobile.

 

Trong khi các HDH đóng của các điện thoại “nâng cao” đều do các hãng sản xuất điện thoại tự phát triển thì HDH mở sẽ giúp người dùng tiết kiệm được tiền và có nhiều cơ hội khai thác các ứng dụng khác.

 

ĐTDĐ tầm trung “mất khách” - 2

 Smartphone đang dần thay thế điện thoại tầm trung

 

Sự tăng trưởng mạnh của số thuê bao điện thoại giá rẻ và sự sụt giảm người dùng điện thoại tầm trung sẽ làm thay đổi đáng kể doanh thu của các công ty. “Doanh số điện thoại giá rẻ sẽ tăng mạnh, có thể đạt 40% thị trường trong 5 năm tới, nhưng doanh thu sẽ rất thấp. chỉ chiếm 10%”, ông Burden.

 

Tuy nhiên, theo ông Burden, các hãng điện thoại lớn nên thay đổi chiến lược phát triển sản phẩm để đón đầu sự thay đổi của thị trường, nhưng ông cảnh báo các công ty sẽ gặp rắc rối về tài chính nếu không thích ứng được với sự chênh lệch về doanh số-lợi nhuận.

 

Nokia tiên phong trên cả hai “mặt trận”

 

Nokia vẫn khẳng định là hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới. Hãng này đang bận rộn kế hoạch phát triển hai dòng điện thoại: cao cấp và giá rẻ. Điện thoại cao cấp nhất của hãng cho phép người dùng nghe nhạc, xem video, ghi hình, xử lý e-mail, định vị bản đồ. “Cách đây 10 năm, người dùng chỉ dùng điện điện thoại để đàm thoại”, Bill Plummer, Phó chủ tịch Nokia ở Mỹ, nói. “Ngày nay, người ta nói về điện thoại như một niềm đam mê”.

 

Một khi người dùng đã quen với sở hữu một thiết bị nhỏ nhưng chứa nhiều tính năng của máy tính thì khó có thể chấp nhận quay trở lại sử dụng các điện thoại “đời thấp hơn”. Cô Brooke Hunter cho biết đã quá nghiện với smartphone Motorola, quen làm việc trên bàn phím Qwerty rồi nên “không bao giờ quay trở lại sử dụng điện thoại trượt được nữa”.

 

Hương Linh

Theo BusinessWeek