ĐTDĐ cao cấp: Công nghệ cũ, mẫu mã mới

Tháng tư, thị trường ĐTDĐ đang nằm ở chu kỳ thấp điểm. Hàng giá rẻ bán đã thấy khó. Hàng cao cấp càng khó hơn. Không chính thức xác nhận là nhóm “dế” cao cấp đang chững lại, nhưng giám đốc kinh doanh của một hãng ĐTDĐ đang “làm mưa, làm gió” trên thị trường phải thừa nhận: Hàng cao cấp ngày càng khó bán hơn.

Giá cao mà công nghệ cũ!

 

Anh Đinh Anh Huân, trưởng phòng kinh doanh của Thegioididong.com cũng cho biết những model cao cấp ngày càng ít người mua. Trong một số liệu nghiên cứu thị trường của thegioididong.com thực hiện trong tháng 4/2006 cho thấy, lượng hàng bán ra trong tháng 4/2006, nhóm điện thoại có giá từ 4,5 triệu đồng trở lên chỉ chiếm 20% số hàng bán ra. Trong đó nhóm hàng có giá trên 6 triệu đồng chỉ chiếm 7,38%, so với mức 7,71% của tháng trước.

 

Có nhiều lý do, nhưng theo anh Huân, sức hút của những tính năng một thời được xem là cao cấp như: chức năng chụp hình, quay phim… đã không còn “níu chân” khách hàng, nhất là nhóm trẻ. Theo anh Trần Tuấn Anh, giám đốc kinh doanh Phát Tiến Mobile Mart, tính mới về công nghệ của chiếc điện thoại không còn hấp dẫn người sử dụng.

 

H. Thư, một bạn trẻ, đưa ra nhận xét khá thú vị: “Đúng là một thời những chức năng cao cấp là tiêu chí lựa chọn hàng đầu của giới trẻ nhưng bây giờ chúng tôi chẳng quan tâm đến điều đó”. Tiêu chuẩn của Thư là: “Giá chấp nhận được, mỏng, nghe rõ, bền… Còn những chức năng khác, có thì thỉnh thoảng dùng cho đỡ buồn, không có cũng chẳng sao!”. 

 

Trong khi nhóm khách hàng trẻ tuổi lựa chọn công nghệ như là một yếu tố thời trang và sành điệu đang thất vọng vì không có những công nghệ mới rõ rệt thì nhóm khách hàng lớn tuổi càng không phải là mục tiêu của những model cao cấp cho dù công nghệ có hấp dẫn đến mấy. Nhiều khách hàng lớn tuổi mua hàng tại Phát Tiến Mobile Mart cho biết: cho dù máy có những chức năng như thế nhưng họ chẳng mấy khi dùng đến vì không thích và không có thời gian!

 

Tung hàng để đánh bóng thương hiệu

 

Qua khảo sát giá từ các siêu thị, những model mới xuất hiện trên thị trường đều có giá “cao ngút trời mây”: Samsung P300 – 8,6 triệu đồng, Nokia N80 – 10,3 triệu đồng, Nokia N91 – 11 triệu đồng, Samsung i300x có giá 10 triệu đồng... “Bây giờ, hàng càng cao cấp càng khó bán. Với giá như vậy thì khó mà có nhiều khách hàng được”, một nhân viên của siêu thị ĐTDĐ P. khẳng định.

 

Nhưng, từ đầu năm tới nay, các hãng liên tục công bố những nhóm hàng mới. Động thái N91 “tái xuất giang hồ”  là một trong những bước tiếp theo của Nokia trong chiến lược quảng bá tên tuổi của mình bằng chương trình được khởi động từ cuối năm ngoái “Nseries – tiến vào kỷ nguyên đa phương tiện”. Còn Samsung vẫn vô tư tung nhóm hàng cao cấp: i300, D820… như một cách quảng bá cho thương hiệu, chứng minh rằng: “Chúng tôi cũng có những mặt hàng công nghệ cao như các hãng khác”.

 

Như đã nhìn ra thực trạng của nhóm hàng cao cấp, từ đầu năm tới nay, các hãng và các nhà phân phối lớn thi nhau hạ giá nhóm hàng này. Hạ giá nhưng số lượng bán ra tăng chẳng đáng là bao vì giá vẫn cao mà công nghệ không có sức hấp dẫn.

 

Theo Trọng Hiền

Sài Gòn tiếp thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm