Đối tác Apple tính đường tháo lui khỏi Trung Quốc, xây nhà máy tại Việt Nam
(Dân trí) - Foxconn, đối tác lắp ráp iPhone của Apple, có thể đang cân nhắc đầu tư nhà máy lắp ráp iPhone tại Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo dài.
Nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vượt quá khỏi tầm kiểm soát, dẫn đến sự trả đũa của chính quyền Trung Quốc đối với ngành sản xuất công nghệ Mỹ - mà trong đó Apple có liên quan tới rất nhiều chuỗi cung ứng tại đây, thì liệu nhà sản xuất iPhone có gặp khó như tình trạng của Huawei hiện tại? Câu trả lời là không.
Mới đây, ông Young Liu - giám đốc điều hành cấp cao của Foxconn, đã phản hồi với các nhà đầu tư rằng chuỗi nhà máy này hoàn toàn có "đủ năng lực" để sản xuất iPhone "theo chuẩn Mỹ" tại bên ngoài Trung Quốc nếu cần thiết.
Trong đó, hệ thống nhà máy của Foxconn có khoảng 1/4 năng suất ở các khu vực khác, bao gồm cả trong các thị trường đang phát triển như Ấn Độ.
Bên trong một nhà máy lắp ráp iPhone của Foxconn.
Mặc dù Apple chưa đưa ra bất kỳ động thái nào liên quan tới vấn đề này, xong Foxconn dường như rất "sốt sắng" để giữ lấy đối tác quan trọng bậc nhất của mình nếu mọi thứ đi theo những diễn biến xấu.
Foxconn có thể đang cân nhắc đầu tư nhà máy lắp ráp iPhone tại Việt Nam, trong bối cảnh dải đất hình chữ S đang dần trở thành một trong những khu vực hàng đầu về sản xuất điện thoại thông minh trên thế giới.
Đầu năm nay, cả hai thương hiệu Hàn Quốc là Samsung Electronics và LG Electronics đều đang ngừng hoạt động dây chuyền sản xuất của họ tại thị trường trong nước, và đích đến của họ không đâu khác chính là Việt Nam, do giá nhân công thấp, và không vướng phải nhiều quy định từ chính phủ.
Samsung hiện đang sản xuất, lắp ráp gần một nửa thiết bị smartphone của mình tại Việt Nam với 2 nhà máy, đạt doanh thu 49,6 tỉ USD trong quý III/2018, tương đương 31,4% GDP. Đối với LG, hãng cũng chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất về nhà máy được đặt tại thành phố Hải Phòng.
Tuy nhiên, để xây dựng các nhà máy và dây chuyền sản xuất từ con số 0 là một điều không hề dễ dàng. Các hãng như Samsung, LG đã mất rất nhiều năm để ổn định hệ thống, dây chuyền, mạng lưới cung ứng.
Việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi có thể khiến Apple gặp rắc rối với các bên đối tác, làm nghẽn dây chuyền sản xuất, đặc biệt là trong những thời điểm quan trọng như trước khi ra mắt dòng iPhone mới.
Nguyễn Nguyễn