DN Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn nhất từ các cuộc tấn công mạng trong khu vực Đông Nam Á

(Dân trí) - Theo nghiên cứu so sánh khả năng bảo mật Châu Á Thái Bình Dương được Cisco thực hiện năm 2018, các doanh nghiệp Việt Nam nằm trong nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ các cuộc tấn công mạng trong khu vực Đông Nam Á.

 

Trong số 150 doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam, 33% trả lời rằng mỗi cuộc tấn công mạng gây tổn thấy đến hơn 10 triệu USD. Con số này vượt mức trung bình của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (cao hơn 5%), cũng như toàn cầu (cao hơn 3%). Trong số các quốc gia Đông Nam Á, mức ảnh hưởng trên 10 triệu USD chỉ xảy ra với 2% các doanh nghiệp tại Singapore, 4% tại Indonesia, 5% tại Thái Lan, Philipines và 11% tại Malaysia.

Nghiên cứu cũng cho thấy, hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam bị ngưng trệ lâu khi các cuộc tấn công mạng xảy ra, với 14% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, hệ thống của họ bị ngừng hoạt động từ 1-5 ngày. Con số này là cao nhất khu vực Đông Nam Á. Trong thực tế, hệ thống doanh nghiệp bị ngưng trệ càng lâi, tổn hại tài chính lên doanh nghiệp đó sẽ càng lớn.

Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi công ty tư vấn quản trị A.T. Kearney vào năm 2018 đã ước tính rằng, chỉ riêng việc phát hiện cuộc tấn công chậm hơn 1 tuần đã khiến tổn thất tăng gấp 3 lần, lên tới 1,2 triệu USD so với chi phí trung bình khoảng 433 nghìn USD khi phát hiện ngay lúc đó.

 

DN Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn nhất từ các cuộc tấn công mạng trong khu vực Đông Nam Á - Ảnh 1.

Bà Lương Thị Lệ Thuỷ, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam đánh giá tổng quan về thực trạng các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng gặp phải nhiều cuộc tấn công quy mô lớn.

 

“Chuyển đổi số ở Việt Nam không còn là tầm nhìn nữa, mà đã trở thành thực tại”, bà Lương Thị Lệ Thuỷ, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam cho biết. “Các doanh nghiệp khắp cả nước đang ngày một tiếp cần và tận dụng sức mạnh của công nghệ để giải quyết các vấn đề then chốt, cũng như sử dụng chúng như động lực tăng trưởng”.

“Tuy nhiên song hành với đó cũng là nguy cơ bị tấn công mạng gia tăng, cả từ phía người tiêu dùng lẫn các nhà sản xuất, khi tham gia vào môi trường trực tuyến. Các nỗ lực xử lý mối nguy hại này sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình gặt hái lợi ích từ làn sóng số hoá”, bà Thuỷ cho biết.

Việc sử dụng nhiều nhà cung ứng cũng làm cho hoạt động bảo mật trở nên phức tạp hơn. Tại Việt Nam, 44% các doanh nghiệp có nhiều hơn 10 nhà cung ứng, và 22% có hơn 20 nhà cung ứng. Điều này làm gia tăng rủi ro, bởi càng nhiều sản phẩm bảo mật càng mất nhiều thời gian để truy tìm các cuộc tấn công. Số liệu nghiên cứu cho thấy, các doanh nghiệp đã và đang gặp phải vấn đề này, với 87% trả lời rằng họ gặp khó khăn trong việc xử lý các cảnh báo đến từ nhiều nhà cung ứng cùng một lúc.

 

Nguyễn Nguyễn