Doanh nghiệp viễn thông nỗ lực tạo ưu thế cạnh tranh

Với hơn 30 triệu người sử dụng Internet, Việt Nam hiện là quốc gia có dân số trực tuyến lớn nhất tại khu vực ASEAN. Để đáp ứng đông đảo nhu cầu Internet của người dân, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông (ISP) đã không ngừng đầu tư, phát triển công nghệ, nâng cao dịch vụ để chiếm lĩnh lòng tin của “thượng đế”.

Mạnh tay phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ

Hiện có tới 1/3 dân số của Việt Nam đã coi Internet là công cụ không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Việc phổ cập Internet đã chứng tỏ đây không chỉ là kho công nghệ mà đã trở thành công cụ đắc lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Vì thế, các nhà mạng đã đầu tư phát triển mạnh mẽ vào hệ thống hạ tầng như cáp quang và trạm thu, phát sóng thông tin di động… Tính đến hết năm 2010, tổng băng thông truyền dẫn trong nước đạt 605,622 Gb/s và tổng băng thông truyền dẫn quốc tế lên tới 487,2 Gb/s với các tuyến cáp quang biển, đất liền sử dụng công nghệ truyền dẫn tiên tiến.

Nhờ vậy, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 18 trên tổng số 20 quốc gia có số lượng người dùng Internet nhiều nhất trên thế giới và sở hữu hạ tầng viễn thông tiên tiến gồm 3G, cáp quang biển, vệ tinh… với mức độ phủ sóng khắp cả nước.

Doanh nghiệp viễn thông nỗ lực tạo ưu thế cạnh tranh

Ngoài hạ tầng viễn thông, chất lượng dịch vụ được xem là “chìa khóa” để tạo ưu thế cạnh tranh trên thị trường Internet cho các ISP. Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT Telecom, thừa nhận: “Quy luật tự nhiên khi “lượng” đạt tới một ngưỡng nào đó thì sẽ bão hòa. Nếu không có sự thay đổi về “chất” thì các ISP khó lòng tồn tại được. Trong xu hướng này, “chất” được hiểu là: Chất lượng và các dịch vụ giá trị gia tăng (VAS) do ISP cung cấp. Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày càng thông minh hơn. Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cũng mạnh hơn dẫn tới sự trung thành của khách hàng giảm đi. Nếu doanh nghiệp không cung cấp sản phẩm tốt, tất yếu khách hàng sẽ sớm rời bỏ và chuyển sang dùng dịch vụ của nhà cung cấp khác”.

Trong Top 3 các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cố định hàng đầu Việt Nam, bên cạnh VNPT, Viettel, FPT Telecom là ISP tư nhân với tuổi đời non trẻ nhất. Vì vậy, ngay từ khi thành lập cho đến nay, FPT Telecom không ngừng nỗ lực xây dựng một đội ngũ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp (Customer Service – CS) để phục vụ khách hàng.

Theo đó, FPT Telecom có Tổng đài hỗ trợ kĩ thuật 24/7. Công ty cũng liên tục phát triển các dịch vụ và sản phẩm mới như dịch vụ cáp quang (FTTH), dịch vụ chia sẻ dữ liệu trực tuyến Fshare, dịch vụ Triple Play (3 trong một: Internet, Voice và TV), truyền hình tương tác OneTV…

Chinh phục các tiêu chuẩn quốc tế danh tiếng

Song song với đầu tư phát triển hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ, nhiều nhà mạng đang đầu tư mạnh tay vào sản phẩm dịch vụ cho các doanh nghiệp như kênh thuê riêng (internet leased-line), viễn thông trong nước, viễn thông quốc tế, tên miền Hosting…

Một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông cho biết: “Đối với các doanh nghiệp, hệ thống thông tin là tối quan trọng, bởi nó chứa toàn bộ tài sản thông tin, điều hành hoạt động của một doanh nghiệp. Vì vậy, Data Center cần đặt tại các vị trí đảm bảo an toàn, được duy trì vận hành bởi một đội ngũ chuyên gia để đảm bảo hệ thống luôn cung cấp dịch vụ với mức sẵn sàng cao nhất. Một Data Center đạt chuẩn quốc tế sẽ mang lại cho khách hàng sự an toàn về an ninh thông tin và tiết kiệm năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường”.

Để tạo ưu thế cạnh tranh trên thị trường viễn thông nhắm vào đối tượng khách hàng là những doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhiều ISP đã đầu tư xây dựng các trung tâm dữ liệu theo các chuẩn quốc tế nhằm mang đến dịch vụ uy tín, chất lượng cao.

Được đầu tư xây dựng từ năm 2008, Trung tâm Viettel IDC là công ty đầu tiên đã mang khái niệm chuẩn Tier cho một Data Center về Việt Nam, thay đổi quan niệm về tiêu chuẩn của một trung tâm dữ liệu và dần tạo niềm tin cho khách hàng. Tier là chuẩn đánh giá năng lực hạ tầng của Data Center để duy trì hoạt động 24/7/365 và hạ tầng của Data Center về điện, điều hòa, cáp… Đến năm 2009, khái niệm về Tier cũng trở nên phổ biến hơn và dần dần các ISP khác tại Việt Nam cũng xây dựng hệ thống Data Center theo chuẩn quốc tế này.

Việt Nam xuất hiện trên bản đồ chuẩn Tier của tổ chức 

Việt Nam xuất hiện trên bản đồ chuẩn Tier của tổ chức Uptime.

Tuy nhiên, mãi đến tháng 10/2013, Việt Nam mới có mặt trên bản đồ chuẩn Tier danh giá của tổ chức Uptime (Uptime Institution) khi Data Center EPZ của FPT Telecom là Trung tâm dữ liệu đầu tiên tại Việt Nam sở hữu chứng nhận này, sau gần 1 năm theo đuổi.

Với chứng chỉ Tier III, Data center EPZ của FPT Telecom đã đứng cùng hạng với các Data Center tên tuổi lớn như Samsung (Hàn Quốc), Hyundai (Hàn Quốc), TelecityGroup UK Limited (Anh Quốc), Verizon Wireless (Mỹ) và T-Systems (Brazil)… Theo đó, Data Center EPZ đã trải qua những lần đánh giá gắt gao về: Thiết kế hạ tầng; Quy trình vận hành; Quy trình thiết kế; Xử lý sự cố…

Theo ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ FPT Telecom, trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục chinh phục các chuẩn chất lượng quốc tế cho các Data Center còn lại của công ty, đồng thời nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới nhằm mang đến những dịch vụ, sản phẩm mới uy tín và chất lượng cho người tiêu dùng.

Vân Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm