DN Việt cần được coi trọng để phục vụ thị trường Việt Nam

(Dân trí) - Doanh nghiệp Việt Nam đã có những tên tuổi lớn như Viettel, VNPT, FPT… với đóng góp lớn vào doanh thu của toàn xã hội. Tuy nhiên, những doanh nghiệp mới khởi nghiệp lại đang gặp nhiều khó khăn vì những bất cập trong chính sách với các DN nước ngoài.

Hôm nay, Bộ TT&TT đã tổ chức Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với chủ đề: "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng vì một Việt Nam hùng cường" với sự tham dự của Thủ tương Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Tại Diễn đàn, ông Trần Việt Hùng, Nhà sáng lập - Chủ tịch công ty Got It đã chia sẻ về việc xây dựng công ty ông nghệ hướng tới thị trường toàn cầu.

DN Việt cần được coi trọng để phục vụ thị trường Việt Nam - 1

Ông Trần Việt Hùng, Nhà sáng lập - Chủ tịch công ty Got It.

Got It là công ty công nghệ Việt nhưng có thị trường chính là Mỹ và các nước nói tiếng Anh. Riêng tại Mỹ, Got It được sử dụng bởi hơn 200 trường Đại học lớn nhỏ khác nhau, và doanh nghiệp đến từ hơn 2.000 công ty, cùng mạng lưới chuyên gia ở khắp nơi trên thế giới.

“Những thành công này của Got It đã chứng minh rằng quan điểm người Việt tận dụng những nguồn lực Việt, để rồi dấn thân ra thị trường quốc tế là hoàn toàn khả thi. “Ngay cả khi không thành công, chúng ta cũng có cơ hội để đào tạo được một đội ngũ trong ngành công nghệ để khởi động lại từ đầu”, ông Hùng chia sẻ.

Chia sẻ về những lợi thế của Việt Nam trong cuộc cách mạng chung, ông Hùng cho rằng điều quan trọng nhất là Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, có tiềm năng để được đào tạo trở thành những kỹ sư công nghệ giỏi.

Một lợi thế khác theo ông, là chi phí sản xuất, lắp đặt tại Việt Nam cũng rất thấp so với khu vực. Ngoài ra, chúng ta cũng có một mạng lưới rất nhiều người Việt thông thạo công nghệ ở khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả những tập đoàn hàng đầu như Google, Facebook, Microsoft,...

DN Việt cần được coi trọng để phục vụ thị trường Việt Nam - 2

Ông Hùng chia sẻ rằng Việt Nam cũng đang tồn tại nhiều điểm yếu đó là chưa có đội ngũ lãnh đạo kỳ cựu, khả năng xây dựng sản phẩm hướng tới thị trường toàn cầu, số lượng các công ty công nghệ có thương hiệu trên toàn cầu rất nhỏ, đội ngũ thiết kế, hoàn thiện sản phẩm gần như chưa có,...

Tuy nhiên theo ông, doanh nghiệp, chính phủ Việt Nam hoàn toàn có thể nắm quyền “tự quyết” bên trong một thị trường Đông Nam Á đủ lớn và năng động. Đồng thời cũng có ngày một nhiều quỹ đầu tư lớn đang tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt cần cùng nhau xây dựng và làm chủ hệ sinh thái công nghệ trong nước rồi vươn ra thế giới

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Thế Tân, TGĐ công ty VCCorp đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đã và đang xây dựng, phát triển thành công để bắt nhịp với cuộc Cách mạng 4.0. “Việt Nam có Viettel tự làm thiết bị mạng 5G, nghe thì bình thường, nhưng trên thế giới chỉ có 5 quốc gia làm được. Vingroup có nhà máy xây dựng, sản xuất tự động 4.0 tốc độ cao tôi cho rằng không nhiều nước trên thế giới có thể”, ông Nguyễn Thế Tân chia sẻ.

DN Việt cần được coi trọng để phục vụ thị trường Việt Nam - 3

Ông Nguyễn Thế Tân, Phó TGĐ công ty VCCorp.

“Về dịch vụ gọi xe, chúng ta có Be, Fast Go, với quy mô sản phẩm cơ bản từ 85-90% so với Grab, nếu không phải là cao hơn 95%. Về mạng nội dung số, chúng ta có Zalo của VNG và nền tảng quảng cáo bằng công nghệ của Vccorp cạnh tranh bình đẳng với Facebook và Google”, ông Tân khẳng định. “Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể làm được sản phẩm, có năng lực, tiềm lực công nghệ, nhân lực, để làm được”.

Ông Tân cho rằng, trên thị trường công nghệ Việt Nam hiện nay đang có sự góp mặt của các công ty outsource, các công ty công nghệ xuyên biên giới và doanh nghiệp công nghệ trong nước. Nhưng các chính sách dành cho công ty sáng tạo công nghệ Việt Nam đang ở mức kém nhất.

Theo ông Tân, ở Trung Quốc, doanh nghiệp sáng tạo công nghệ đang được hưởng mức bảo hộ ưu đãi thuế. Ở Mỹ, Amazon có lợi nhuận hàng tỷ USD, nhưng đóng thuế 0 đồng. Trong khi đó ở Việt Nam, mức thuế mà những doanh nghiệp công nghệ như chúng tôi phải đóng dao động từ 15-20% doanh thu, chứ không phải là 15-20% tính trên lợi nhuận như các nước đâu. Bởi vì sao, vì thuế VAT và thu nhập doanh nghiệp đang áp dụng rất cao.

Ông Tân cũng nói về sự bất cập của chính sách của Việt Nam khi các mạng xã hội Việt Nam nếu thuê 1 người sản xuất video đăng tải lên thì sẽ vi phạm quy định làm báo tư nhân, trong khi YouTube thuê hẳn 1 công ty sản xuất video nội dung, Facebook đăng video clip cũng không làm sao. “Cho nên rất nhiều công ty Việt muốn làm mà không dám làm, dù có đủ năng lực về mặt công nghệ”, ông Tấn nhấn mạnh. “Đề xuất của tôi về quan điểm quản lý là: Coi ngành kinh tế nội dung số là ngành kinh tế trọng điểm và đánh thuế là để phát triển các ngành quan trọng hay đánh thuế để thu cật lực?

Ông Tân hy vọng thông qua Diễn đàn này, chính phủ sẽ thông qua các nghị định, chính sách đang được Bộ tiếp thu, sửa đổi, đóng vai trò “bước tiến quan trọng, đảo ngược các bất lợi, để doanh nghiệp Việt có cơ hội phát triển vượt bậc, giúp doanh nghiệp dám làm”.

Tham gia phát biểu tại Diễn đàn còn có ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc công ty cổ phần Be Group. Ông Hải cho rằng môi trường khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam đã phát triển mạnh nhưng vẫn tồn đọng những bất cập.

Ông Hải nhấn mạnh: “Chính sách điều kiện kinh doanh áp dụng cho các startup còn khá khắt khe, một số doanh nghiệp nước ngoài chưa tuân thủ các chính sách trong nước, nếu không thay đổi những vấn đề này thì chúng ta không làm chủ được công nghệ”.

Theo ông Hải, các doanh nghiệp nên tập trung đầu tư bài bản, nghiêm túc, có chiều sâu, tránh phụ thuộc vào nước ngoài. Ông cũng nhấn mạnh việc người dùng sử dụng mạng xã hội và nền tảng chia sẻ nổi dung số hoàn toàn của nước ngoài tức là dữ liệu lưu trữ ở nước ngoài. Trong khi đó, thời đại công nghiệp 4.0, dữ liệu là tài nguyên quốc gia. Vì vậy các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư chất xám, xây dựng hệ sinh thái công nghệ Việt.

Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh: “Để vươn tới khu vực, chúng ta phải có nền tảng trong nước, phải nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, không để mất thị trường nội địa cho các doanh nghiệp nước ngoài, để công nghệ có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực đời sống”.

Khôi Linh - Nguyễn Nguyễn

Ảnh: Toàn Vũ