Định vị dịch vụ 4G sau nửa năm chính thức ra mắt
Dịch vụ 4G chính thức được thử nghiệm bởi các nhà mạng Vinaphone, Viettel và MobiFone từ cuối năm 2016. Sau hơn nửa năm triển khai chính thức, dịch vụ 4G dường như vẫn là “người bạn chưa thân thiết” đối với người dùng Việt Nam?
Phủ sóng đến 95% dân số nhưng chỉ có vài triệu người dùng
Theo số liệu mới nhất từ ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Cơ chế Chính sách và Quy hoạch, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết tại Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2017 diễn ra ngày 27/7 vừa qua, con số người dùng chuyển đổi SIM 4G là 6.3 triệu người, trong khi số lượng người sử dụng dịch vụ 4G chỉ chiếm hơn 1/2. Mặc dù vẫn được đánh giá là tốc độ phát triển tương đối nhanh, nhưng so với các nước khác, tốc độ phát triển 4G so với 3G tại Việt Nam không phải là cao.
Theo nhận định, người dùng vẫn ngại chuyển lên 4G do lo ngại về chi phí, tốc độ 4G nhanh là ưu điểm vượt trội nhưng đồng thời lại khiến data bị “đốt” nhanh hơn, cho cảm giác tốn kém hơn so với 3G. Chưa kể tới việc thuê bao cũng đang quen sử dụng lưu lượng “tẹt ga” với các gói 3G không giới hạn, nay “lên” 4G, hết lưu lượng truy cập cũng dừng, nếu muốn sử dụng tiếp bắt buộc phải mua thêm. Ngoài ra, việc chuyển đổi từ 3G sang 4G cũng khiến người dùng suy nghĩ về chi phí vì vừa phải đổi SIM, vừa phải đổi máy nếu điện thoại của họ không hỗ trợ sử dụng 4G.
Tuy nhiên, năm 2017 vẫn là năm của sự bùng nổ 4G với sự chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng. Các nhà mạng của Việt Nam đã triển khai 43.000 note B (trạm BTS) trên toàn quốc, trong đó, Viettel là doanh nghiệp đầu tiên triển khai 4G trên phạm vi toàn quốc với 36.000 trạm phát sóng, phủ tới 95% dân số ngay tại thời điểm khai trương.
Nỗ lực cải tiến và tiếp cận người dùng của các nhà mạng
Bên cạnh việc chuẩn bị nền tảng cơ sở hạ tầng cho việc triển khai 4G, các nhà mạng cũng nỗ lực tiếp cận người dùng với những chính sách khuyến khích chuyển đổi. Điển hình nhất có thể nhắc đến chính sách hỗ trợ đổi SIM 4G miễn phí và hỗ trợ chi phí cho thiết bị cuối tại cửa hàng bán lẻ trong 2 tháng đầu ra mắt của Viettel. Chiến lược này đã giúp nhà mạng này sở hữu số lượng người dùng 4G lớn hơn các doanh nghiệp còn lại.
Bên cạnh đó, việc tạo nên một cuộc chạy đua về giá của các nhà mạng đã mang đến cho người tiêu dùng những gói cước “ngày càng tốt hơn”. Gần đây nhất, sau nửa năm chính thức triển khai 4G trên toàn quốc, Viettel lại một lần nữa “nuông chiều” người dùng của mình với việc ra mắt gói cước Mimax4G trong tháng 9 vừa qua với giá chỉ 90.000đ/ tháng với 2GB tốc độ cao cùng tính năng truy cập internet không giới hạn. Khách hàng vẫn truy cập Internet với tốc độ thông thường sau khi sử dụng hết 2GB tốc độ cao miễn phí. Với những ưu điểm của mình, Mimax4G được xem là lời giải hợp lý nhất ở thời điểm này cho bài toán chi phí và sự tiện lợi của khách hàng, giúp họ phá bỏ rào cản và tiếp cận dịch vụ mạng xã hội thế hệ mới.
Chia sẻ về lý do ra mắt gói cước, ông Hoàng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Viettel chia sẻ: “Để phổ cập được dịch vụ 4G đến mọi người, mọi nhà, Viettel đã đầu tư một mạng 4G siêu tốc độ, phủ sóng khắp mọi nơi cùng chính sách giá hợp lý và hệ thống gói cước phong phú phục vụ mọi nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ, cần phải tạo được cho khách hàng sự an tâm khi sử dụng dịch vụ sẽ không bị phát sinh chi phí ngoài gói. Với việc ra mắt gói cước Mimax4G đảm bảo tiêu chí giá rẻ - sóng khỏe – tốc độ luôn ổn định, ai dùng cũng được dù ở bất cứ đâu và xóa đi được nỗi lo không kiểm soát được chi phí, chúng tôi tin rằng hàng triệu khách hàng đã có máy 4G sẽ yên tâm trải nghiệm tốc độ vượt trội của dịch vụ với chi phí thấp hơn rất nhiều.”
Gói cước Mimax là một cái tên vô cùng quen thuộc với các tín đồ 3G tại Việt Nam. Đây là gói cước trọn gói truy cập internet không giới hạn dung lượng, đã khiến các “tín đồ” smartphone yêu thích bởi chính sách và chi phí hợp lý nhất. Do đó, việc ra mắt Mimax4G được xem là bước đi quyết định của Viettel - nhà mạng được xem là năng động nhất tại Việt Nam hiện nay nhằm nhanh chóng gia tăng cộng đồng người dùng 4G.
Hà Thu